10 thông tin bưu chính viễn thông – CNTT đáng chú ý tháng 2/2015  

0
893
  1. Vietnamplus: Canalys: Thị trường PC năm 2014 lấy lại sức tăng trưởng

Theo dữ liệu mới từ công ty nghiên cứu Canalys, thị trường máy tính cá nhân (PC) đã có một quý Tư của năm 2014 đầy biến động nhưng tương đối khá.

Báo cáo của Canalys công bố hôm 3/2 cho thấy, tổng số các lô hàng máy tính trên toàn thế giới, bao gồm cả máy tính xách tay, máy tính để bàn và máy tính bảng, đạt 148 triệu đơn vị trong quý Tư, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2013. Cả năm 2014, lượng PC cung ứng ra thị trường đạt 528 triệu chiếc, tăng 3% so với năm trước.

Cả hai công ty Canalys và IDC đều có chung báo cáo rằng Apple là hãng sản xuất máy tính bảng hàng đầu trong quý thứ Tư, mặc dù các lô hàng iPad cung ứng ra thị trường đã giảm.

Ngoài ra, Canalys cho biết, Apple là nhà cung cấp máy tính hàng đầu trong quý Tư, đánh bại Lenovo, Hewlett-Packard và Samsung với các sản phẩm máy tính Mac và iPad.

  1. VietNamNet: Đồng ý triển khai 3G trên băng tần 900MHz trên cả nước

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nhất trí với đề xuất của VNPT về việc triển khai 3G trên băng tần 900MHz trên phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng việc triển khai 3G trên tần số 900 MHz cần được nhân ra diện rộng bởi chất lượng dịch vụ tốt hơn, đầu tư lại ít hơn, do đó mang lại hiệu quả cao hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng. Hiện tại, 2G đang được sử dụng trên tần số này và tần số 1800 MHz, nhưng mức độ sử dụng ngày càng giảm nên việc dành 900 MHz cho 3G sẽ hợp lý hơn, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang muốn mở rộng 3G, hạn chế dần 2G để phù hợp xu thế chung của thế giới như hiện nay.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Viễn thông hướng dẫn doanh nghiệp triển khai 3G diện rộng trên băng tần mới để tối ưu hóa tài nguyên tần số. Đồng thời, theo Quy hoạch thì băng tần 2300 – 2400 dự định sẽ dành cho 4G, mà theo lộ trình sẽ được triển khai thí điểm ngay trong năm 2015 này. Trên thực tế, băng tần 700 MHz được đánh giá là tối ưu và phù hợp nhất cho 4G nhưng lại đang dùng cho truyền hình. Chính vì vậy, sau khi số hóa truyền hình toàn quốc thì Bộ TT&TT sẽ thu hồi dần băng tần này về để dành cho 4G.

  1. ICTNews: Tập đoàn truyền thông của Đức tuyên bố đầu tư vào Cốc Cốc

Hubert Burda Media, một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Đức vừa tuyên bố sẽ đầu tư vào Cốc Cốc – công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam với trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc.

Theo một số nguồn tin, mức đầu tư vào Cốc Cốc của Hubert Burda Media có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hiện cả phía Hubert Burda Media và Cốc Cốc đều chưa đưa ra bình luận gì về con số này. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Lê Văn Thanh, một trong 3 nhà sáng lập Cốc Cốc cho biết số tiền đầu tư cụ thể sẽ được hai bên công bố vào một dịp thích hợp khi thống nhất xong các điều khoản hợp tác, đầu tư.

  1. Tuổi Trẻ: Năm 2014, thế giới mua 1,283 tỉ smartphone

Theo báo cáo mới từ Hãng nghiên cứu thị trường ABI Research, doanh số điện thoại thông minh (smartphone) Android lần đầu tiên giảm theo quý. Cụ thể, doanh số giảm từ 217 triệu smartphone Android bán ra quý 3 xuống 206 triệu smartphone quý 4.

Trong khi đó, thị phần hệ điều hành iOS có trên Apple iPhone tăng trưởng đến 90%, từ 39,3 triệu lên 74,5 triệu iPhone bán ra cùng khoảng thời gian trên.

Tuy có sụt giảm trong Q4 nhưng Android vẫn lập kỷ lục trong năm 2014. Theo báo cáo công bố cuối tháng Một vừa qua từ Hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, một tỉ smartphone Android bán ra trên toàn cầu năm 2014, tăng so với 0,8 tỉ smartphone Android năm 2013.

Năm 2014, Android giữ 81,2% thị trường smartphone toàn cầu, tương đương 1,042 tỉ smartphone Android, kế đến là Apple iOS với 15% thị phần, với 192,7 triệu iPhone bán ra trong năm. Một lần nữa, Apple “nhận trái ngọt” từ iPhone 6 và iPhone 6 Plus.

Giữ vị trí thứ ba, thị phần Windows Phone là 3%, với 38,8 triệu smartphone dùng nền tảng di động của Microsoft, hầu hết là các điện thoại Nokia Lumia và Microsoft Lumia.

  1. ICTNews: Doanh nghiệp CNTT Việt Nam “tăng trưởng chóng mặt”

Hôm 8/2, tờ The New York Times (NYT) cho rằng, thị trường công nghệ thông tin Việt Nam đang bùng nổ và được cho là hứa hẹn nhất Đông Nam Á nhưng chưa thực sự được “cởi trói” về chính sách.

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đang là điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo năm 2013 của Bộ Công thương Việt Nam cho thấy, doanh số bán hàng trực tuyến của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cho người tiêu dùng đã lên tới 2,2 tỷ USD vào năm 2013, và con số này dự đoán sẽ lên tới 4 tỷ USD vào năm 2015.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam hiện là một trong những thị trường công nghệ thông tin hứa hẹn nhất của Đông Nam Á. Ông cho rằng thương mại điện tử, dịch vụ âm nhạc trực tuyến và trò chơi trên điện thoại thông minh là những khu vực tăng trưởng nóng nhất hiện nay.

