- Thanh Niên: Docomo và Nokia thử nghiệm thành công mạng 5G tại Nhật Bản
Theo Neowin, nhà mạng Docomo (Nhật Bản) đã tiến hành các bài kiểm tra với nhà sản xuất thiết bị mạng khác nhau như Nokia Networks, Ericsson, Fujitsu và Samsung Electronics.
Trong các thử nghiệm trước đó, Docomo phải đối mặt với những vấn đề trong việc truyền dữ liệu bên trong tòa nhà thương mại. Tuy nhiên, với hai công nghệ mới gọi là beamforming và beam tracking, tốc độ truyền tải mạng 5G đã thành công ở một trung tâm thương mại Roppongi Hills tại Tokyo, đây là công nghệ được hợp tác với Nokia Networks.
Tốc độ truyền tải của mạng 5G lên tới 2 GB/giây, như vậy người dùng có thể tải nhanh một bộ phim Full-HD chỉ trong một cái chớp mắt.
Docomo cho biết, hãng sẽ thực hiện nhiều bài kiểm tra kết nối 5G ở nhiều khu vực khác nhau, trước khi thương mại hóa công nghệ 5G tại Nhật Bản vào năm 2020 tới.
- Thanh Niên: Nokia sắp quay lại thị trường di động
Theo GSMArena, Nokia hiện đã bắt đầu phát triển mẫu smartphone Nokia C1, sản phẩm này cũng sẽ không còn chạy Symbian hay Windows Phone mà là dùng Android. Thiết kế của máy cũng được làm theo dạng vỏ nguyên khối, các góc cạnh máy được bo tròn.
Nguồn tin ban đầu cho biết, Nokia C1 có thể sẽ có tới hai phiên bản gồm: bản dùng màn hình 5 inch, 2 GB RAM, 32 GB bộ nhớ trong và một bản khác dùng màn hình 5,5 inch, 3 GB RAM, 64 GB bộ nhớ trong. Bên cạnh đó, cảm biến camera sau của máy cũng sẽ dùng loại 13 MP và camera trước 8 MP hỗ trợ góc chụp ảnh rộng để tự sướng.
Hiện tại, Nokia đang ấp ủ phát triển mẫu smartphone Nokia C1 với phần cứng có thể mạnh mẽ hơn trong thời điểm ra mắt. Bởi lẽ, thời gian sau quý 4/2016 rất có thể sự phát triển của công nghệ sẽ giúp cấu hình máy tăng lên.
- Tuổi Trẻ: Điện thoại Trung Quốc cài mã độc để trộm cước
Hãng bảo mật toàn cầu Cheetah Mobile (CM) vừa công bố phát hiện khiến nhiều người dùng phải giật mình. Ít nhất hơn 17.200 thiết bị Android giá rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc đã được cài sẵn mã độc vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến người dùng tại hơn 153 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
CM cho biết họ phát hiện mã độc được cài sẵn trong khoảng 30 thương hiệu khác nhau, trong đó những chiếc máy không thương hiệu chiếm đa số.
Theo phát hiện của các chuyên gia CM, mã độc này có thể cài đặt phần mềm quảng cáo (adware) và phần mềm độc hại (malware) lên điện thoại hay máy tính bảng bị lây nhiễm. Thậm chí nó có thể chủ động gỡ bỏ phần mềm diệt virút do người dùng cài trên máy.
Từ đó, thiết bị di động của người dùng sẽ liên tục bị xuất hiện các trang quảng cáo thay thế hình nền mặc định trên màn hình, hay lúc người dùng khởi động lại máy, thậm chí cả khi họ vừa mở trình duyệt Internet.
- Thanh Niên: Dự báo thiếu hụt nhân lực ngành công nghệ thông tin
Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks vừa công bố báo cáo về nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) ở VN.
Theo đó, dự báo đến năm 2020, VN sẽ thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự ngành này.
Phân tích của VietnamWorks cho thấy trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm.
Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Cụ thể, từ đây đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, VN sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực IT mỗi năm.
Số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm, chưa kể theo bảng xếp hạng của Công ty tư vấn Tholons, TP.HCM và Hà Nội nằm trong top 20 thành phố có dịch vụ outsourcing tốt nhất. Điều này giải thích lý do vì sao số lượng việc làm ngành IT tăng nhanh, nhưng tập trung vào mảng phần mềm là nhiều nhất.
- Vietnamplus: Việt Nam giành nhiều giải thưởng công nghệ thông tin ASEAN 2015
Trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN TELMIN 2015 đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, chiều 26/11, các nước ASEAN và Liên minh Viễn thông quốc tế ITU đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về công nghệ thông tin và truyền thông cho giai đoạn 2016-2018.
Biên bản ghi nhớ này góp phần tăng cường hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy thực hiện các hoạt động chung, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của các Bộ trưởng viễn thông và công nghệ thông tin ASEAN (TELMIN) cũng như mục tiêu kết nối công nghệ đến tất cả người dân trên thế giới.
Tối 26/11, đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Công nghệ thông tin-Truyền thông ASEAN 2015 (ASEAN ICT AWARDS-AICTA 2015). Việt Nam giành được nhiều giải cao, trong đó 2 giải Nhất thuộc về sản phẩm “Da Nang e-Government Platform “ của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng thuộc hạng mục Khu vực công; sản phẩm TiengAnh123.com của Công ty BeOnline thuộc hạng mục Nội dung số.
