Các công ty Mỹ thuê sinh viên làm đại sứ thương hiệu

0
569

Nhiều công ty Mỹ đang tìm đến những sinh viên có sức ảnh hưởng ở các trường đại học Mỹ để thuê họ làm đại sứ thương hiệu trên mạng xã hội, nhằm quảng bá các sản phẩm mục đích nhắm đến các khách hàng trẻ, chủ yếu là những người bạn học cùng trường của các sinh viên này, theo New York Times.

Kiếm thu nhập nhờ mạng xã hội

Thuê sinh viên phân phát hàng mẫu để quảng bá sản phẩm là điều không mới mẻ đối với các công ty.  Song giờ đây, họ chuyển sang thuê sinh viên quảng bá thương hiệu và sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Instagram, Snapchat, Facebook, Twitter.

Noah Lamfers, sinh viên năm cuối Đại học Bắc Iowa (Mỹ), chưa bao giờ uống nước tăng lực 5-Hour Energy nhưng anh vẫn ký hợp đồng quảng bá cho thương hiệu này trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram và Snapchat của anh.

Elizabeth Gabriel, nữ sinh viên mới tốt nghiệp gần đây của Đại học Texas, đăng bức hình trên tài khoản Instagram của cô vào năm ngoái cho thấy cô đang nhấp ly rượu vang và nhìn vào một máy tính bảng Samsung. Đó là một trong 12 bức ảnh được cô đăng tải để quảng bá các sản phẩm mà hãng Viễn thông AT&T đang kinh doanh. Thù lao cô nhận được là một đồng hồ thông minh Galaxy và một Apple TV (thiết bị giải trí có khả năng chuyển đổi và đưa tín hiệu lên màn hình TV để xem các nội dung trên Internet).

Alana Clark, nữ sinh viên 21 tuổi Đại học Bách khoa Virginia, một trong hơn 200 sinh viên trên toàn nước Mỹ đang sử dụng tài khoản Instagram của họ để quảng bá các trang phục lót và thể thao thương hiệu Pink của hãng đồ lót Victoria’s Secret. Trên trang web của Victoria’s Secret, mọi người có thể tìm thấy tên của những sinh viên đại diện thương hiệu cho công ty này từ 100 trường đại học.

Đối với các sinh viên bận rộn, đây là cách dễ dàng và ít áp lực để kiếm thêm chút đỉnh thu nhập hoặc được tặng các sản phẩm. Đối với các nhà tiếp thị, đây là cách đơn giản để tiếp cận giới trẻ và là một sự bổ sung cho chiến lược quảng bá trên mạng xã hội.

Quảng bá đa dạng sản phẩm

Dù không có dữ liệu toàn diện về số lượng sinh viên quảng bá các sản phẩm trên mạng Internet nhưng qua các cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo trường đại học, các nhà tư vấn tiếp thị, các đại diện thương hiệu và các sinh viên cho thấy rõ rằng, mạng xã hội là nền tảng quảng bá kinh doanh lớn ở các trường đại học.

Các hợp đồng quảng bá như vậy thường nhắm đến các dòng trạng thái trên mạng xã hội Instagram nhưng một số thương hiệu cũng thuê sinh viên đăng các bài viết quảng bá ở các mạng xã hội khác như Twitter và Facebook.

Tại Đại học Bách khoa Virginia bang Virginia, có đến 1.000 sinh viên trong số 30.000 sinh viên đang theo học ở đây được thuê để quảng bá nhiều sản phẩm khác nhau từ mascara cho đến các thùng đựng đồ, theo ước tính của Donna Wertalik, Giám đốc tiếp thị ở Trường Kinh doanh Pamplin thuộc Đại học Bách khoa Virginia.

Wertalik  nói: “Chúng tôi thấy nhiều thương hiệu sử dụng cách quảng bá này. Họ thuê các sinh viên có sức ảnh hưởng và có uy tín để tạo ra sức hút cho thương hiệu của họ”.

