Bắt đầu bằng VAR, và kết thúc bằng VAR, đặc biệt là người thực hiện penalty từ VAR là 1 cái tên: Antoine Griezmann, World Cup 2018 qủa thực vô cùng kỳ lạ.
Nó càng kỳ lạ hơn khi VAR ít được sử dụng ở vòng knock-out, đến mức có thuyết rằng FIFA phải dừng nó lại, bỗng nhiên xuất hiện ở trận quan trọng nhất: Chung kết!
Chúng ta sẽ nói về pha bóng chạm tay của Perisic ở cuối hiệp 1 dẫn đến việc trọng tài phải ra tham khảo video đến tận lâu về sau. Người yêu thích Pháp sẽ nói: Đúng, nó là công lý, và công lý phải được thực thi. Người yêu thích Croatia sẽ bảo: Sai, nó là tiêu cực, nó là sự ưu đãi dành cho nền bóng đá lớn hơn.
Vâng, chúng ta có quyền nói theo quan điểm của mình, nhất là khi ai cũng có thể theo dõi lại pha bóng đó hàng ngàn lần ở thời đại này. Nhưng, trước khi phán xét, chúng ta phải suy nghĩ đến nhiều yếu tố khác nữa, đặt mình ở nhiều cương vị khác nữa.
Trước bán kết 2, người Anh tin vào chiến thắng, đánh giá Croatia như “cương thi (zombie) đi trên sân”. Và họ trả giá, để chính Lucas Modric đã phải tuyên bố rằng truyền thông Anh quá coi thường Croatia. Tuyên bố ấy, cay đắng thay cho người Anh, được đưa ra sau khi Anh bị Croatia loại ở bán kết.
Trước chung kết, L’Equipe giật 1 cái tít 1 bài báo ở trang ruột chuyên sâu về bóng đá Croatia rằng “Đất nước bé (về nghĩa đen, diện tích) nhưng có nền thể thao lớn”.
Trong so sánh ấy, người Pháp cho thấy cả chuyện tennis, với những ví dụ từ thập niên 90 đến nay, vô địch Roland Garos lẫn Wimbledon, US Open, người Pháp đều thua người Croat.
Thậm chí, có một bài riêng còn nói về Modric là “Chú cảnh khuyển trở thành đức Vua” (đừng nghĩ chuyện so sánh với chú cảnh khuyển theo cách ta tư duy Á đông đơn thuần vội).
Pháp tôn trọng Croatia, nên bỏ qua mọi ca ngợi về năng lực, sức lực để giữ nguyên lối chơi họ đã mang tới Nga: thận trọng, khó cảm thụ. Nhưng chính nó lại là điều khiến họ khác biệt so với các đội bóng lớn từng đối diện Croatia như Argentina hay Anh.
Và ở thế trận thận trọng như thế, chúng ta chỉ có thể thấy cuộc chơi xoay chiều theo từng tình huống cố định. Pháp mở tỷ số: cố định. Croatia gỡ hoà: từ tình huống cố định. Pháp nâng lên 2-1: VAR và cố định.
Với những ai yêu bóng đá đẹp kiểu cũ, đó là một trận chung kết vứt đi. Nhưng hình như ít ai bỏ mắt khỏi màn hình thì phải? Nếu đúng, chứng tỏ trận chung kết ấy vẫn quá hấp dẫn.
Qua trận chung kết này, chúng ta phải thừa nhận rằng bóng đá kiểu cũ, tức cứ mạnh hơn, cầm bóng nhiều hơn, đè nén đối thủ liên tục thì kiểu gì cũng thắng (trừ phi bất hạnh) đã không còn nữa.
Bây giờ, bóng đá là thời điểm. Bóng đá hiện đại có đầy rẫy con số thống kê kiểu chạy bao nhiêu km, chạm bóng bao nhiêu lần… nhưng vẫn không lột tả được đội bóng thắng cuộc cuối cùng chỉ là vì họ tận dụng tốt tình thế.
Các bàn thắng của chung kết đều là tình thế. Khi cả hai đội đều chơi quá chặt chẽ, tình thế được đội nào tận dụng tốt hơn, kết quả sẽ nghiêng về đội đó. Và hơn hết, với việc trọng tài không thổi còi rồi lại ra tham khảo video để cho Pháp nâng cơ hội lên 2-1 bằng pha penalty, rõ ràng, trận chung kết thể hiện đúng hơi thở của thời đại.
Đó chính là hơi thở của kỹ thuật, công nghệ, của khát vọng vươn tới sự chính xác để công bằng phải được thiết lập, và vượt trên hết là sự dũng cảm của một con người ở thời đại cả xã hội đều có quyền tuyên ngôn (nhờ mạng xã hội) này.
Nếu trọng tài bỏ qua, không tham khảo video, có thể ông sẽ nhận được ủng hộ của những ai ủng hộ Croatia nhưng song song đó, ông sẽ bị nguyền rủa bởi những ai yêu Pháp.
Ngược lại, khi ông tham khảo, ông đứng trước nguy cơ bị rủa xả và được động viên của những người ở chiều ngược lại.
Dĩ nhiên, video là bằng chứng, nhưng con người không phải cái máy. Đối diện áp lực dư luận là cực khó, nhất là áp lực với cường độ, mật độ liên tục trong thời gian ngắn. Nhiều người đã quyên sinh vì không chịu nổi sóng từ mạng xã hội.
Thế nên, khi trọng tài quyết định như thế, ông được ghi nhận vì đã quá dũng cảm và quyết đoán!
Nếu ta là trọng tài, ta sẽ quyết định thế nào sau khi tham khảo? Nên nhớ, trọng tài chính vẫn có quyền quyết định cuối cùng. Có suy nghĩ nào thoáng qua để cân nhắc xem “cộng đồng nào đông hơn?” để tìm chỗ an toàn hơn cho quyết định của mình không?
Và ta nên nhớ, khi ta công khai một quan điểm, một quyết định trước công chúng, ta sẽ đối diện rủi ro. Nhiều người trong chúng ta lựa chọn im lặng, để né rủi ro ấy. Nhưng trọng tài trận chung kết đã chọn con đường khác, dù ông đứng trước mắt hàng tỷ người trên toàn cầu.
Xin nhớ, không có pha penalty ấy, Pháp chưa chắc có cơ hội ghi bàn thứ ba (Pogba) và bàn thứ tư (Mbappe). Bàn thắng bằng VAR đó chính là bước ngoặt của trận chung kết, nó khiến hiệp 2 khó khăn hơn, đặc biệt là khi Pháp vẫn kiên trì với lối đá cẩn trọng, câu kéo những sai lầm của Croatia.
Chính trọng tài mới là người quyết định chức vô địch năm nay!
Và đó chính là bộ mặt thời đại mà trận chung kết thể hiện. Nó là một thời đại mà ai cũng có tận dụng quyền phát ngôn mà quên mất mình đang tư duy tức thời. Nó là thời đại công nghệ là công cụ đắc lực để hỗ trợ khiến cho ai đó có thể dũng cảm hơn.
Nó cũng là thời đại sự can thiệp của công nghệ cao thách thức cảm tính của con người. Và nó cũng là lúc nhắc chúng ta xem đời trôi rất nhanh nhưng phải nghĩ chậm lại hơn một chút.
Chợt nhớ, nếu có VAR từ năm 1990, có chắc là năm đó Argentina đã có thêm một ngôi sao trên ngực áo, còn Đức thì không?
Hà Quang Minh – Tuổi Trẻ