10 thông tin bưu chính viễn thông – CNTT đáng chú ý tháng 3/2016

0
664
  1. Thanh Niên: Thương mại điện tử ASEAN sẽ tăng mạnh

Doanh thu bán lẻ trực tuyến của khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt 70 tỉ USD vào năm 2020, tức là tăng hơn 11 lần so với con số 6 tỉ USD hiện nay, theo nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý Bain & Co. phối hợp với Hãng Google.

Báo cáo về tiềm năng của thương mại điện tử Đông Nam Á, lĩnh vực chiếm 4% tổng doanh thu bán lẻ của toàn khu vực, được đưa ra sau khi khảo sát hơn 6.000 người tiêu dùng ở Philippines, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và VN, theo tờ Philstar.

Theo báo cáo, trở ngại lớn nhất cho sự thành công của thương mại điện tử trong khu vực là tình trạng làm ăn manh mún. Lý do là luật lệ, cơ sở hạ tầng và sở thích của khách hàng khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, gặp khó khăn trong việc thiết lập sự hiện diện căn cơ và mở rộng quy mô kinh doanh. Một thách thức nữa là lòng tin của người tiêu dùng đối với hình thức kinh doanh trực tuyến còn chưa cao do vẫn xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo, tranh chấp…

  1. Thanh Niên: 35% người dùng internet ở Việt Nam bị tấn công mạng

Đây là số liệu được đưa ra tại hội chợ triển lãm quốc gia về an ninh bảo mật 2016 (Security World 2016), được Tổng cục An ninh (Bộ Công an) phối hợp với Tập đoàn IDG VN tổ chức ngày 29.3.

Theo các đơn vị về bảo mật thông tin mạng, VN đã ghi nhận hơn 30.000 sự cố an ninh mạng trong năm 2015.

Cụ thể, từ tháng 1 – 9.2015 đã phát hiện 18.085 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng, trong đó có 88 website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; 7.421 vụ tấn công thay đổi giao diện, trong đó có 164 website, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.

  1. ICTNews: Kaspersky phát hiện Trida, một trong những trojan nguy hiểm nhất trên di động

Kaspersky gửi đi thông báo điểm lại những sự kiện bảo mật đáng chú ý trong tháng 3, trong đó sự kiện phát hiện Triada được đưa lên hàng đầu. Trojan này có thể xâm nhập sâu vào hệ thống điện thoại Android, thay đổi các file quan trọng và chiếm quyền điều khiển máy.

Những thiết bị chạy phiên bản Android từ 4.4.4 trở về trước có nguy cơ bị tấn công cao nhất. Vì gần như không thể gỡ bỏ cài đặt phần mềm độc hại này nên người dùng chỉ có hai lựa chọn: một là “root” thiết bị của họ và xóa các ứng dụng độc hại bằng tay, hai là jailbreak hệ thống Android trên thiết bị.

Đa số người dùng bị tấn công ở Nga, Ấn Độ và Ukraine cũng như các nước Châu Á Thái Bình Dương.

  1. ICTNews: Tốc độ kết nối Internet trung bình của Việt Nam thấp hơn thế giới gần 1,5 lần

Đây là kết quả nghiên cứu về tình hình Internet toàn cầu trong quý IV/2015 vừa được hãng quản lý lưu lượng Internet và giải pháp công nghệ dịch vụ đám mây Akamai Technologies (Mỹ) công bố.

Theo báo cáo này, tốc độ kết nối trung bình của Việt Nam là 3,8Mbps, xếp trên Phlippines và Ấn Độ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. So với báo cáo quý 3/2015, Việt Nam tụt thêm một bậc nữa và để Indonesia vượt lên trước mặc dù tốc độ kết nối trung bình tăng thêm 0,4 Mbps so với quý 3/2015. Con số này tương đương với mức tăng 13% so với quý trước đó và tăng hơn 43% so với năm ngoái. Tốc độ trung bình cao nhất của quý 4/2015 là 31,4Mbps, tức là vẫn thấp hơn so với mức trung bình cao nhất của thế giới là 32,5Mpbs nhưng vẫn tăng hơn so với con số 25,5 Mbps của quý trước.

