Đội tuyển Anh hoàn toàn có thể là chú sư tử hiên ngang nếu biết cách kết liễu số phận của một Croatia già nua, đầy thương tích, nhưng họ đã không thể vượt qua nỗi sợ hãi trong một vài thời khắc quyết định.
Xem trận bán kết 2, khi Tam Sư đang dẫn 1-0, tôi đã hình dung trong đầu mình đó là một cuộc rình rập của một con sư tử già – ý tôi là Croatia – đầy lão luyện và thương tích, đang thực hiện những bước đi chậm rãi dồn một con báo non đầy hung hăng vào tầm kiểm soát để chờ thời cơ bung ra một cú vồ thập tử nhất sinh rồi giết chết con mồi.
Con báo non đó – đích thị là tuyển Anh – hoàn toàn có thể kết liễu số phận của con sư tử già đầy thương tích, nếu nó vượt qua nỗi sợ hãi trong một vài thời khắc quyết định.
Trong bóng đá, phải nhắc lại, mọi con số thống kê, mọi số liệu lịch sử, mọi so sánh, mọi lời tiên đoán đều trở nên vô nghĩa mỗi khi trái bóng bắt đầu lăn. Cả một chiến dịch tuyên truyền “Football’s Coming Home” – có thể hiểu thoáng là “Cúp về cội nguồn”, hay bài toán loằng ngoằng để đưa đội tuyển Anh đến danh hiệu vô địch của cựu danh thủ Eric Cantona đều trở thành chuyện phiếm, sau khi Croatia đặt dấu chấm hết cho cuộc hành trình kỳ thú của tuyển Anh tại nước Nga.
120 phút cộng luân lưu 11m, rồi 120 phút cộng luân lưu 11m, rồi 120 phút nữa, đó là cách mà Croatia đã nhích từng bước rất ngắn và cũng rất chậm, để cuối cùng đặt chân vào trận chung kết lịch sử đầu tiên của dân tộc. Với một đất nước chỉ có vỏn vẹn hơn 4 triệu người – tương đương với số người sinh sống tại Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông – thì đây là một kỳ tích!
Cách đây gần đúng 17 năm, ngày 10.7.2001, 150.000 CĐV đã từng chào đón một một người hùng quốc gia – Goran Ivanisevic – tại Split, khi danh thủ quần vợt này lần đầu tiên thắng giải quần vợt danh giá Wimbledon. Lần này, chắc chắn sự chào đón sẽ còn hoành tráng hơn cho dù Croatia có thắng hay bại trong trận chung kết World Cup với Pháp vào ngày 15.7 tới.
Trong bóng đá, đương nhiên hai khía cạnh kỹ thuật và chiến thuật là yếu tố then chốt, nhưng để chiến thắng trong một trận cầu có tầm vóc lớn và cân tài cân sức như bán kết World Cup thì các cầu thủ cần nhiều hơn thế, đó là sức mạnh tinh thần.
Nghe rất đơn giản, nhưng không phải ai, hay đội bóng nào cũng làm được.
Nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao huấn luyện viên Zlatko Dalic lại không có bất kỳ một sự thay đổi nào về con người trong 90 phút chính thức khi mà đa số các cầu thủ Croatia đều đã trải qua hai trận 120 phút cộng đá 11m luân lưu trước đó, nhưng ít ai biết được Dalic đã phải “bó tay” trước câu trả lời “chúng tôi có thể đá tiếp” từ các cầu thủ của mình? Có ai còn nhớ cái nắm đấm tỏ rõ quyết tâm của Ivan Perisic ở bên đường biên khi đứng cạnh Dalic? Hay có ai đã quên pha để mất bóng do đuối sức gần cuối hiệp phụ của Luka Modric trước khi anh dùng hết một chút sức tàn lực kiệt để phóng mình cứu bóng trước pha phản công của chàng thanh niên 20 tuổi Marcus Rashford? Hay trước đó nữa là thủ môn Danijel Subasic, dù đã có dấu hiệu căng cơ đùi nhưng vẫn cắn răng đứng vững đến cuối trận, trước sức ép kinh khủng của đội chủ nhà Nga ở vòng tứ kết?
Tất cả là thành tố tạo nên một sức mạnh vô hình, và sức mạnh vô hình đó tạo ra một ảo giác đánh lừa nhận thức của các cầu thủ về thể trạng đã đau buốt. Và chính chuỗi phản ứng này đã tiếp thêm một nguồn năng lượng mới cho các cầu thủ Croatia. Tôi gọi đó là năng lượng cộng hưởng, nguồn năng lượng giúp các cầu thủ Croatia có thêm một chút ưu thế so với các đối thủ của mình, cụ thể là đội tuyển Anh ở trận bán kết.
Tôi tin rằng, chính nguồn năng lượng đó đã giúp Croatia có niềm tin vào một chiến thắng, đồng thời đẩy Anh vào thế run rẩy, bị động. Với một đội hình có đến chín cầu thủ trên sân đã bước qua tuổi 29, Croatia đã làm điều không tưởng khi trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử World Cup lội ngược dòng trong ba trận knock-out liên tiếp, và cả ba trận đều cần đến ít nhất 120 phút!
Đội tuyển Anh, trong khi đó, đang chiếm thế thượng phong cả về tỷ số, thế trận, và sức mạnh của tuổi trẻ lại không biết cách, hay chính xác hơn là không dám tung ra đòn kết liễu đối phương trong hiệp hai. Cũng như trận bán kết trước đó một ngày, tôi nhận ra Bỉ sợ thua qua cách bố trí đội hình, người Anh cũng tỏ ra sợ thua trong cách thay người. Có lẽ cái mác cầm bóng tốt, cái danh lọc lõi của Croatia, và cái tiếng của Luka Modric đã làm tuyển Anh trở nên nhút nhát, thiếu tự tin, để từ Tam Sư trở thành những con mèo nhút nhát.
Đội tuyển Anh đã bỏ qua một cơ hội lớn, rất lớn, để trở lại trận chung kết World Cup đầu tiên kể từ năm 1966. Dù tương lai phía trước màu hồng, nhưng thất bại này, vào thời điểm này đã phủ một màu xám lên niềm hứng khởi của cả nước Anh.
Đội tuyển Croatia đã thành công trong cuộc hẹn hò với lịch sử. Phía trước, vẫn còn chỗ để họ trở thành huyền thoại.
Lý Chánh – Thanh Niên