Hậu quả nếu Trung Quốc đánh bại Mỹ trong cuộc đua 5G

0
576
Dù các tiêu chuẩn kỹ thuật cho mạng không dây thế hệ mới còn chưa đi đến hồi kết, Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến kịch tính trở thành quốc gia đầu tiên triển khai 5G.

Chủ tịch kiêm CEO tập đoàn công nghiệp không dây CTIA, Meredith Attwell Baker, từng cảnh báo hồi tháng 4/2018: Mỹ không có cơ hội thứ hai để thắng cuộc đua 5G toàn cầu”. Trong báo cáo mới được Deloitte tung ra tháng 8, Trung Quốc đã vượt Mỹ trong công đoạn chuẩn bị cho 5G. Báo cáo trước đó của CTIA cảnh báo kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu bị Trung Quốc và Hàn Quốc bỏ lại. Không chỉ có vậy, một tài liệu của Hội đồng an ninh quốc gia bị rò rỉ viết rằng: nếu Trung Quốc thống trị thị trường mạng viễn thông, quốc gia này sẽ “thắng cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự”.

Tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên cho 5G được đưa ra năm 2017 nhưng phần còn lại vẫn chưa được quyết định. Các nhà mạng dự đoán 5G không thể có mặt trên toàn nước Mỹ cho đến năm 2020. Ngành công nghiệp không dây hứa hẹn 5G cải thiện đáng kể về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có.

Song, chính xác vì sao việc Mỹ xây dựng mạng 5G trước Trung Quốc lại quan trọng đến vậy? Lợi ích của 5G là rất rõ ràng nhưng ngày nay, Mỹ chưa phải nước có tốc độ băng rộng cố định nhanh nhất hay mạng 4G nhanh nhất, phủ rộng nhất, thường đi sau các nước như Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lý do gì khiến kinh tế Mỹ bị tác động nếu chậm trễ trong cuộc chơi 5G?

Báo cáo năm 2016 của hãng tư vấn Accenture ước tính việc xây dựng và duy trì mạng 5G tại Mỹ có thể tạo ra 3 triệu việc làm, đóng góp 500 tỷ USD cho GDP. Liệu những con số này có chuyển ra nước ngoài nếu Trung Quốc là nước đầu tiên phủ 5G trên toàn quốc? Theo Sanjay Dhar, Giám đốc tại Accenture, người tham gia vào nghiên cứu, cho rằng không nhất thiết như vậy, kể cả khi Trung Quốc có thắng, nó không phải “được ăn cả, ngã về không”.

Chuyên gia viễn thông Jeff Kagan cũng không tin kinh tế Mỹ sẽ khác biệt lớn trong dài hạn nếu Mỹ đứng thứ hai hay ba trong cuộc đua 5G. Ông cho rằng đây chỉ là vấn đề tự trọng không hơn không kém.

Một điều chắc chắn là kinh tế Mỹ – Trung phụ thuộc lẫn nhau. Công ty ZTE của Trung Quốc gần như sụp đổ sau khi Mỹ cấm ZTE bán linh kiện cho Mỹ. Nếu Trung Quốc có thắng lợi, doanh nghiệp Mỹ sẽ hưởng lợi khi bán công nghệ cho Trung Quốc.

Roger Entner, nhà sáng lập Recon Analytics, đồng tác giả báo cáo CTIA, thừa nhận không phải vấn đề lớn nếu Mỹ giới thiệu 5G vài tháng sau Trung Quốc. Châu Âu nhanh hơn khi triển khai 2G, Nhật Bản là nước đầu tiên ứng dụng 3G nhưng vẫn không đủ để ngăn cản Apple và Google – hai công ty Mỹ – thống trị thị trường smartphone. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc đánh bại Mỹ với khoảng cách 1-2 năm, nó sẽ hủy hoại năng lực của Mỹ để cạnh tranh trên thị trường công nghệ thế giới.

Lợi thế khi cán đích 5G đầu tiên

Theo cố vấn ngành di động Chetan Sharma, Mỹ có 3G từ năm 2002, là tiền đề cho iPhone ra đời năm 2007 và thị trường ứng dụng, tạo ra đầu tư khổng lồ vào điện toán di động. 4G chính thức chào sân ở Mỹ năm 2011 khiến cho smartphone và ứng dụng di động trở nên hấp dẫn hơn. Các phần mềm như Instagram, Lyft, Uber đều tiếp cận được đám đông trước đối thủ ở các nước khác, mang đến lợi thế cho Mỹ.

Sau cùng, chính quyết định của người tiêu dùng và khu vực tư nhân sẽ xác định kẻ chiến thắng – chiến bại trong công nghệ. Mỹ “đánh bại” châu Âu và Nhật Bản vì Apple tạo ra sản phẩm đưa smartphone trở thành đại chúng; Google phát triển hệ điều hành di động phổ biến và tung ra miễn phí; Facebook xây dựng nền tảng giữ mọi người gắn chặt với điện thoại của họ. Mối lo ngại ở đây là nếu Trung Quốc là nước đầu tiên phủ sóng 5G rộng rãi, các công ty địa phương sẽ có lợi thế hơn hẳn trong việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao tiếp theo.

Với những nước nhỏ hơn như Hàn Quốc, đây không phải mối lo lớn vì doanh nghiệp Hàn Quốc không có thị trường lớn để thử nghiệm và hoàn thiện ý tưởng. Dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc cung cấp một nơi hoàn hảo để phát triển kinh doanh trước khi xuất khẩu sang nước khác. Chẳng hạn, WeChat cung cấp ứng dụng nhắn tin, thanh toán di động, ngân hàng trực tuyến, xe cộ… Huawei, nhà cung cấp trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, cũng lớn dần nhờ phục vụ thị trường nội địa.

Lợi thế dẫn đầu về 5G cũng mang đến lợi ích khác cho công nghệ Trung Quốc. 5G không chỉ cải thiện tốc độ mà còn tăng khả năng hỗ trợ Internet of Things (IoT). Tất cả xe hơi thông minh và thiết bị khác đều sản xuất dữ liệu. Dữ liệu này giúp Trung Quốc đi trước về phát triển công nghệ tiên tiến như xe tự lái, trí tuệ nhân tạo. Lượng dữ liệu khổng lồ mà 5G tạo ra là vô cùng quan trọng để đào tạo thuật toán AI.

Những lo ngại về vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong cuộc đua 5G lan sang cả an ninh quốc gia. Các sản phẩm của Huawei đang được nhà mạng khắp thế giới sử dụng. Song, từ lâu, chính phủ Mỹ lo lắng Huawei có thể giúp chính phủ Trung Quốc gián điệp công dân, doanh nghiệp, chính trị gia Mỹ. Về cơ bản, Huawei bị chặn khỏi thị trường Mỹ, nhưng nếu các công ty thiết bị viễn thông tại Mỹ và các nước đồng minh rút khỏi, nhà mạng Mỹ sẽ bị bỏ lại mà không có lựa chọn thay thế nào.

Khách hàng Mỹ gần như chắc chắn không dùng sản phẩm Huawei mà ưu tiên thiết bị từ Cisco, Juniper (Mỹ) hay Ericsson, Nokia (châu Âu) song nó không ảnh hưởng nhiều đến vai trò toàn cầu của Huawei. Điều đó cũng đúng với cuộc đua 5G. Kể cả khi Mỹ thắng, kết quả cũng không thể ngăn chặn Trung Quốc.

Du Lam (Theo Wired) – ICTNews