Ba vị trí hàng đầu trong danh sách này thuộc về Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông với tốc độ kết nối trung bình là 26,7Mpbs, 17,4Mbps và 16,8Mbps. Một trong những quốc gia có tốc độ kết nối internet thấp nhất trong khu vực là Philippines, và quốc gia này trong tháng 9 vừa rồi đã cam kết sẽ phủ sóng Wi-Fi miễn phí tại trường học, bệnh viện, sân bay và công việc tại khắp thành phố và thị trấn vào cuối năm 2016.

  1. ICTNews: Viettel được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar

Theo thông tin từ trang Nikkei, giới chức Myanmar hôm thứ 6 vừa qua đã chính thức công bố, mạng di động Viettel và một liên doanh các công ty địa phương sẽ được cấp giấy phép để mở các dịch vụ điện thoại tại quốc gia này. Thông tin được công bố bởi Bộ Truyền thông Myanmar.

Liên doanh các công ty nói trên là một nhóm gồm 11 công ty trong đó đáng chú ý có Yatanarpon Teleport (YTP), một nhà cung cấp dịch vụ Internet của Myanmar.

Thị trường viễn thông Myanmar đang ngày càng có tính cạnh tranh cao và giá cước viễn thông đã giảm hơn một nửa so với trước đây. Với sự xuất hiện của Viettel, cuộc chiến giành thị phần viễn thông tại Myanmar hứa hẹn còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới.

  1. Vietnamplus: IBM đưa công nghệ điện toán biết nhận thức vào thị trường Việt Nam

Tại hội thảo IBM Business Connect diễn ra sáng 18/3 tại Hà Nội, IBM đã giới thiệu công nghệ điện toán biết nhận thức vào thị trường Việt Nam, hỗ trợ con người đưa ra các quyết định phù hợp trước kho dữ liệu khổng lồ.

Ông Robert Morris, Phó Chủ tịch Tập đoàn IBM phụ trách Bộ phận Nghiên cứu IBM tại Mỹ cho hay, điện toán biết nhận thức có khả năng làm thay đổi hoàn toàn phương thức tương tác giữa con người và hệ thống. Trong đó, hệ thống thông minh sẽ mô phỏng những năng lực của bộ não con người nhằm góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội.

Các hệ thống điện toán biết nhận thức sẽ giúp hiểu được 80% lượng dữ liệu trong số 2,5 ngàn tỷ tỷ tỷ (quintillion) bytes dữ liệu sản sinh ra mỗi ngày từ mạng xã hội, di động, Internet của vạn vật… Điều này cho phép con người theo kịp khối lượng, độ phức tạp và bản chất không dự đoán được của thông tin.

Phía IBM cũng cho biết, để tối ưu chi phí, các đơn vị có thể thuê dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây và trả tiền theo lần sử dụng. Lấy ví dụ một module phân tích tính cách con người của Watson, để phân tích tính cách con người cho 1-100.000 người, khách hàng trả 0,21 USD/lần đánh giá; 0,0525 USD/lần nếu số lượng là 250.000 người…

  1. ICTNews: Từ 15/3/2016, các đài truyền hình bị cấm liên kết sản xuất chương trình thời sự

Theo quy định trong Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/ có hiệu lực từ 15/3/2016, Bộ TT&TT sẽ thôi không cấp phép các chương trình truyền hình liên kết. Nghị định mới cũng ra quy định, các đài truyền hình tuyệt đối không thực hiện liên kết sản xuất các chương trình thời sự chính trị.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, việc  Bộ TT&TT không cấp phép cho các chương trình liên kết nâng cao trách nhiệm của các đài truyền hình. Bên cạnh đó, quy định các đài truyền hình không được phép liên kết hoạt động sản xuất chương trình thời sự là vì nội dung thời sự được đánh giá rất quan trọng, quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật Báo chí về vai trò trách nhiệm của các đài truyền hình trong quản lý nội dung.