Một giải Nhì thuộc về sản phẩm WONAV CT của Công ty WONAV thuộc hạng mục Nghiên cứu và Phát triển; một giải Ba thuộc về sản phẩm iTeleM của Công ty iNext Technology JSC thuộc hạng mục Khu vực tư nhân.
- Thanh Niên: Google có ý định tự sản xuất smartphone
Theo The Information, Google đang lên kế hoạch tự mình phát triển một dòng smartphone hoàn chỉnh mang thương hiệu của chính mình.
Thông tin nói trên được hé lộ thông qua ông Hiroshi Lockheimer – Phó chủ tịch cấp cao phụ trách mảng Android của Google. Đây được xem là một kế hoạch mang tính chất lâu dài của Google.
Hiện tại, Google đã có thương hiệu smartphone Nexus, nhưng thực tế các dòng smartphone Nexus không phải do Google sản xuất, mà đều được nhờ qua các hãng khác gia công như: LG, Asus, Samsung, Huawei…
Các báo gần đây cho biết Google đang lên kế hoạch tự mình sản xuất chipset di động riêng, đây được xem là một khâu rất quan trọng trong việc tự xây dựng một dòng smartphone mới.
- Vietnamplus: Cheetal Mobile “tham chiến” thị trường quảng cáo di động Việt
Công ty công nghệ Cheetah Mobile vừa chính thức tuyên bố tham gia thị trường quảng cáo di động Việt Nam bằng việc hợp tác với đơn vị cung cấp quảng cáo trực tuyến Admatic (thành viên của Công ty MOG Việt Nam).
Được thành lập vào năm 2010, Cheetah Mobile được biết đến với các ứng dụng nổi tiếng như Clean Master, Battery Doctor, Photo-Grid, CM-Security, CM Browser… Tính đến cuối tháng 6/2015, tổng lượt download các ứng dụng của Cheetah Mobile trên toàn cầu đạt tới con số 1,6 tỷ lượt, lượng người dùng kích hoạt hàng tháng lên tới 494 triệu người, trong đó tại Việt Nam là hơn 6 triệu người.
Với việc hợp tác lần này, Cheetah cho phép các nhà quảng cáo Việt Nam thông qua Admatic có thể hiển thị nội dung quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của họ tới người dùng sản phẩm Cheetah tại Việt Nam và các thị trường khác trên toàn cầu.
- Vietnamplus: Từ 15/12, cấm nhập khẩu laptop, điện thoại di động, loa thùng cũ
Thông tin trên trang điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông này cho biết, từ ngày 15/12, cấm nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng như máy tính xách tay, notebook, tablet PC; điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác.
Ngoài ra, các sản phẩm như loa thùng; tai nghe có khung choàng đầu; bộ micro/loa kết hợp; camera truyền hình, camera kỹ thuật số khác; radio cassette loại bỏ túi; ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, kể cả ổ CD-ROM, ổ DVD và ổ CD có thể ghi được; màn hình LCD, LED và kiểu màn hình dẹt khác… cũng chịu chế tài trên.
Đối với máy photocopy đen trắng có kết hợp tính năng in hoặc tính năng khác đã qua sử dụng, việc nhập khẩu sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ đối với trường hợp nhập khẩu sản phẩm thuộc danh mục cấm nói trên để nghiên cứu khoa học, làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu, phát triển sản phẩm và kiểm thử trong hoạt động sản xuất, các tổ chức cần có hồ sơ đề nghị theo quy định.
- ICTNews: Năm 2016, sẽ trình Quốc hội Luật chuyển giao công nghệ mới
Theo dự kiến, dự thảo Luật chuyển giao công nghệ được hoàn thiện và trình Quốc hội vào cuối năm 2016 và có thể sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu 2017 nhằm chuẩn bị tốt hơn nữa tiến trình hội nhập của Việt Nam khi hàng loạt các hiệp định thương mại vừa được ký kết.
Qua thảo luận, những vấn đề kiến nghị sửa đổi, bổ sung của Luật chuyển giao công nghệ 2006 cụ thể gồm:
Bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nước, trong đó, nghiên cứu kỹ quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn Nhà nước; Quy định về chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và sửa đổi một số quy định về chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bổ sung quy định về cơ chế phối hợp trong quá trình quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ; Sửa đổi quy định về phân cấp quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ; Sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành 3 danh mục công nghệ; Quy định về việc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ để tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ; Đồng thời bổ sung thêm quy định về tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ.
- ICTNews: Xuất khẩu điện thoại 10 tháng lên tới 25,8 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT, tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm 2014 gồm có điện thoại các loại và linh kiện đạt 25,8 tỷ USD, tăng 32,7% (với đóng góp lớn nhất thuộc về Samsung Việt Nam); điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,7 tỷ USD, tăng 44%.
Đối với kim ngạch hàng hoá nhập khẩu, ước tính qua 10 tháng đạt 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với một số ngành hàng như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, vải, nguyên phụ liệu dệt may…, thì điện thoại, điện tử, máy tính… cũng nằm trong số những ngành hàng có kim ngạch nhập khẩu 10 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014.
Cụ thể, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 29,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,1 tỷ USD, tăng 31,8%.
SPT Ngày Nay