Xì-căng-đan điểm thi 2018: Sơn La, Lạng Sơn cũng vào tầm ngắm

0
619

Điểm thi các môn xét tuyển của nhiều thí sinh ở 2 tỉnh Sơn La, Lạng Sơn cũng cao bất thường như tỉnh Hà Giang.

Ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ – Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018, ký 2 quyết định thành lập 2 Tổ Công tác về 2 tỉnh Sơn La và Lạng Sơn để kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi sở GD-ĐT 2 địa phương này.

Rà roát những trường hợp nghi ngờ

Trước đó, hôm 17-7, mạng xã hội xuất hiện một bảng điểm của 35 thí sinh được cho là vừa dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn. Trong đó, mỗi thí sinh đều được ưu tiên cộng thêm 2,75 điểm vào số điểm tổng của 3 môn toán, ngữ văn và lịch sử. Từ đó, tổng điểm thi của các thí sinh này được nâng lên từ 24 đến xấp xỉ 28 điểm.

Không chỉ dừng lại ở danh sách này, phụ huynh và thí sinh ở Lạng Sơn còn tỏ ra bức xúc vì nhiều thí sinh chỉ có học lực trung bình nhưng lại có điểm số “không tưởng”, đặc biệt là các môn xét tuyển.

Xì-căng-đan điểm thi 2018: Sơn La, Lạng Sơn cũng vào tầm ngắm - Ảnh 1.

Những thí sinh có điểm cao bất ngờ tại Sơn La

Trong số này, dư luận phụ huynh và học sinh chú ý nhất là trường hợp em Ngô Nhật H. (số báo danh: 1000xxxx). Em này sở hữu một bảng điểm rất cao, gồm: toán 9,0, văn 8,73, sử 1,75, địa 4,50, giáo dục công dân 5,50, tiếng Anh 9,40. Em H. thuộc nhóm học sinh không chuyên (hay cách gọi khác là “lớp nhô”) của Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn). Nghĩa là H. không đậu vào lớp chính khóa đầu vào của trường nhưng sau đó đặc cách cùng một số em khác tạo thành một lớp. Trong quá trình học tập, nhất là lớp cuối cấp, H. có học lực trung bình, kết quả thi thử của em này cũng không cao.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An, cũng xác nhận em H. trong 3 năm học tại trường đều thuộc học lực trung bình khá, không có gì nổi trội và không tham gia bất kỳ cuộc thi học sinh giỏi nào của nhà trường. Ngoài H., thống kê dữ liệu thi cho thấy nhiều trường hợp khác ở Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường THPT Việt Bắc (TP Lạng Sơn) cũng có những điểm thi “đẹp” đến bất ngờ.

Ông Hồ Tiến Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Lạng Sơn – cho biết đã nhận được thông tin về bảng danh sách thí sinh có điểm cao bất ngờ trên mạng. Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Lạng Sơn sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình chấm thi, nhập, công bố kết quả trong kỳ thi của các trường hợp thí sinh là công an đi nghĩa vụ dự thi. “Quan điểm của chúng tôi là phải làm rõ ràng, công khai, khách quan. Sau khi sở tiến hành rà soát xong, tôi sẽ trực tiếp rà soát lại một lần nữa đối với các trường hợp này” – ông Thiệu khẳng định.

Khó hiểu điểm 9,0 – 9,8!

Ngoài Hà Giang, Lạng Sơn, các chuyên gia phân tích cũng đặt vấn đề về điểm thi bất thường ở Sơn La. Theo phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Úc), nếu tính trung bình, điểm thi môn toán, lý, hóa và sinh học của Sơn La đều thấp hơn so với cả nước. Chẳng hạn như môn toán, điểm trung bình của Sơn La là 3,43 so với cả nước là 4,88. Tuy nhiên, nếu phân tích cụ thể hơn bằng bảng số liệu, đối với môn toán, có thể thấy quả thật Sơn La có số thí sinh điểm 9,0 đến 9,8 cao bất thường.

“Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kỳ vọng Sơn La có 6 thí sinh nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kỳ vọng. Tương tự, đối với môn lý, số học sinh có điểm 9,0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kỳ vọng thì chỉ có 1 thí sinh…” – GS Tuấn chia sẻ trên trang facebook cá nhân.

Điểm thi bất thường ở nhiều tỉnh miền núi đã khiến rất nhiều chuyên gia bày tỏ sự nghi ngờ về kết quả thi THPT quốc gia năm nay. Bà Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng vụ việc tiêu cực về kết quả thi tốt nghiệp THPT tại Hà Giang vừa qua một lần nữa đã đẩy niềm tin về giáo dục trong xã hội đứng bên bờ vực.

Chờ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng

Bà Phạm Thị Minh Hiền đánh giá sự vào cuộc rất nhanh và câu trả lời rõ ràng của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GD-ĐT là một động thái hết sức tích cực và trách nhiệm. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần phải thấy rõ trách nhiệm cao hơn của mình trong thời gian tới – nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. “Dư luận, cụ thể là các bậc phụ huynh, các em học sinh, báo chí đang chờ đợi sự thể hiện quan điểm của cá nhân bộ trưởng trước vụ việc gây chấn động này” – bà Hiền nói.

Yến Anh – Người Lao Động