Tỷ phú đô la trẻ thứ 2 thế giới thành công nhờ nguyên tắc 99%

0
604

Đối với Evan Spiegel, sự tập trung tuyệt đối với định hướng và con đường của mình trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp là điều quan trọng nhất giúp anh tạo nên thành công khác biệt.

Evan Spiegel – nhà sáng lập kiêm CEO của Snap Inc. – hiện đang là một trong những tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới khi mới 27 tuổi. Từ năm 2011, Snapchat, vốn trước đây chỉ là một dự án công nghệ của sinh viên, đã gặt hái được liên tiếp nhiều thành công và nhanh chóng trở thành công ty đáng giá tỷ đô như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, các quyết định của Spiegel trong quá trình phát triển ứng dụng này cũng khiến cho người sử dụng Snapchat nhiều phen tức giận. Trong một sự kiện mới đây diễn ra tại Berlin, chàng CEO 27 tuổi đã có phút trải lòng về những quyết định của mình cũng như bài học lớn nhất mà Spiegel đúc kết được trong 6 tháng đầu phát triển Snapchat.

Nguyên tắc 99%

Khi chia sẻ với một nhóm các doanh nhân trẻ trong sự kiện, Spiegel đã nói như sau: “Một trong những điều quan trọng nhất, đặc biệt ở trong giai đoạn đầu của dự án, chính là việc phải biết nói ‘không’ với hầu như mọi thứ. Bởi vì, chính sự tập trung như thế trong giai đoạn đầu, khi mà các nguồn lực vẫn còn giới hạn, mới là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt và giúp mang đến thành công cho mô hình kinh doanh”.

Thực tế, trong suốt tháng đầu tiên của dự án Snapchat, Evan Spiegel thường xuyên phải đắn đo với việc nên đồng ý hay từ chối các lời đề nghị và ý kiến. Vị CEO trẻ chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng có một nguyên tắc chung ở đây là bạn phải biết nói không với gần như 99% các đề xuất và nên chỉ chuyên tâm vào việc mang đến giá trị cho khách hàng của mình mà thôi”.

evan-spiegel-ceo-snap-doanhnha-5928-7577

Lời từ chối nổi tiếng với Mark Zuckerberg

Trên thực tế, nguyên tắc 99% đã giúp cho Evan Spiegel thực sự tạo nên khác biệt đáng giá ít nhất là vài tỷ USD. Cụ thể, chàng tỷ phú trẻ đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị mua lại Snap của Mark Zuckerberg vào năm 2013.

Thời điểm đó, Mark Zuckerberg đã sẵn sàng chi tới 3 tỷ USD để mua lại ứng dụng của Spiegel và các đồng sự. Tuy nhiên, Spiegel đã từ chối lời đề nghị đó. Và, không lâu sau, sản phẩm của anh đã được định giá lên tới 20 tỷ USD trên thị trường. Cho đến nay, Spiegel vẫn rất tự hào vì đã đưa ra quyết định đúng đắn.

Sau khi cập nhật ứng dụng vào tháng trước, rất nhiều người dùng đã phàn nàn về thiết kế mới của Snapchat. Ước tính hơn 1,2 triệu người đã ký vào một đơn kiến nghị để yêu cầu ứng dụng khôi phục lại thiết kế cũ.

Hai tuần trước, Spiegel đã đề cập đến vấn đề này trong một bài phát biểu tại hội thảo Goldman Sachs Technology and Internet: “Cho đến nay, chúng tôi rất thích thú về những gì mà bản thân đã và đang làm. Và, những lời than phiền của các bạn càng giúp củng cố thêm điều đó. Sự thất vọng thể này lại càng khiến cho những thay đổi thêm phần giá trị”.

Rốt cuộc, Snap đã không khôi phục bất cứ điều gì!

Lời khuyên dành cho các doanh nhân trẻ

Nhớ lại, khi lần đầu gọi vốn cho Snapchat, Evan Spiegel mới chỉ 21 tuổi và thậm chí còn chưa tốt nghiệp chuyên ngành của mình tại đại học Stanford. Chàng thanh niên trẻ Spiegel đã “đi một lèo” từ sinh viên lên thành CEO.

Bởi vậy, việc ứng phó với những áp lực vốn tăng luỹ tiến cùng với sự phổ biến của Snapchat không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng. Thế nên, với Evan Spiegel, lời khuyên dành cho doanh nhân trẻ không chỉ có “nguyên tắc 99%”.

Spiegel chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là bạn phải thực sự tìm thấy niềm vui trong quá trình làm việc. Bởi vì, trừ phi bạn tìm thấy được niềm vui trong việc chứng kiến cả công ty lẫn bản thân mình lớn dần, còn không thì bạn chắc chắn sẽ kiệt sức”.

Theo Nhịp sống kinh tế – Bài do DNSG Online biên tập lại