10 thông tin bưu chính viễn thông – CNTT đáng chú ý tháng 07/2015

0
675
  1. ICTNews: Người Việt sử dụng điện thoại khoảng 150 lần mỗi ngày

Hiệp hội Mobile marketing toàn cầu (MMA) đưa ra con số Việt Nam có 24 triệu người lướt Facebook bằng điện thoại di động và bình quân mỗi người sử dụng điện thoại khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6,5 phút.

Báo cáo của Google tại sự kiện “Go mobile first” về thị trường Việt Nam năm 2015 chỉ rõ 3 xu hướng. Thứ nhất, tương lai là di động khi hiện tại cứ 3 người Việt xem truyền hình thì 1 người vừa coi vừa sử dụng điện thoại, xem các nội dung không liên quan đến chương trình tivi. Thứ hai là người Việt Nam có xu hướng mua hàng trực tuyến tăng. Thứ ba là xu hướng xem video ở Việt Nam là rất phổ biến. Google đo được cứ 6/10 người trưởng thành ở Việt Nam xem video online. Cứ 8/10 khách hàng người Việt lên mạng ít nhất một lần/ngày, những người trẻ, dưới 34 tuổi thì lên mạng thường xuyên

Nghiên cứu của Google cho thấy có 71% dùng Internet vì các lý do cá nhân, 77% lên mạng tìm thông tin đầu tiên. 36% vừa xem tivi vừa sử dụng một thiết bị khác, trong đó 90% là dùng smartphone.

  1. ICTNews: Facebook chạm mốc 1,49 tỷ người dùng

Quý II/2015, Facebook đánh bại kỳ vọng của các nhà đầu tư với mức doanh thu 4,04 tỷ USD, người dùng hàng tháng chạm mốc 1,49 tỷ, tăng 3,47% so với quý trước đó. Các chuyên gia dự báo Facebook thu về 3,99 tỷ USD doanh thu. Dù vậy, thu nhập ròng, con số cho thấy lợi nhuận thực sự, giảm từ 791 triệu USD xuống 719 triệu USD, dẫn đến giá cổ phiếu công ty giảm ngay sau đó.

Di động chiếm 76% doanh thu quảng cáo, tăng từ 73% quý trước. Người dùng di động hàng tháng tăng 4,8% lên 1,31 tỷ người, người dùng di động hàng ngày tăng 5,76% lên 844 triệu người. Gộp cả người dùng di động và PC, số người dùng hàng ngày của Facebook đạt 968 triệu, tăng 3,41%.

Ngoài ra, CEO Mark Zuckerberg cũng đề cập đến thống kê các ứng dụng thuộc “gia đình” Facebook, bao gồm 800 triệu người dùng WhatsApp, 700 triệu người dùng Messenger, 300 triệu người dùng Instagram, 850 triệu người dùng Groups (nhóm) và 40 triệu doanh nghiệp nhỏ dùng Pages.

  1. Vietnamplus: MobiFone đưa truyền hình vào lĩnh vực kinh doanh chiến lược

Trong thời gian tới, MobiFone sẽ thực hiện kinh doanh tập trung vào các lĩnh vực lớn như di động, truyền hình, bán lẻ, đa phương tiện; xây dựng hệ thống kênh phân phối rộng khắp… Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ thực hiện cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Thông tin trên được ông Cao Duy Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đưa ra tại Đại hội Đảng bộ MobiFone lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra sáng 27/7.

Theo ông Hải, trong giai đoạn 2010-2014, tổng doanh thu phát sinh của MobiFone đạt trên 191.208 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 8%/năm; lợi nhuận trước thuế đạt 32.997 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm; tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 22.864 tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ tới, MobiFone đặt mục tiêu doanh thu hằng năm tăng trên 20%, đến 2020 đạt doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng từ 3-5%/năm; năng suất lao động bình quân tăng 6%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 5%/năm…

  1. Vietnamplus: Tiếp tục vượt Apple, Samsung dẫn đầu thị trường “dế” thông minh

Trong kết quả khảo sát theo quý công bố ngày 24/7 của hãng nghiên cứu thị trường IDC, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 2 năm nay đã tăng gần 12% so với năm ngoái với khoảng 337 triệu sản phẩm được bán ra.