Wertalik đang hỗ trợ một công ty quảng cáo do sinh viên điều hành có tên gọi Prism. Phân nửa trong số 45 sinh viên làm việc ở Prism được trả thù lao để quảng bá các sản phẩm trên tài khoản Instagram của họ.

Các công ty thường đặt ra mục tiêu cho những dòng trạng thái được tài trợ chẳng hạn như kèm theo những hashtag hoặc lời quảng bá cho các sản phẩm cụ thể. Các công ty cũng có thể yêu cầu sinh viên tổ chức hoặc tham dự các sự kiện tại trường đại học.

Isabel Senior, sinh viên của Đại học Duke ở bang Bắc Carolina, làm việc cho công ty nước giải khát LaCroix. Cứ sáu tuần, cô phải đăng một dòng trạng thái trên các tài khoản mạng xã hội của cô ở Facebook hay Snapchat. Cô cũng được giao nhiệm vụ phát miễn phí các lon nước giải khát của LaCroix tại các sự kiện tại trường đại học chẳng hạn như các cuộc thi chạy cự ly 5km hay các buổi hòa nhạc.

Mỗi chủ nhật, Senior phải gửi về cho công ty LaCroix 3 bức ảnh chụp các hoạt động phát các lon nước miễn phí tại các sự kiện hàng tuần tại Đại học Duke kèm theo với các bức ảnh chụp màn hình những dòng trạng thái của cô trên các mạng xã hội.

Thù lao bằng tiền mặt, quà tặng

Nữ sinh viên Azita Peters đăng bức hình quảng bá cho sản phẩm của công ty sản xuất và bán lẻ nữ trang Alex and Ani trên tài khoản Instagram của cô. Ảnh: NY Times

Các khoản thù lao trả cho những người có ảnh hưởng ở các trường đại học dao động ở nhiều mức khác nhau và có khi trả bằng tiền mặt, có khi chỉ là tặng sản phẩm hoặc kết hợp cả hai.

Công ty nước giải khát LaCroix trả thù lao cho Isabel Senior bằng tiền mặt và cả các sản phẩm của LaCroix. Senior cho biết nếu cô không hoàn thành một nhiệm vụ được giao, công ty sẽ cắt một phần thu nhập của cô.

Riddle & Bloom là một công ty tiếp thị chuyên thuê sinh viên từ 500 trường học ở 50 bang nước Mỹ để quảng bá cho các thương hiệu. Riddle & Bloom cho biết đã trả tổng cộng 2 triệu đô la cho các đại diện thương hiệu ở các trường đại học.

Azita Peters, nữ sinh viên ở Đại học Bách khoa Virginia, được thuê làm đại sứ thương hiệu cho công ty chế tác và bán lẻ nữ trang Alex and Ani có trụ sở ở bang Rhode Island. Cô bắt đầu công việc bằng chuyến du lịch miễn phí đến Rhode Island cùng một số quà tặng nữ trang. Cô và 12 nữ sinh viên từ các trường đại học khác được tham quan trụ sở của Alex and Ani ở Rhode Island và tìm hiểu các hoạt động của công ty trong ba ngày.

Các công ty sử dụng nhiều phương pháp để tuyển dụng những người ảnh hưởng ở các trường đại học. Sinh viên hoặc nộp đơn việc trực tiếp đến các công ty tiếp thị hoặc đôi khi các nhà tiếp thị tìm đến họ, hay một sự tình cờ nào đó họ được các công ty chọn làm đại sứ thương hiệu.

Elizabeth Gabriel chưa bao giờ có ý nghĩ làm đại sứ thương hiệu cho đến khi, cô bất ngờ được AT&T tiếp cận qua tin nhắn trên Instagram.

Cô cho rằng, AT&T tìm đến cô vì công ty này đánh giá cao những bức ảnh cô đăng trên tài khoản mạng xã hội Instagram  và số lượng các bình luận mà cô nhận được.

“Tỷ lệ những người theo đuôi tôi trên Instagram bấm like (thích) các bức ảnh tôi đăng lên có thể đã khiến họ chú ý đến tôi”, cô nói.

Theo TBKTSG