  1. VTV: Cần Thơ phủ sóng wifi công cộng miễn phí

Cần Thơ đã trở thành thành phố thứ 6 trong cả nước phủ sóng wifi miễn phí. Đây là kết quả của một dự án được Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn triển khai thực hiện từ cuối tháng 12/2014.

Tại Bến Ninh Kiều sẽ được lắp đặt 5 thiết bị wifi miễn phí với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trải dài từ đường Ngô Gia Tự – Hai Bà Trưng đến khu vực Chợ Cổ Cần Thơ.

Các thiết bị có vùng phủ sóng khoảng 150m, đáp ứng 250 người dùng/thiết bị. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 lượt truy cập với tần suất 800 người dùng/thiết bị.

Theo dự kiến, sau Bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục mở rộng dự án, lắp đặt thêm các thiết bị wifi ở Công viên Lưu Hữu Phước và một số tuyến đường trung tâm.

  1. Vietnamplus: Singapore là quốc gia có băng thông rộng nhanh nhất thế giới

Theo tờ Straits Times ngày 9/2, chỉ số tốc độ Internet toàn cầu vừa được công bố bởi Ookla Net Index có trụ sở tại Hoa Kỳ cho thấy Singapore đã soán ngôi Hongkong để trở thành quốc gia có tốc độ băng thông rộng nhanh nhất thế giới.

Được giám sát bởi các tổ chức quốc tế và các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), chỉ số tốc độ toàn cầu đã chỉ ra rằng những người sử dụng Internet ở Singapore có các liên kết băng thông rộng với tốc độ nhanh nhất, khoảng 104 Mbps.

Tiếp đó, Hongkong đứng ở vị trí thứ hai với tốc độ khoảng 95 Mbps. Đứng thứ ba là Hàn Quốc (80 Mbps) và thứ tư là Nhật Bản (67 Mbps).

Các con số thống kê cho thấy Singapore đã đi một chặng đường dài kể từ năm 2008 khi tốc độ băng thông rộng dao động ở mức 10 Mbps hoặc ít hơn. Bước ngoặt là trong tháng 10 năm 2010, khi tốc độ được tăng lên 100 lần, đạt 1 Gbps. Hai năm sau đó, Singapore đã đạt tốc độ băng thông rộng hơn 20 Mbps.

  1. Tuổi Trẻ: Microsoft chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam

Hãng phần mềm Microsoft (Mỹ) sẽ đóng cửa hai nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc vào tháng tới và chuyển một phần trang thiết bị sản xuất sang Việt Nam.

Tờ The Seattle Times (Mỹ) khẳng định một đại diện của Microsoft đã xác nhận thông tin trên.

Khoảng 9.000 lao động tại hai nhà máy trên sẽ mất việc sau khi việc đóng cửa được hoàn tất trong tháng 3.

Một số thiết bị sản xuất tại hai cơ sở này sẽ được chuyển đến Việt Nam, tờ Nhật báo Tuổi Trẻ Bắc Kinh dẫn lời một lãnh đạo Microsoft Trung Quốc giấu tên cho hay. Việc di dời thiết bị sang Việt Nam cũng sẽ hoàn tất cùng lúc với thời điểm đóng cửa nhà máy.

  1. ICTNews: Cuối năm 2015 là thời điểm chín muồi để Việt Nam triển khai 4G

Cục Trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cho biết, khi 3G được triển khai tại Việt Nam thì trước đó Cục Tần số đã quy hoạch đủ băng tần cho các nhà cung cấp dịch vụ. Hàng chục năm trước khi cấp phép 4G, Việt Nam đã có những nỗ lực giải phóng băng tần để sử dụng cho công nghệ này. Việt Nam là một trong những nước đã sẵn sàng băng tần 2.6 GHz khi 4G triển khai bởi trước đó Cục Tần số đã nhìn thấy xu hướng phát triển của từng loại băng tần và bảo vệ băng tần này cho công nghệ mới.

Các chuyên gia cho rằng, lựa chọn thời điểm triển khai 3G khôn ngoan đã đem lại cho Việt Nam thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ này và điều đó cần tiếp tục được phát huy khi triển khai 4G. Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, cuối năm 2015 Việt Nam sẽ thực hiện đấu giá băng tần 4G. Đây là thời điểm hợp lý để Việt Nam triển khai công nghệ mới này. Cục Tần số Vô tuyến điện đang nỗ lực đưa vào sử dụng băng tần 2.3 GHz, 2.4 GHz và 2.6 GHz cho công nghệ mới đó. Nhưng xu hướng phát triển công nghệ 4G không chỉ triển khai ở băng tần cao vì nếu triển khai ở những băng tần thấp hơn thì sẽ rất có lợi cho băng rộng ở vùng nông thôn. Vì thế, sắp tới Việt Nam cũng triển khai 4G ở băng tần 1800 MHz (hiện dùng cho 2G) và sẽ dùng cả băng 900 MHz cho 3G.

  1. Lưu lượng tin nhắn của nhà mạng sụt giảm 20% trong Tết Ất Mùi

Thay vì hình thức nhắn tin chúc mừng năm mới Ất Mùi, nhiều thuê bao di động đã sử dụng hình thức nhắn tin chúc Tết trên mạng xã hội và ứng dụng OTT. Xu hướng này đã khiến cho lưu lượng tin nhắn của nhà mạng bị giảm khoảng 20% so với dịp Tết năm ngoái.

SPT