  1. Tuổi Trẻ: Mạng di động Google Fi cho đăng ký t​ự do

Google chính thức mở rộng cửa đăng ký thẻ SIM mạng di động Project Fi của mình, tự chọn kết nối mạng viễn thông nhanh nhất cho điện thoại người dùng.

Phí đăng ký thuê bao mạng Project Fi vào tầm giá 20 USD/tháng (tương đương khoảng 450 ngàn đồng) để dùng không giới hạn thoại và nhắn tin.

Nếu muốn sử dụng gói mạng dữ liệu (data), người dùng trả 10 USD/tháng cho mỗi GB dữ liệu. Lượng dữ liệu “thừa” sẽ được dồn sang tháng kế tiếp nếu không xài hết trong tháng đó.

Việt Nam chưa có trong danh sách 120 thị trường hỗ trợ mạng Project Fi. Các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, hay thậm chí Venezuela và Zambia đều hiện diện trong danh sách. Project Fi chỉ hỗ trợ tốc độ kết nối tối đa 256 kbps mạng dữ liệu 3G ở 120 quốc gia này và mức phí cũng khác biệt.

Thẻ SIM của mạng Project Fi có thể dùng cho nhiều thiết bị khác như iPad và máy tính bảng hỗ trợ mạng 4G LTE, không đơn thuần chỉ hỗ trợ điện thoại di động.

  1. ICTNews: Viettel cung cấp dịch vụ 4G tại Burundi

Mới đây, Lumitel – thương hiệu mạng viễn thông của Viettel tại Burundi đã trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 4G LTE tại đất nước này. Lumitel chính thức cung cấp dịch vụ Internet 4G với tốc độ 100Mbps tại các tỉnh chính của Burundi gồm Bujumbura, Gitega, Ngozi, Muyinga và Makamba Rumonge. Việc một nhà mạng mới gia nhập thị trường chưa tới 1 năm đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và tiên phong cung cấp dịch vụ 4G trước cả các đối thủ lâu năm khác đã gây một tiếng vang lớn tại Burundi và khu vực.

Gia nhập thị trường vào tháng 4/2015, chưa đầy 4 tháng sau, Lumitel đã cán mốc 1 triệu khách hàng và hiện là nhà mạng lớn nhất với mặt hạ tầng mạng lưới phủ sóng đến hơn 90% toàn quốc và 1,3 triệu khách hàng.

Cam kết mang công nghệ tiên tiến nhất để đầu tư ra thị trường nước ngoài nên mặc dù chưa chính thức kinh doanh dịch vụ 4G tại Việt Nam, Viettel đang đi đầu cung cấp giới thiệu dịch vụ này tại một số thị trường của mình. Năm 2015, Viettel đã triển khai cung cấp 4G tại Lào và Campuchia. Trong năm nay, Viettel tiếp tục sẽ triển khai đồng loạt ở hầu hết các thị trường còn lại như Timor, Peru, Haiti…

  1. VnExpress: Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới về phát triển công nghệ

Trong kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc đặt mục tiêu thành đầu tàu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất chip điện tử, hàng không dân dụng, rô-bốt và vệ tinh nhân tạo.

Chính sách phát triển công nghệ của Trung Quốc, còn được biết đến với cái tên “Internet Plus”, sẽ áp dụng cho cả những khu vực công như y tế và giáo dục. Ngoài ra, chính phủ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thông tin trên Internet vừa nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia vừa để cải thiện tiếng nói của Trung Quốc trên “sân chơi” công nghệ quốc tế.

Theo Business Insider, kế hoạch lần này của Trung Quốc hứa hẹn giúp Bắc Kinh tạo ra một không gian số minh bạch và dân chủ, tạo đà cho việc hình thành một mạng lưới quản lý an ninh quốc gia trên Internet.

SPT Ngày Nay

[fblike layout="button_count" show_faces="true" action="like"][googleplusone size="small"][tweet layout="horizontal"]