10 thông tin bưu chính viễn thông – CNTT đáng chú ý tháng 06/2015

0
732
  1. Vietnamplus: Chính thức khai trương Cổng thông tin quy định điện tử Việt Nam

Ngày 29/6, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố Cổng thông tin quy định điện tử Việt Nam giai đoạn 3.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đẩy mạnh việc cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình, thủ tục để hoạt động đầu tư và kinh doanh một cách nhanh gọn, chính xác và hiệu quả nhất.

Cổng thông tin nói trên là một công cụ nhằm tới mục tiêu đó và hiện đang áp dụng tại 7 địa phương là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Hải Dương và Bình Định. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần sử dụng và truy cập hệ thống thông tin, được thể hiện bằng các ngôn ngữ thông dụng là tiếng Việt, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để được hướng dẫn cụ thể và đáp ứng tất cả các công đoạn liên quan đến việc triển khai thành lập, thực hiện các quy trình về đầu tư kinh doanh…

Nhà đầu tư sẽ được chỉ dẫn những việc cần làm, địa chỉ cơ quan chức năng liên quan và có trách nhiệm giải quyết như hoàn tất thủ tục đăng ký cấp phép, thành lập doanh nghiệp; thuê đất làm nhà xưởng, khắc dấu, đăng ký mã số thuế…

  1. Thanh Niên: Chính phủ điện tử VN tụt hạng 19 bậc

Hôm 25.6, Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông VN 2015 (Vietnam ICT Summit) với chủ đề “Công nghệ thông tin và Quản trị thông minh”, do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) VN tổ chức, khai mạc tại Hà Nội.

Dù CNTT của VN trong năm qua có tốc độ tăng trưởng 16% nhưng Phó thủ tướng cũng bày tỏ sự không hài lòng khi Chính phủ điện tử của VN bị Liên Hiệp Quốc đánh giá tụt hạng tới 19 bậc (xếp thứ 99); trong đó đáng quan tâm nhất là sự phát triển dịch vụ công điện tử của VN bị đánh giá còn chậm. Phó thủ tướng cho rằng cần phải có một số giải pháp để tạo đột phá, cụ thể là phải thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT; có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế đối với lĩnh vực CNTT để thu hút đầu tư và nhân tài phát triển CNTT.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đưa ra một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của CNTT trong thời gian tới. Ngoài tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ sẽ hỗ trợ việc đầu tư, nghiên cứu – phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm; xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT.

  1. Thanh Niên: Google xây tuyến cáp quang nhanh nhất xuyên Thái Bình Dương

Google vừa tổ chức lễ khởi công tuyến cáp ngầm dưới biển mới do công ty hậu thuẫn ở một bãi biển tại Nhật Bản, bước quan trọng trong việc xây dựng tuyến cáp có tốc độ nhanh nhất từng được tạo trên Thái Bình Dương.

TheoPCWorld, tuyến cáp quang FASTER này có chiều dài 9.000 km, với công suất truyền tải tối đa lên đến 60 terabytes mỗi giây (Tbps) khi đi vào hoạt động trong năm tới, kết nối giữa Nhật Bản với bờ biển Oregon, thuộc phía tây bắc nước Mỹ.

Ngoài Google, dự án tuyến cáp FASTER còn có sự hỗ trợ từ các hãng viễn thông khác, gồm có KDDI của Nhật Bản, SingTel của Singapore, Global Transit của Malaysia, China Mobile International và China Telecom Global.

Chi phí cho dự án này vào khoảng 300 triệu USD. Cáp quang FASTER trang bị 6 cặp chất xơ và 100 bước sóng, đạt công suất đỉnh nhanh hơn 300 triệu lần so với tuyến cáp TAT-1 xuyên Đại Tây Dương được xây dựng vào năm 1956.

  1. ICTNews: ShipChung.vn thêm 10 tuyến lấy hàng từ 1/7/2015

Đại diện Cổng giao nhận, vận chuyển hàng cho thương mại điện tử (TMĐT) ShipChung.vn cho biết, để phục vụ nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao của khách hàng, bắt đầu từ tháng 7/2015, ngoài khu vực Hà Nội và TP.HCM, ShipChung.vn sẽ mở rộng thêm tuyến lấy hàng tại 10 tỉnh, thành phố gồm: TP.Hạ Long – TP.Móng Cái (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai) và Cần Thơ.

ShipChung.vn được Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (PeaceSoft Solutions) khởi động xây dựng từ đầu năm 2012 nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu giao vận và thanh toán cho các website TMĐT. Sau gần 4 tháng thử nghiệm, ShipChung.vn chính thức ra mắt vào ngày 2/10/2012, trở thành Cổng dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng cho các giao dịch TMĐT đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình trung gian.

Sau hơn 2 năm hoạt động, ShipChung.vn đã liên kết với hơn 10 hãng vận chuyển hàng đầu tại Việt Nam như: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Công ty chuyển phát nhanh Nội Bài (Netco), Công ty Chuyển phát nhanh Kerry…

  1. Tuổi Trẻ: Viettel cung cấp bộ sản phẩm di động cho người khiếm thị

Ngày 18-6, nhà mạng Viettel chính thức cung cấp bộ sản phẩm viễn thông di động dành cho người khiếm thị với tên gọi Speak SIM.

