10 thông tin bưu chính viễn thông – CNTT đáng chú ý tháng 4/2016  

0
1310
  1. Thanh Niên: Sắp có smartphone đầu tiên thế giới dùng 8 GB RAM

Theo SlashGear, trong thời gian vừa qua đã có khá nhiều thông tin cho biết Microsoft đang dự tính phát triển dòng smartphone với tên gọi Surface Phone, đây cũng là thương hiệu cao cấp mới sau khi Microsoft tuyên bố sẽ khai tử dòng smartphone Lumia.

Nguồn tin ban đầu cho biết, Microsoft Surface Phone sẽ được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon 830 cao cấp sắp ra mắt của Qualcomm, bộ nhớ RAM lên tới 8 GB. Đây là cấu hình rất mạnh và không hề thua kém nếu so với các dòng máy tính cá nhân hoặc laptop hiện nay.

Hiện tại, bộ vi xử lý mới nhất của Qualcomm đang sử dụng trên thị trường là Snapdragon 820. Trong khi đó, smartphone có bộ nhớ RAM cao nhất hiện nay cũng chỉ mới lên đến 6 GB.

  1. Vietnamplus: Giấy phép mạng di động 4G LTE sẽ được cấp phép trong quý 4

Thông tin từ Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng 27/4 cho biết, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết sẽ xem xét cấp phép 4G LTE vào cuối quý 3, đầu quý 4 tới. Ông cũng giao cho Cục Viễn thông yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, xây dựng văn bản hướng dẫn xây dựng hồ sơ xin cấp phép.

Cũng theo ông, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang ưu tiên thực hiện một số giải pháp để việc triển khai 4G tại Việt Nam thành công như thiết lập và bảo vệ thị trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy phát triển ứng dụng nội dung; xây dựng cơ chế, chính sách trong việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật công cộng liên ngành…

  1. ICTNews: Lenovo và Xiaomi bị đánh bật khỏi top 5 nhà sản xuất smartphone

Lenovo và Xiaomi đã đánh mất vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách các nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, theo thống kê mới đây của hãng phân tích thị trường IDC. Theo IDC, 2 công ty này đã bị giành mất vị trí bởi 2 thương hiệu ít được biết đến hơn là Oppo và Vivo. Kết luận của IDC được dựa vào lượng điện thoại mà các hãng xuất xưởng được trong quý I/2016.

Đây là một sự thay đổi gây ra khá nhiều ngạc nhiên. Lenovo cũng như công ty con của hãng là Motorola, đều là những thương hiệu mạnh trên toàn cầu; trong khi Xiaomi vài năm qua nổi lên là một startup hàng đầu thế giới. “Liên doanh” Lenovo – Motorola tuột dốc từ thứ 3 năm 2014 xuống vị trí thứ 5 năm 2015 trong bảng thống kê của IDC; còn Xiaomi dao động ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trong 2 năm này. Những số liệu mới nhất cho thấy, 2 công ty đã không còn giữ được “phong độ”, và thị phần của họ đã bị mất về tay các đối thủ khá đáng kể.

  1. Thanh Niên: Nokia thâu tóm hãng sản xuất thiết bị sức khỏe Withings

Nokia vừa tuyên bố thâu tóm thành công hãng sản xuất điện tử tiêu dùng Withings (Pháp) vốn đang phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Theo TheVerge, mức giá mà Nokia mua lại Withings là 191 triệu USD, thương vụ này cũng giúp Nokia đặt chân sâu hơn vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe cho người dùng khi sử dụng các thiết bị đeo được.

Nokia cho biết, 200 nhân viên đang làm việc tại Withings vẫn sẽ tiếp tục phụ trách các công việc hiện tại. Tuy nhiên, những nhân sự này sẽ về với mái nhà của Nokia và tiếp tục phát triển các sản phẩm chuyên về sức khỏe.

Thương vụ này cũng là dấu ấn mới nhất trong quá trình tái định hướng của Nokia sau khi bán mảng sản xuất điện thoại cho Microsoft cách đây 2 năm. Hiện tại, cũng có thông tin vào cuối năm 2016 Nokia quay lại thị trường di động, nhưng sẽ sản xuất smartphone chạy Android.

  1. ICTPress: Tháng 5/2016: Bưu điện nhận, trả hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe toàn quốc

Bộ GTVT đã đồng ý để Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN triển khai dịch vụ tiếp nhận cấp đổi hồ sơ và trả kết quả GPLX tại các điểm phục vụ của Bưu điện trên cả nước.

