10 thông tin bưu chính viễn thông – CNTT đáng chú ý tháng 12/2015

0
792
  1. Thanh Niên: Năm 2015 chặn hơn 964.000 thuê bao gửi tin nhắn rác

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 của Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông ngày 29.12, đơn vị này cho biết các đợt thanh tra được tiến hành tại Tổng công ty MobiFone, Công ty Vinaphone, Tổng công ty viễn thông Viettel, Vietnam Mobile, Công ty cổ phần viễn thông CMC, Công ty VTC Digicom. Kết quả, đã chặn được 964.432 thuê bao do phát tán tin nhắn rác, tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 361 đầu số, cắt dịch vụ đối với 52 đầu số.

Tính đến ngày 15.12, Thanh tra Bộ đã ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 69 cơ quan, tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 3,6 tỉ đồng.

  1. ICTNews: Năng lực cạnh tranh của công nghiệp CNTT Việt Nam còn kém

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, quy mô phát triển của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam còn nhỏ, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn yếu.

Cùng đó, công nghiệp phần mềm mặc dù phát triển nhanh nhưng còn khá manh mún, thiếu tập trung nguồn lực, năng lực nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này chưa cao, đội ngũ nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về các kỹ năng chuyên sâu cũng như ngoại ngữ.

Cũng theo đánh giá của Bộ TT&TT, công nghiệp phần cứng, điện tử nặng về lắp ráp, tỷ lệ nội địa hoá và hàm lượng giá trị gia tăng đem lại không cao, chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu.

  1. ICTNews: 10 sự kiện CNTT-VT Việt Nam nổi bật năm 2015 do ICTnews bình chọn

2015 là một năm nhiều biến động, thách thức với ngành công nghiệp CNTT-VT Việt Nam. Trong năm nay, Luật An toàn thông tin mạng đã chính thức được thông qua, game online được cấp phép trở lại, Viettel thử nghiệm 4G, và còn rất nhiều sự kiện quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước đã diễn ra:

Luật ATTT mạng được thông qua vào ngày 19/11/2015

Viettel thử nghiệm 4G

Thử nghiệm lập hệ thống tương tác giữa người dân với Chính phủ qua Facebook

Apple chính thức mở công ty tại Việt Nam

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức sự kiện an ninh mạng toàn cầu AVAR

Nghị quyết 36a hướng tới đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử

BKAV ra mắt Bphone

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp đại diện cộng đồng khởi nghiệp Việt

Game online được cấp phép trở lại

CEO Google Sundar Pichai sang thăm Việt Nam

  1. ICTNews: 10 sự kiện CNTT thế giới nổi bật 2015 do ICTnews bình chọn

Google trải qua cuộc tái cấu trúc lớn chưa từng có, Apple ra mắt iPad khổng lồ và thương vụ mua lại EMC với mức giá kỷ lục của Dell là 3 trong số 10 sự kiện nổi bật của làng công nghệ thế giới trong năm 2015:

Google tái cấu trúc trở thành công ty Alphabet

Huawei vượt Microsoft trở thành hãng sản xuất smartphone lớn thứ 3 trên thế giới

Windows 10 ra mắt

Dell, Lenovo lén cài phần mềm quảng cáo vào máy tính người dùng

Facebook cán mốc 1 tỷ người dùng trong một ngày

Android dính lỗ hổng bảo mật Stagefright ảnh hưởng gần 1 tỷ thiết bị

Kho ứng dụng App Store bị lọt ứng dụng chứa mã độc

Lần đầu tiên Apple ra iPad khổng lồ

Thương vụ lớn nhất lịch sử ngành công nghệ: Dell mua EMC giá 67 tỷ USD

Chiến tranh mạng giữa tổ chức Hồi giáo IS và nhóm hacker Anonymous

thuebaodidong

  1. ICTNews: Việt Nam nhập điện thoại nhiều nhất từ Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 11 tháng năm 2015 đạt 151,11 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2014.  Trong đó, ngành hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 21,37 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện là 10 tỷ USD.

Đối với máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 11 là 2,04 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước. Tính chung  trong 11 tháng/2015, cả nước nhập khẩu 21,37 tỷ USD, tăng 26,3%.

Trong đó nhập khẩu của riêng doanh nghiệp khu vực FDI là 19,64 tỷ USD, tăng 27,5% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước 1,74 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu 6,28 tỷ USD, tăng 35%; tiếp theo là các thị trường Trung Quốc 4,78 tỷ USD, tăng 15,2%; Nhật Bản 2,1 tỷ USD, tăng 23,8%; Đài Loan hơn 2 tỷ USD, tăng mạnh 59,3%; Singapore 1,7 tỷ USD, giảm 22%… so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với điện thoại các loại và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11 đạt 830 triệu USD giảm 15,2% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 11 tháng/2015 đạt mốc gần 10 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kì năm 2014.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc đạt 6,45 tỷ USD, tăng 11,46%; Hàn Quốc đạt 2,86 tỷ USD, tăng 79,45%… so với cùng kì năm 2014.

