Phát triển năng lực sáng tạo cho doanh nghiệp

0
598

Mọi cải tiến đều có giới hạn, chỉ có sáng tạo mới làm nên đột phá giúp doanh nghiệp (DN) trường tồn. Muốn thúc đẩy sáng tạo, phải tạo năng lực sáng tạo dựa trên những nguyên tắc nhất định.

Đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm mới, mà phải hướng đến khai thác được nhu cầu lớn nhất trên thị trường. DN đổi mới sáng tạo biểu hiện qua việc liên tục tạo ra giá trị mới để thu hút khách hàng tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ ngày một nhiều hơn, sẵn lòng trả với giá cao hơn.

Không thể nhìn vào doanh thu hoặc lợi nhuận từ sản phẩm mới để đánh giá năng lực sáng tạo, bởi vì sản phẩm mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu trong chu kỳ dòng đời sản phẩm (thường doanh thu và lợi nhuận cao ở giai đoạn phát triển và bão hòa trong chu kỳ).

Do vậy, năng lực sáng tạo cần được đánh giá qua khả năng tạo ra sự khác biệt ở sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng mang về lợi nhuận vượt trội cũng như khả năng thích ứng với thị trường trên nhiều phương diện như cách thức tương tác với khách hàng, phương thức marketing, bán hàng, thanh toán, dịch vụ chăm sóc, tư vấn khách hàng…

Đổi mới sáng tạo cần tuân thủ nguyên tắc nhất quán là tìm ra cách thức, giải pháp nhằm khai thác nhu cầu lớn nhất. Có bốn yếu tố cơ bản quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của DN: sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, và sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Sự quan tâm của lãnh đạo biểu hiện qua việc kiên định mục tiêu đổi mới trong mọi hoạt động của DN, thiết lập những quy tắc và phát triển năng lực thực hiện sáng tạo cho đội ngũ; trang bị cho đội ngũ phương pháp, công cụ tư duy sáng tạo, phương thức kinh doanh mới, kỹ năng mới và đào tạo kiến thức về sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, quản trị.

Đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ mạnh dạn đề đạt sáng kiến, tôn trọng và hỗ trợ triển khai các đề xuất. Khi hành vi đổi mới được kích thích, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, công cụ sáng tạo cho đội ngũ và có quy tắc rõ ràng hỗ trợ cho sáng tạo thì văn hóa và bầu không khí đổi mới được hình thành trong DN.

Thành quả của đổi mới sáng tạo được phát triển qua hai con đường: sáng tạo từ nghiên cứu và phát triển (R&D), sáng tạo nhờ vào năng lực thích ứng (các bộ phận có năng lực nắm bắt và xử lý thông tin). Không nhất thiết phải có bộ phận R&D mới có được năng lực sáng tạo.

Nếu thiết lập được các quy trình nắm bắt và xử lý thông tin từ môi trường kinh doanh hiệu quả, sẽ có được nhiều giải pháp, cách làm và phương thức kinh doanh tiến bộ. Chẳng hạn như khi trên thị trường xuất hiện phương thức bán hàng, marketing, dịch vụ chăm sóc khách hàng mới thì bộ phận kinh doanh, marketing phải sớm nắm bắt, phân tích và đề xuất giải pháp cải tiến hoạt động bán hàng, markeing, chăm sóc khách hàng cho phù hợp.

Tuy nhiên, để tạo ra sản phẩm mới, đòi hỏi DN phải đầu tư cho hoạt động R&D. Khi trên thị trường xuất hiện công nghệ mới, đối thủ cạnh tranh tung ra sản phẩm, dịch vụ mới, xuất hiện những sản phẩm thay thế đe dọa đến sự tồn tại của DN thì lúc đó mọi sự cải tiến không còn tác dụng, cần đến hoạt động R&D để sáng tạo ra sản phẩm mới giúp DN có được sự đột phá để vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển.

Thế nhưng sản phẩm mới luôn khó đáp ứng nhu cầu thị trường và tiềm ẩn nhiều rủi ro, kể cả khả năng thất bại. Có rất nhiều điển hình về sự đổi mới đem lại thành công, nhưng cũng có không ít trường hợp gây tổn thất cho DN. Không khó tìm ra giải pháp kỹ thuật để tạo ra sản phẩm mới, nhưng làm thế nào để sản phẩm đó được phần đông khách hàng chấp nhận là việc không dễ.

Để sản phẩm mới thành công, phải đáp ứng được nhu cầu lớn nhất trên thị trường và cần đi kèm với chiến dịch marketing, phương thức phân phối phù hợp, cũng như đảm bảo đội ngũ phải có kỹ năng thực hiện phương thức kinh doanh mới.

Không khó tìm ra giải pháp kỹ thuật để tạo ra sản phẩm mới, nhưng làm thế nào để sản phẩm đó được phần đông khách hàng chấp nhận là việc không dễ.

Cần kết hợp kết quả sáng tạo từ năng lực thích ứng với R&D để xác định đầy đủ các giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo. Có được giải pháp, dự án mới chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là sự quyết tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện. Cần phân tích mối quan hệ giữa các dự án với nhau để tích hợp thành những chương trình đổi mới sáng tạo cốt lõi nhất, tránh việc đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực.

Đồng thời phải xác định được thời điểm hợp lý để thông báo kết quả đổi mới sáng tạo. Khi doanh thu của sản phẩm truyền thống chững lại, nhu cầu về sản phẩm mới của khách hàng lộ rõ thì mới là thời điểm thích hợp để tung ra sản phẩm mới.

DN ra đời và phát triển thành công nhờ vào dự án khởi nghiệp sáng tạo. Bất kỳ dự án nào cũng đều trải qua các giai đoạn bắt đầu, phát triển, bão hòa và suy thoái. Đổi mới sáng tạo giúp DN duy trì lâu dài trạng thái tăng trưởng thông qua các giải pháp cải tiến sản phẩm, dịch vụ khách hàng và phương pháp quản trị.

Khi dòng sản phẩm hiện hữu rơi vào trạng thái suy thoái thì mọi cải tiến không còn tác dụng, chỉ có sáng tạo sản phẩm mới để thay thế cho sản phẩm cũ mới có thể giúp DN trường tồn. Vì lẽ đó, đổi mới sáng tạo quyết định sự sống còn của mỗi DN.

TS. Huỳnh Thanh Điền
Theo Doanh Nhân Sài Gòn