5 việc cần làm để thay đổi văn hóa doanh nghiệp thời 4.0

0
717

Toàn cầu hóa, tăng trưởng nhanh và cách mạng 4.0 đang tạo ra những xáo trộn văn hóa bên trong mà không phải doanh nghiệp nào cũng theo kịp.

Nhiều doanh nghiệp nội địa ở miền Trung xuất phát với quy mô doanh thu hàng năm vài chục tỷ đồng hoạt động khá ổn. Tuy nhiên, khi doanh thu lên 4.000 tỷ đồng, lượng nhân viên trên cả nước “phồng” lên quá nhanh, các cơ chế hoạt động cũ của họ không hiệu quả. Doanh nghiệp vì thế gặp “hoang mang” trong kiểm soát nội bộ.

Một kiểu “hoang mang” khác là các công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện của những công ty đa quốc gia tại Việt Nam khi phải áp dụng theo bộ tiêu chuẩn văn hóa toàn cầu. Nguyên nhân bởi Việt Nam có một văn hóa khác với xã hội và thị trường đặc thù.

Đây là các trường hợp phổ biến mà bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam nêu ra khi nói về “chuyện trong nhà” của các doanh nghiệp Việt hiện nay.

Theo bà Linh, các yếu tố đang sôi động như cách mạng 4.0 hay M&A cũng dễ đặt doanh nghiệp vào thế khó trong việc xây dựng một văn hóa nội bộ mới.

“Các doanh nghiệp trung thành với những cách thức xây dựng văn hóa cũ mà thời đại này thì công nghệ phát triển, nhân viên phải thao tác trên nền tảng công nghệ 4.0, họ sẽ bị hoang mang. Nếu không có sự chuẩn bị thì công cuộc chuyển đổi trong công ty khó khăn. Do mọi thứ tốt nhưng văn hóa không phù hợp thì khó có thể vận hành”, chuyên gia này nhận xét.

Hội nhập quốc tế, tăng trưởng nhanh, ứng dụng công nghệ mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều cạnh tranh, thách thức nếu không xây dựng và phát triển đội ngũ hiệu quả, bền vững.

“Nếu chúng ta không đủ văn hóa linh động thì sự chuyển đổi để phù hợp với thị trường sẽ gặp khó khăn”, bà Linh nhận định.

Kết quả khảo sát về văn hóa doanh nghiệp của Dale Carnegie thực hiện ở Ấn Độ, Mỹ, Đức, Indonesia với trên 600 lãnh đạo cấp cao ở ngành nghề và quy mô công ty khác nhau cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp được những người đứng đầu các tổ chức xem là ưu tiên. Tuy nhiên, mới chỉ có 21% nói rằng công ty họ có văn hóa tốt.

Cuộc khảo sát còn đưa ra 5 yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp mà theo bà Linh là cũng đúng với thị trường Việt Nam. Chúng bao gồm hoạt động sáp nhập và mua lại, áp lực gia tăng năng suất công việc, sự minh bạch nơi làm việc, gia tăng tính di động của nhân viên, nhân viên làm việc từ xa.

Để hóa giải các thách thức này, 5 lĩnh vực được khuyến nghị tập trung thực hiện, gồm: cung cấp, đào tạo, huấn luyện cho nhân viên; chiến lược hướng đến khách hàng; nâng cao và gìn giữ lòng tin vào lãnh đạo cấp cao; định hướng chiến lược và mục tiêu rõ ràng; khuyến khích xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân viên và quản lý trực tiếp.

Theo các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp không phải là chuyện “có cũng được, không cũng chẳng sao” hay hoạt động phụ dành cho các doanh nghiệp lớn, đã có tăng trưởng doanh thu ổn định. Những quan điểm này đang phần nào kiềm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.

Trên thế giới, nghiên cứu gần đây của Cisco IBSG về sự ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đối với tổ chức cho biết, 55% phản hồi từ công ty với văn hóa hòa nhập rất tự tin về tăng trưởng doanh thu, 93% phản hồi những nỗ lực đầu tư mới của công ty đều thành công vì giá trị kinh doanh rõ nét.

Trước đó, kết quả nghiên cứu từ 207 doanh nghiệp ở 22 ngành nghề trong suốt 1977-1988 của John Kotter & James Heskett cho thấy văn hóa doanh nghiệp tác động đến kết quả kinh doanh và tài chính của công ty.

Viễn Thông – VNE