Theo IDC, Samsung dẫn đầu về thị phần với 21,7% dù tỷ lệ này thấp hơn so với mức 24,8% của cùng kỳ năm trước đó. Đứng vị trí thứ hai là “Trái táo cắn dở,” chiếm 14,1% thị phần, tăng 2% so với cùng thời điểm của năm 2014.

Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc được đánh giá là những ngôi sao đang lên trên thị trường “dế” thông minh. Nhờ sự ủng hộ của các khách hàng châu Âu và thị trường nội địa, sản phẩm của tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã chiếm 8,9% thị trường điện thoại thông minh, đứng thứ 3 trong danh sách.

Vị trí thứ 4 và thứ 5 cũng lần lượt thuộc về hai doanh nghiệp của Trung Quốc là Xiaomi (5,3%) và hãng Lenovo (4,8%).

  1. Thanh Niên: Việt Nam có nguy cơ rò rỉ 1.500 GB dữ liệu

Nhà nghiên cứu an ninh mạng, John Matherly, cho biết quản trị hệ thống của MongoDB vừa vô tình để lộ gần 600 TB dữ liệu vì chạy các phiên bản cũ và không được vá lỗi của phần mềm.

Theo Security Week, vấn đề này đã được cảnh báo từ đầu năm 2012 nhưng các nhà phát triển MogoDB phải mất hơn 2 năm để xử lý. Nhà nghiên cứu cũng cho biết đa số dữ liệu MongoDB có thể bị truy cập công khai được đặt trên hệ thống đám mây, cụ thể là DigitalOcean, Amazon, Linode và OVH.

Liên quan đến vấn đề nói trên, theo kiểm tra từ hãng bảo mật Bkav, tại Việt Nam có tới 1.507 GB lưu trữ trong 1.300 cơ sở dữ liệu có thể bị truy cập và lấy thông tin từ xa một cách dễ dàng. Trong số này có nhiều cơ sở dữ liệu lên tới hàng chục GB.

Thông qua việc xác minh địa chỉ IP và tên miền, Bkav cho biết các dữ liệu này liên quan đến nhiều trang thương mại điện tử lớn, một số trang tin, cơ sở dữ liệu game và đặc biệt có một trang thuộc chính phủ.

  1. Vietnamplus: 62% nhân viên doanh nghiệp Việt dùng thiết bị cá nhân để làm việc

Nghiên cứu về chỉ số bình quân làm việc theo phương thức mới (New way of Work-NW​oW) được Microsoft công bố cho thấy, có tới 62% nhân sự Việt Nam sử dụng thiết bị cá nhân để làm việc.

Báo cáo NWoW của Microsoft được đưa ra với sự tham dự của hơn 2.000 nhân sự khu vực (bao gồm 200 từ Việt Nam), dựa trên tầm nhìn của các cá nhân về công việc, cuộc sống và những khoảng cách cần xử lý để giúp họ phát triển.

Theo đó, chỉ số chung của thị trường châu Á – Thái Bình Dương là 40/100 điểm, thấp nhất là Đài Loan (21 điểm) và cao nhất là Indonesia với 62 điểm. Việt Nam đạt điểm số 44, cao hơn so với điểm chung của khu vực (40 điểm), nhưng trong số này 59% lại phản hồi về việc không được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ để phù hợp với phương thức làm việc hiện đại.

Bên cạnh đó, 99% chia sẻ rằng họ được yêu cầu phải liên hệ ngoài giờ làm việc (sau 5 giờ chiều) để hoàn thiện công việc; 62% nhân sự ở Việt Nam sử dụng các thiết bị cá nhân để giải quyết công việc.

mua_sam_truc_tuyen

  1. Vietnamplus: Việt Nam tăng trưởng thứ 5 khu vực về mua sắm qua smartphone

Khảo sát mới nhất của MasterCard cho thấy Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về mua sắm qua thiết bị di động, xếp thứ 5 trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với số người đã thực hiện mua sắm qua điện thoại thông minh tăng từ 34,9% trong năm 2013 lên 45,2% trong năm 2014.

Nhìn chung, người tiêu dùng Trung Quốc (70,1%), Ấn Độ (62,9%) và Đài Loan (62,6%) có xu hướng mua sắm với smartphone nhiều nhất.