Bộ sản phẩm này gồm 1 sim ưu đãi trả trước Speak, 1 điện thoại thông minh được cài đặt sẵn phần mềm đọc tiếng Việt trên nền tảng android (Viet Speak).

Theo đại diện của Viettel Telecom, hiện ở Việt Nam có 3 triệu người bị hạn chế khả năng nhìn, trong đó có nhiều người đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên.

speaksim

  1. Vietnamplus: Việt Nam sản xuất thành công Chip đa năng trong lĩnh vực y tế

Ngày 17/6, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố chip ADC 24-bit ứng dụng trong đo lường.

Đây là sản phẩm của đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thử nghiệm chip nén ảnh theo tiêu chuẩn JPEG2000 và chip ADC đa năng ứng dụng trong y tế.”

Đại diện nhóm thiết kế cho biết, chip ADC 24-bit có đặc tính kỹ thuật là vi mạch chuyển đổi tín hiệu tương tự sang tín hiệu số (Analog-to-Digital Converter), có độ chính xác và khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm cùng loại trên thị trường nhờ các tính năng vượt trội về độ phân giải 24-bit, 18-bit hiệu dụng (ENOB), tốc độ quá lấy mẫu 512, 8 kênh ngõ vào và điện áp hoạt động là 3.3V.

Với đặc tính đó, chip ADC 24-bit được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực đo lường như đo điện kế điện tử, địa chấn kế và nhất là trong lĩnh vực y tế như điện tâm đồ, xử lý tín hiệu y khoa…

Hiện Trung tâm ICDREC đã thử nghiệm, ứng dụng để minh họa cho loại chip này trên máy đo huyết áp.

  1. ICTNews: Duy nhất Viettel nằm trong nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường

Bộ TT&TT vừa ban hành Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng có hiệu lực từ 15/6/2015. Theo đó, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường (SMP) đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet.

Theo quy định hiện hành của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có thị phần khống chế khi có thị phần từ 30% trở lên hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Một nhóm 2 doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu tổng thị phần đạt từ 50% trở lên.

  1. ICTNews: Tốc độ băng rộng di động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với trung bình châu Á

Theo khảo sát mới nhất của Netindex.com, trang đánh giá tốc độ Internet, tốc độ băng rộng trung bình của châu Á là 28,1 Mbps, vượt qua tốc độ băng rộng trung bình của toàn cầu (23,4 Mbps). Tuy nhiên, tốc độ di động của khu vực châu Á vẫn còn thấp hơn mức trung bình thế giới. Cụ thể, tốc độ di động trung bình của châu Á là 10,9 Mbps, trong khi tốc độ di động trung bình của thế giới là 12,4 Mbps.

Điều đáng nói hơn nữa là theo bảng thống kê này, tốc độ di động trung bình của Việt Nam (phần lớn kết nối qua 3G – PV) còn thấp hơn rất nhiều so với mức thấp của châu Á, chỉ bằng khoảng 1/5 so với tốc độ di động trung bình của châu Á. Tại Việt Nam, tốc độ di động trung bình chỉ có 1,9 Mbps, đứng thứ 20 ở bảng xếp hạng.

Theo thống kê, tốc độ dữ liệu di động ở New Zealand và Trung Quốc đạt mức cao nhất, lần lượt ở mức 27,7 Mbps và 27,6 Mbps. Nguyên nhân được cho là vì mạng di động thế hệ 4G đã được triển khai ở cả hai quốc gia này hồi năm ngoái.

  1. ICTNews: Xuất khẩu điện thoại của Việt Nam tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, tính chung 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 12,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2014; EU đạt 11,8 tỷ USD; ASEAN đạt 7,7 tỷ USD, Trung Quốc 6,1 tỷ USD, giảm 1,2%…

Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm 2014: điện thoại các loại và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, tăng 18,5%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6 tỷ USD, tăng 59,7%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước tính đạt 66,2 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cũng tăng mạnh như điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,4 tỷ USD, tăng 36,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,3 tỷ USD, tăng 27%; ô tô đạt 2,3 tỷ USD, tăng 94,4% (ô tô nguyên chiếc tăng 185,7%)…

  1. Tuổi Trẻ: Việt Nam tăng 11,9% chi tiêu cho phần mềm bảo mật

Doanh thu phần mềm bảo mật ở Việt Nam năm 2014 đạt 16,2 triệu USD, tăng 11,9% so với năm 2013. Kết quả vừa được Công ty nghiên cứu thị trường IDC công bố đầu tháng 6-2015.

Ông Hà Ngọc Khương, chuyên viên phân tích thị trường của IDC Việt Nam, cho biết: “Về hướng đầu tư cho bảo mật, các công ty Việt Nam vẫn tập trung vào bảo mật cho thiết bị đầu cuối và hệ thống mạng nhưng lại giảm chi tiêu cho giải pháp bảo mật về web và messaging”.

Cụ thể, theo ông Khương, thị trường bảo mật web có mức tăng thấp hơn kỳ vọng, chỉ tăng 2,3%, còn thị trường messaging tăng trưởng âm 1,2% so với cùng kỳ.

Việc gia tăng đầu tư vào công nghệ nền tảng thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam về dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud) là yếu tố chính cho triển vọng dự báo.

Theo IDC, sẽ có thêm nhiều công ty tăng cường đầu tư cho bảo mật khi mà hiểu biết về mối nguy an ninh mạng ở Việt Nam ngày càng tốt hơn.

SPT Ngày Nay