  1. Infonet: Xây dựng văn bản quản lý viễn thông thiết thực với cuộc sống

Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Cục Viễn thông được tổ chức vào ngày 21/12/2015 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị, năm 2016 Cục Viễn thông cần chú trọng việc xây dựng các văn bản quản lý viễn thông thiết thực với cuộc sống, có tính khả thi cao hơn. “Tư duy kinh tế, cơ chế thị trường cần được đưa vào các văn bản để công tác quản lý “trơn tru” hơn thay cho việc phải can thiệp quá nhiều, làm thị trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Chúng ta phải bắt tay với doanh nghiệp nhiều hơn để đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Cục viễn thông cần chủ động hơn nữa, xây dựng các chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường theo chuyên đề ngay từ đầu năm để có thể bố trí tổng lực nhiều nguồn lực. Theo đó, Cục cần hợp tác chặt với các Sở TT&TT để cùng giám sát thị trường. Để tăng cường công tác thực thi, Cục và các đơn vị liên quan cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng phổ biến cho đội ngũ tuyên truyền văn bản pháp luật của Cục.

  1. ICTNews: Việt Nam đạt mật độ 133 thuê bao di động/100 dân

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, tính đến hết năm 2015, Việt Nam có 90,5 triệu dân nhưng có tới 120.607.726 thuê bao di động, chiếm tỉ lệ 133 thuê bao/100 dân.

Trong báo cáo của Cục Viễn thông, năm 2015, số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng là 27, trong đó có 15 doanh nghiệp được cấp giấy phép phạm vi toàn quốc, 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép phạm vi khu vực và 6 doanh nghiệp được cấp giấy phép phạm vi 1 tỉnh.

Số doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động là 6 doanh nghiệp; 72 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông; 63 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ Internet.

  1. Vietnamplus: Người dân Đà Nẵng có thể tra cứu các dịch vụ công trên Zalo

Tin từ Công ty VNG ngày 17/12 cho biết, sau một năm thử nghiệm, Trung tâm Thông tin Dịch vụ công thành phố Đà Nẵng đã triển khai sử dụng các tiện ích của Zalo để cung cấp và hỗ trợ tra cứu thông tin dịch vụ hành chính.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Thông tin Dịch vụ công Đà Nẵng, tổng đài hành chính công trên Zalo sẽ là một trong các kênh thông tin giao dịch, liên lạc giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức của người dân.

Hiện các cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng tra cứu tình trạng xử lí hồ sơ đã nộp tại các cơ quan của Đà Nẵng và các tuyến xe buýt gần vị trí của người dùng nhất.

  1. Thanh Niên: Samsung Việt Nam sẽ qua mặt chi nhánh Trung Quốc trong năm 2016

Tập đoàn Samsung sẽ tăng sản lượng sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam từ 30% lên 40% vào năm tới. Điều này đồng nghĩa sản lượng tại Việt Nam sẽ lần đầu tiên vượt số lượng sản xuất tại Trung Quốc.

Samsung dự kiến cũng sẽ bắt đầu dây chuyền sản xuất đồ điện tử gia dụng, chẳng hạn như TV, máy lạnh… tại Việt Nam vào năm 2016, theo trang tin công nghệ ETNews (Hàn Quốc).

Giới quan sát cho rằng lao động giá rẻ là một trong những lý do khiến Samsung mở rộng sản xuất sang Việt Nam. Trang tin ETNews cho biết trong khi Trung Quốc đang siết chặt các quy định về lao động và thuế, giá nhân công Việt Nam chỉ bằng phân nửa Trung Quốc.

  1. Vietnamplus: Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số bằng sáng chế trong năm 2014

Theo WIPO, năm 2014 số lượng bằng sáng chế được công nhận của Trung Quốc tăng 12,5% lên 928.000, vượt xa tổng số bằng chứng nhận cấp cho các sở hữu trí tuệ của Mỹ và Nhật Bản cộng lại.

Đứng thứ hai thế giới về số lượng bằng sáng chế thuộc về Mỹ với 578.000 bằng và Nhật Bản đứng vị trí số 3 với 325.000 bằng sáng chế.

Các công ty Nhật Bản, đứng đầu là Panasonic, đóng góp bảy trong Top 10 bằng sáng chế. Trong khi đó, hãng Samsung (Hàn Quốc) đứng vị trí thứ 3 và IBM (Mỹ) xếp thứ 8.

SPT Ngày Nay