Ai thắng, ai thua nếu Trung Quốc lập hãng di động ‘khủng’?

0
512
Triển vọng sáp nhập nhà mạng di động lớn thứ nhì và thứ ba Trung Quốc khiến cổ phiếu China Tower giảm ngày thứ hai liên tiếp.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư cược rằng hãng cơ sở hạ tầng China Tower sẽ chịu tác động xấu nếu thỏa thuận tiềm năng giữa nhà mạng China United Network Communications và China Telecommunications xảy ra, giúp hiện thực hóa tham vọng 5G của Trung Quốc.
Hiện đề xuất sáp nhập China United Network Communications và China Telecommunications được giới lãnh đạo hàng đầu Đại lục xem xét. Bắc Kinh đã và đang tìm cách đi trước Mỹ trong cuộc đua 5G. 5G là công nghệ không dây tốc độ cao, sẽ cách mạng hóa cách chúng ta sử dụng mọi thứ, từ thiết bị gia dụng đến ô tô.
Song thương vụ vẫn chưa được quyết định và có thể không xảy ra, theo một nguồn tin của Bloomberg. Dù vậy, hãng tin Mỹ vẫn liệt kê các hãng thắng cuộc hoặc thua cuộc tiềm năng nếu Trung Quốc duyệt thương vụ sẽ tạo ra nhà mạng di động chỉ lớn sau China Mobile, nếu xét về quy mô.
China Tower: Hãng cung cấp hạ tầng lớn
Tập đoàn China Tower vừa lên sàn, đã và đang quản lý hiệu quả toàn bộ các tháp di động trong nước, có cổ phiếu giảm đến 10% sáng nay 5.9 xuống mức đáy 0,99 đô la Hồng Kông/cổ phiếu. Hôm 4.9, cổ phiếu đã giảm 6,8% vì nhà đầu tư lo ngại doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng trong môi trường ít cạnh tranh hơn.
China Tower là nhà khai thác tháp điện thoại lớn nhất thế giới. Hãng ăn nên làm ra chủ yếu dựa vào số lượng nhà mạng sử dụng cấu trúc do mình cung cấp. Nếu Trung Quốc quyết định chỉ có hai nhà mạng lớn, thay vì ba như hiện tại, China Tower chắc chắn sẽ có ít hãng thuê và sử dụng tháp điện thoại hơn, và điều này chắc chắn không tốt, nhà phân tích Edison Lee thuộc Jefferies cho biết.
ZTE, Huawei: Các hãng cung cấp thiết bị
Tương tự, các nhà cung ứng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc cũng có thể chịu ảnh hưởng xấu từ thương vụ sáp nhập, vì họ có ít khách hàng hơn, nhà phân tích Samuel Chen thuộc Sanford C Bernstein cho biết. Một trong những hậu quả của thương vụ sẽ là nhà mạng mới thành lập giảm bớt các khoản đầu tư hoặc chi phí dư thừa.
Ai thắng, ai thua nếu Trung Quốc lập hãng di động 'khủng'? - ảnh 2

China Mobile là nhà mạng có thị phần người dùng cao nhất trong số ba nhà mạng top đầu Trung Quốc

ẢNH: BLOOMBERG
Trong trường hợp trên, cả ZTE và Huawei đều chịu bất lợi. Lệnh cấm xuất khẩu tạm thời mà Mỹ áp lên ZTE cách đây không lâu từng làm tê liệt doanh nghiệp, vì hãng phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị cho mạng điện thoại lớn nhất thế giới, cũng bị cấm bán thiết bị đến Úc hồi tháng trước vì lo ngại an ninh.
China Mobile: Nhà mạng lớn nhất
Đây là công ty có thể hưởng lợi từ thương vụ sáp nhập hai nhà mạng đối thủ nhỏ hơn, vì thương vụ giúp cạnh tranh giảm đi. Chính phủ Trung Quốc đã và đang áp dụng chính sách ủng hộ các nhà mạng nhỏ hơn, giúp họ có sức cạnh tranh. Tuy nhiên nếu thương vụ được thông qua, chính phủ sẽ còn ít lý do để hỗ trợ như thế. China Mobile thậm chí có thể được ưu ái hơn để xây dựng mạng lưới.
Tencent, Alibaba: Các nhà đầu tư
Tencent Holdings và Alibaba Group thuộc các doanh nghiệp tham gia vào đợt bán cổ phiếu 11,4 tỉ USD của hãng China United Network Communications, được niêm yết trên sàn Thượng Hải hồi năm ngoái. Tencent và Alibaba làm thế vì chính phủ Trung Quốc thúc giục doanh nghiệp tư nhân mua cổ phần trong công ty nhà nước. China United thực tế là công ty mẹ của China Unicom, song cả hai hãng đều thuộc tập đoàn Unicom lớn hơn.
Nếu cổ phiếu China United tăng vì sự lạc quan về thương vụ sáp nhập, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội bớt lỗ. Cổ phiếu China United giảm 19% từ khi Tencent và Alibaba mua.
Theo Thanh Niên