Hiện nay trên 30 Bưu điện tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở GTVT hợp tác cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả GPLX tại các điểm phục vụ tới từng người dân theo đúng quy định. Dự kiến trong tháng 5/2016, tất cả các Bưu điện tỉnh, thành phố còn lại sẽ triển khai việc tiếp nhận hồ sơ cấp đổi GPLX và chuyển trả kết quả.

Tại các điểm phục vụ, Bưu điện đều bố trí nhân viên cùng hệ thống máy tính, máy in, máy chụp hình để phục vụ nhân dân; hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Bộ GTVT. Các điểm phục vụ cũng niêm yết rõ ràng, công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến việc cấp đổi giấy phép lái xe, lệ phí cấp đổi và giá dịch vụ chuyển phát để người dân biết và lựa chọn.

  1. ICTNews: AVG chính thức đổi tên thành mobiTV

Hôm 26/4/2016, Truyền hình An Viên-MobiFone đã chính thức thay đổi tên thương hiệu, biểu tượng dịch vụ thành mobiTV.

Bộ TT&TT đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), đồng ý để AVG sử dụng tên, biểu tượng dịch vụ mobiTV thay cho tên, biểu tượng dịch vụ An Viên vốn được dùng trước đây. Thông báo cũng nêu rõ việc đổi tên không làm thay đổi các chính sách bán hàng, cung cấp dịch vụ đang được đơn vị này áp dụng.

Trước đó, ngày 8/1/2016, MobiFone đã ra thông báo công bố thông tin chính thức mua cổ phần tại AVG và lấn sân sang kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Có nguồn tin cho rằng MobiFone mua đến 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên thông tin này chưa được các bên có trách nhiệm xác nhận. Giá trị hợp đồng mua bán giữa MobiFone và AVG chưa được tiết lộ. MobiFone cho rằng, đây là bước đi quan trọng, cụ thể hoá 4 lĩnh vực trong chiến lược kinh doanh của MobiFone là: Di động – Bán lẻ – Truyền hình – Đa phương tiện.

  1. ICTNews: BSA: Việt Nam xếp cuối bảng về chính sách điện toán đám mây

Liên minh phần mềm BSA vừa công bố nghiên cứu Thẻ điểm điện toán đám mây toàn cầu 2016. Trong nghiên cứu xếp hạng chính sách điện toán đám mây của 24 nền kinh tế có ngành CNTT phát triển này, Việt Nam vẫn ở hạng 24/24.

“Kết quả này là dấu hiệu cho thấy môi trường pháp lý, thể chế về điện toán đám mây của Việt Nam vẫn còn lạc lõng so với tốc độ đổi mới của lĩnh vực điện toán đám mây”, Liên minh phần mềm BSA nhận định.

Theo thứ hạng chung, những nước có sự cải thiện nhiều nhất là Nam Phi (tăng 6 bậc) và Canađa (tăng 5 bậc).  Năm quốc gia đứng đầu là Nhật, Mỹ, Đức, Canađa, Pháp.

Đặc biệt, dù xếp sau nhưng ba nước Thái Lan, Brazil và Việt Nam cũng vẫn tiếp tục đạt được những thành quả đáng kể, ổn định và đang dần thu hẹp khoảng cách với các nước ở nhóm trung. Các thị trường CNTT lớn trên thế giới tiếp tục ổn định, với mức tăng trưởng khiêm tốn.

Nhưng ngược lại cũng có những xu hướng tiêu cực. Chẳng hạn, một số nước đang đẩy mạnh chính sách tự do thương mại hoặc đồng bộ hóa chính sách về điện toán đám mây. Đặc biệt, Nga và Trung Quốc đã áp dụng những chính sách mới theo hướng cản trở điện toán đám mây bằng cách hạn chế khả năng di chuyển dữ liệu đầy đủ giữa biên giới các quốc gia của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

  1. Thanh Niên: Thương mại điện tử VN dự báo đạt 10 tỉ USD năm 2020

Doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) của VN tăng 37% trong năm 2015, đạt hơn 4 tỉ USD, tương đương 3% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc, và con số này được dự báo sẽ đạt 10 tỉ USD trong 5 năm tới, theo báo cáo mới nhất của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (VECITA) – Bộ Công thương.

VECITA cho biết 45% người tiêu dùng VN có kết nối internet; trung bình mỗi người chi 160 USD cho việc mua hàng online trong năm 2015, hơn 15 USD so với năm 2014.

