Rồi sẽ ra sao, WTO?

0
790

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã đi đến giai đoạn vô cùng căng thẳng khi hai bên đã kiện nhau ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cơ chế hiện hành của WTO trong giải quyết tranh chấp thương mại khó có thể kết thúc được cuộc chiến tranh này. Như thế do không làm tròn được vai trò của mình, đã đến lúc WTO phải cải tổ hoặc chấm dứt sứ mệnh của mình.

WTO đã mang lại nhiều thành quả trong sân chơi thương mại toàn cầu. Nhưng trong bối cảnh thế giới và hoạt động thương mại quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, WTO có thể đã đến lúc phải cải tiến hoặc kết thúc vì một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ chế của WTO chưa đủ mạnh để giải quyết tranh chấp. WTO hoạt động dựa trên những nguyên tắc và theo cơ chế đồng thuận. Ngoài ra, WTO có các hiệp định trong nhiều lĩnh vực (thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, trợ cấp, dệt may…) và hình thành cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body – DSB) trên cơ sở nguyên tắc hoạt động và các hiệp định của WTO. Trên sân chơi này, nếu các quốc gia thành viên không tuân thủ nguyên tắc hoặc vi phạm quy định, WTO cho phép các nước còn lại có thể trả đũa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại.

Như vậy, với cơ chế này, các quốc gia có thể vi phạm nguyên tắc và rủi ro lớn nhất là sẽ bị áp dụng các biện pháp trả đũa, và đồng thời, quốc gia đó có thể tiếp tục trả đũa lại nếu bị đối xử không công bằng. Và cứ thế, mâu thuẫn sẽ ngày càng leo thang nếu không đạt được đồng thuận giữa hai bên.

Câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay đang là một ví dụ điển hình về cuộc leo thang về áp thuế và trả đũa lẫn nhau chưa đến hồi kết thúc. Có thể thấy cơ chế hiện nay của WTO còn thiếu những biện pháp mạnh hơn về phạt vi phạm và tính cưỡng chế đối với bên bị tuyên bố thua cuộc trong các vụ kiện ở WTO. Nếu trong tương lai còn xảy ra nhiều cuộc chiến tranh thương mại và thậm chí trong các lĩnh vực khác dẫn đến các nước có thể hạn chế toàn toàn hoạt động đầu tư – thương mại lẫn nhau thì ý nghĩa của WTO như ban đầu còn giữ được hay không?!

Thứ hai, cơ chế đa phương đang thay đổi. Quay lại lịch sử phát triển các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương, Mỹ là một quốc gia có vai trò chủ đạo trong việc hình thành các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương với mục đích tạo ra luật chơi toàn cầu và phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ nhận thấy rằng tham gia vào một số cơ chế đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ WTO, Mỹ chịu nhiều thiệt hại và bất lợi, còn Trung Quốc lại được hưởng quá nhiều lợi ích và đối xử đặc biệt.

Do đó, Mỹ đang muốn thay đổi lại toàn bộ cơ chế đa phương và thậm chí là thiết lập lại cơ chế mới cho bố cục của thế giới. Điển hình, Mỹ hiện đang thực hiện Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do” thay cho chiến lược “Tái cân bằng châu Á” trước đây. Ngoài ra, Mỹ đã rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời tiến hành đàm phán lại Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và thậm chí là sẽ rút khỏi WTO.

Cơ chế chính thức của hệ thống thương mại thế giới đã hình thành hơn 70 năm (kể từ khi hình thành GATT năm 1947) và cơ chế của WTO đã tồn tại hơn 20 năm (từ năm 1995), cơ chế ngày càng thay đổi theo xu hướng dành nhiều đối xử ưu đãi dành cho các nước đang và kém phát triển.

Thứ ba, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng. Mục tiêu ban đầu của việc thành lập WTO là tự do hóa thương mại, chống lại chủ nghĩa bảo hộ và các hành vi thương mại không công bằng làm bóp méo hoạt động thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ vào năm 2008-2009, kinh tế và hoạt động thương mại toàn cầu đã rơi vào suy giảm và ảm đạm trong nhiều năm sau đó. Các quốc gia đã bắt đầu quay lại với xu hướng bảo hộ bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế ngày càng tinh vi hơn nhằm bảo vệ cho ngành sản xuất nội địa.

Nền kinh tế thế giới và hoạt động thương mại toàn cầu vừa có khởi sắc và phục hồi nhẹ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nắm chính quyền ở Mỹ vào năm 2016 với chủ trương “bảo hộ sản xuất trong nước” và “mang việc làm về với nước Mỹ” đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với rất nhiều quốc gia (EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Mexico…) thông qua các biện pháp thuế quan và phi thuế quan. Cùng với việc tiến hành đàm phán lại NAFTA, ông Trump làm dấy lên phong trào bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Trước làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, WTO với nguyên tắc và cơ chế hiện hành đã gần như tê liệt không thể ngăn cản lại được xu hướng này.

Như vậy, đã đến lúc WTO cần phải thay đổi hoặc tan rã vì không thể đáp ứng trước điều kiện và bối cảnh mới của toàn cầu. Đây cũng là một tất yếu khách quan của quy luật “vòng đời sản phẩm”, sẽ đến những lúc phải cải tiến hoặc kết thúc một sản phẩm cũ kỹ để phát triển thành một sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu và yêu cầu mới của thị trường.

Theo TheSaiGontime