Khi “nhà đầu tư kền kền” mắc kẹt

0
707

Kền kền trong giới tài chính ám chỉ những quỹ đầu tư chuyên đi lùng mua những công ty đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với phá sản, để có thể nắm quyền định đoạt số phận của doanh nghiệp.

Khi đánh giá giá trị tài sản thực của doanh nghiệp theo sổ sách cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu, những quỹ đầu tư kền kền sẽ tìm cách thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ mạt, sau đó có thể lựa chọn giải pháp tái cấu trúc để hiệu quả hơn nếu được, còn không sẽ bắt đầu “xẻ thịt”, chấp nhận cho công ty phá sản và bán các tài sản còn giá trị.

Phần chênh lệch giữa thu nhập từ việc thanh lý tài sản so với các khoản nợ phải trả, nghĩa vụ tài chính còn lại của công ty chính là lợi nhuận của các quỹ đầu tư này.

Thông thường, để định giá chính xác giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp không phải dễ, vì vậy những thương vụ mua những doanh nghiệp “xác sống” không phải ai cũng làm được, ngoại trừ những quỹ đầu tư dày dạn kinh nghiệm, nắm rõ về pháp luật địa phương cũng như có thể có nguồn thông tin nội gián.

Điều quan trọng nhất là phải mua được cổ phần của công ty với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của doanh nghiệp, khi đó lợi nhuận mới cao. Vì vậy trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư có thể tung tin xấu về doanh nghiệp, cung cấp những bản báo cáo bi quan về triển vọng của doanh nghiệp, đồng thời có thể kết hợp bán khống cổ phiếu để đẩy giá cổ phiếu đi xuống thảm thương, từ đó mới bắt đầu thâu tóm.

Trong giới tài chính quốc tế, một trong những nhà đầu tư kền kền nổi tiếng là Paul Singer – người đã từng thắng kiện Chính phủ Argentina và gây áp lực buộc nước này phải trả hàng tỷ USD nợ vay cho quỹ đầu tư mà trước đó đã được ông mua lại với giá rẻ mạt.

Nếu như các nhà quản lý quỹ khác đều có xu hướng đầu tư vào những doanh nghiệp tốt với kỳ vọng sẽ còn tốt hơn, thì quỹ của ông Singer lại lùng sục những công ty đang rất xấu, đổ tiền vào để vực dậy. Nếu không thành công thì sẵn sàng “xẻ thịt” và thanh lý các tài sản còn giá trị mà đã được ông định giá chính xác trước đó để đảm bảo không thể nào bị lỗ.

Dù vậy, không phải ai cũng có thể thành công với cách dầu tư săn lùng “xác chết tài chính” như thế. Không ít nhà đầu tư đã ngậm ngùi chứng kiến dòng vốn rót vào những doanh nghiệp “xác sống” đã không cánh mà bay, hoặc mọi việc diễn tiến không đúng như kế hoạch.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tài sản tuy vẫn có giá trị đúng như định giá nhưng về mặt pháp lý lại có những thiếu sót, đang tranh chấp hoặc không thể thanh lý được, có thể do những quy định, rào cản về thủ tục, quy định pháp luật địa phương mà các nhà đầu tư đã không ngờ tới hoặc không lường trước được khi chỉ đơn thuần đánh giá về mặt tài chính. Và khi đó, những kền kền này bị mắc kẹt vào chính trò chơi do mình bày ra.

Trong những ngày qua, vụ xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Nếu xem xét những lời khai của ông này từ lần xét xử trước cho đến nay có thể thấy đâu đó khía cạnh của một thương vụ đầu tư sai lầm.

Cụ thể, theo lời ông Danh thì một trong những nguyên nhân thúc đẩy ông rót tiền vào Ngân hàng Đại Tín ngoài mong muốn có một ngân hàng riêng cho Tập đoàn Thiên Thanh, thì còn bị thu hút bởi khối tài sản bất động sản của tập đoàn Phú Mỹ đang thế chấp tại ngân hàng này và không loại trừ khả năng thâu tóm Đại Tín, trả nợ thay cho bà Phấn (công ty Phú Mỹ), cũng tức là nắm luôn được lượng bất động sản có giá trị cao hơn nhiều so với số tiền rót vào Đại Tín.

Tuy nhiên, mọi việc đã không như dự liệu. Khi bước vào Đại Tín thì thực trạng ngân hàng xấu hơn, trong khi tiền gửi từ dân cư liên tiếp bị rút ra, đẩy ngân hàng rơi vào áp lực mất thanh khoản. Chẳng những vậy, số tài sản của Phú Mỹ đang thế chấp tại Ngân hàng Đại Tín lại có quá nhiều thiếu sót về cơ sở pháp lý, cũng như đã không được chuyển giao như hy vọng. Vì vậy, hậu quả như thế nào đã thấy trong những đợt xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm thời gian qua.

DNSG