Báo cáo cũng cho thấy 64% các chi tiêu trực tuyến là dành cho quần áo, giày dép và mỹ phẩm, vượt xa chi tiêu dành cho điện tử. Trên 90% người tiêu dùng trực tuyến cho biết họ thường xuyên trả tiền mặt lúc nhận hàng. Chỉ có khoảng 20% người tiêu dùng nói họ thi thoảng dùng thẻ tín dụng để trả tiền. Về các bất lợi khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng đề cập đến chất lượng sản phẩm thấp, giá cao, giao hàng kém chuyên nghiệp và nỗi sợ bị rò rỉ thông tin cá nhân. Mặc dù chỉ 44% người tiêu dùng cho biết.

  1. ICTNews: Sắp cấm nhà mạng nhắn tin quảng cáo nếu khách hàng chưa đồng ý

Bộ TT&TT đang lấy ý kiến của người dân về nghị định chống thư rác. Theo đó các tổ chức, cá nhân và cả nhà mạng chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi người dùng xác nhận sự đồng ý qua các phương thức như SMS, điện thoại, email…

Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), trong năm 2015, hệ thống tiếp nhận thông báo tin nhắn rác trên đầu số 456 của Trung tâm đã ghi nhận 554.865 lượt phản ánh. Đại diện lãnh đạo VNCERT cho biết, Trung tâm đang quản lý 64 doanh nghiệp với 74 mã số cho cả 3 dịch vụ: quảng cáo bằng tin nhắn, quảng cáo bằng thư điện tử và tin nhắn quảng cáo qua mạng Internet. Trong năm 2015, Trung tâm đã thực hiện gia hạn mã số quản lý cho 30 doanh nghiệp, cấp mới mã số cho 4 doanh nghiệp và thu hồi mã số của 4 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, so với năm ngoái, số lượng tin nhắn quảng cáo và thư điện tử quảng cáo tăng nhưng tin nhắn quảng cáo qua mạng Internet giảm nhiều. Cụ thể, theo số liệu thống kê từ báo cáo của các doanh nghiệp, trong năm 2015, có hơn 96,2 triệu tin nhắn quảng cáo, gần 55,3 triệu thư điện tử quảng cáo và số lượng  tin nhắn quảng cáo qua mạng Internet là hơn 15,1 ngàn tin nhắn. VNCERT đã  chủ động xây dựng và  đưa vào hoạt động hệ thống tiếp nhận thông báo tin nhắn rác trên đầu số 456. Theo thống kê, Trung tâm đã ghi nhận 554.865 lượt phản ánh tin nhắn rác, trong đó VinaPhone chiếm tỷ lệ khoảng 58,5%, MobiFone chiếm khoảng 26,68% và Viettel chiếm khoảng 14,8%.

  1. ICTNews: VNPT được trao giấy phép quan trọng về cung cấp các dịch vụ Viễn thông

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa chính thức được trao 4 giấy phép về thiết lập mạng và cung cấp các dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT cấp phép.

Theo Giấy phép số 178/GP-BTTTT ngày 7/4/2016, Tập đoàn VNPT được phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện và số thuê bao viễn thông trên phạm vi toàn quốc, không bao gồm cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông.

Theo 2 Giấy phép số 179/GP-BTTTT và Giấy phép số 180/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lần 2 vào ngày 7/4/2016, Tập đoàn VNPT được phép cung cấp các dịch vụ viễn thông di động mặt đất trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT ngày 18/5/2012 của Bộ trưởng Bộ TT&TT  về phân loại các dịch vụ viễn thông.

Còn theo Giấy phép số 180/GP-BTTTT thì các dịch vụ viễn thông di động mặt đất mà VNPT được phép cung cấp phải có chất lượng đảm bảo 2 quy chuẩn như Giấy phép số 179/GP-BTTTT, đồng thời phải đạt thêm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy cập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000 (QCVN 81:2014/BTTTT) ban hành kèm theo Thông tư số 10/2014/TT-BTTTT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

VNPT được cấp và sử dụng mã, số, điểm báo hiệu và số thuê bao viễn thông theo quy hoạch và quy định quản lý kho số viễn thông. Đồng thời, VNPT cũng được cấp và sử dụng băng tần số vô tuyến điện và kênh tần số vô tuyến điện để thiết lập mạng viễn thông công cộng.theo quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các quy định về quản lý tần số vô tuyến điện.

Các giấy phép này có hiệu lực từ ngày ký và có giá trị đến hết ngày 15/9/2024.

SPT Ngày Nay

[fblike layout="button_count" show_faces="true" action="like"][googleplusone size="small"][tweet layout="horizontal"]