Trong khi đó, các ứng dụng đứng đầu danh mục hàng hóa mua sắm bằng smartphone của người tiêu dùng tại Thái Lan (33,8%) và Việt Nam (31,8%).

  1. ICTNews: Viettel tiếp tục kiến nghị bỏ quy định DN viễn thông thống lĩnh thị trường

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel vừa đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT cần xem xét bỏ quy định về doanh nghiệp thị phần khống chế hay doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường, vì quy định này không phù hợp với thị trường viễn thông phát triển nhanh gần đây.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Các nước đều áp dụng quy định quản lý thống nhất giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường. Hiện tại Việt Nam vẫn áp dụng quy định về doanh nghiệp thị phần khống chế, trong khi mấy năm qua thị trường viễn thông đã phát triển rất nhanh nên quy định này không còn phù hợp. Đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu và sửa đổi bỏ quy định về doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường, cho phù hợp với diễn biến thị trường, phù hợp với Luật Viễn thông”.

Liên quan đến kiến nghị của ông Hoàng Sơn, ông Phan Tâm, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Nghị định 25 ban hành từ năm 2011, từ đó đến nay thị trường viễn thông có nhiều thay đổi nên việc phải rà soát, sửa đổi lại một số quy định cho phù hợp là hết sức bình thường. Cục Viễn thông sẽ đưa vào chương trình công tác 2016 tổ chức tổng kết, đánh giá lại 4 năm thi hành Nghị định 25, từ đó có cơ sở để xem xét, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp.

  1. ICTNews: MobiFone sẽ phân phối thiết bị đầu cuối

MobiFone cho biết, đã đặt ra mục tiêu nhảy vào lĩnh vực kinh doanh thiết bị đầu cuối thông qua việc hợp tác với các nhà phân phối để đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng của MobiFone.

Ông Bùi Sơn Nam, Trưởng Ban Kinh doanh của MobiFone cho hay, MobiFone đang tiến hành cải tạo hệ thống cửa hàng để chuẩn bị cho việc phân phối các thiết bị đầu cuối.

Thời điểm để MobiFone chính thức nhảy vào lĩnh vực này có thể là cuối năm 2015.

Như vậy, sau hai nhà mạng là Viettel và VNPT, MobiFone là nhà mạng cuối lớn cuối cùng ở Việt Nam nhảy vào thị trường bán lẻ thiết bị đầu cuối ở trong nước. Cùng phân phối thiết bị đầu cuối sẽ hỗ trợ tốt cho phát triển dịch vụ của nhà mạng, nhưng việc phân phối thiết bị đầu cuối không hề đơn giản bởi khâu điều hành đòi hỏi phải cực kỳ linh hoạt bám sát thị trường. Thực tế cho thấy, cuộc chạy đua mở chuỗi siêu thị của doanh nghiệp viễn thông nhà nước đã bộc lộ những yếu kém về tính hiệu quả và tính chuyên nghiệp so với các doanh nghiệp tư nhân.

Mảng phân phối thiết bị đầu cuối được xem là “cửa” hỗ trợ tốt cho việc cung cấp và giới thiệu dịch vụ của các nhà mạng. Thế nhưng, bài toán khó nhất là làm sao vận hành hệ thống phân phối này để có thể cạnh tranh được với các chuỗi bán lẻ của tư nhân.

  1. Thanh Niên: Nokia quay lại thị trường smartphone

Theo PhoneArena, thông tin trên được Robert Morlino – phát ngôn viên của Nokia cho biết, và việc hãng quay lại thị trường smartphone cũng sẽ được triển khai trong năm 2016, khi mà thời gian ký kết với Microsoft hết hạn.

Cụ thể, Robert Morlino cho biết Nokia sẽ quay lại thị trường smartphone nhưng không còn đảm nhiệm vai trò tự mình sản xuất, thay vào đó là nhượng quyền thương hiệu.

Trong mối quan hệ này, Nokia sẽ “hướng dẫn thiết kế và cung cấp các công nghệ đang nắm giữ” cho đối tác của mình, hiện tại Nokia cũng đang tìm những nhà sản xuất có uy tín để cùng nhau phát triển thương hiệu smartphone Nokia theo hướng đi này.

SPT Ngày Nay