Văn hóa SPT và câu chuyện đổi thay cũ mới

0
797

Ở thời mà Google trở thành động từ thì trước khi làm gì, nghĩ gì chúng ta cũng cứ nên thử google xem thế nào. Và đây là kết quả thực hiện thử vừa mới xong: cụm từ khóa “văn hóa FPT” cho khoảng 10.300 kết quả, sau 0,32 giây tìm kiếm, còn “văn hóa SPT” cho khoảng 154 kết quả, sau 0,36 giây tìm kiếm!

Điều đáng nói là một số đáng kể kết quả tìm kiếm cho “văn hóa SPT” bị lẫn với một SPT khác, chứ không phải Saigon Postel. Hơn thế nữa, thực tế thì chỉ có một kết quả của “văn hóa SPT” là “chính chủ”, nguyên vẹn cả cụm từ: nó xuất hiện duy nhất một lần ở website của Trung tâm STS!

Chúng ta nên nghĩ gì về hai kết quả này?

SPT… không có văn hóa chăng? Chắc chắn là không đúng rồi. Hay là văn hóa SPT “bí ẩn” quá, ít người biết đến để mà bàn tán? Có thể lắm. Hay là ít người quan tâm đến SPT quá nên không có mấy người bàn về nó? Cũng có thể lắm. Thôi thì khi sự thật đã là như vậy, ta cứ tạm chấp nhận là SPT “bí ẩn” quá, là ít người quan tâm đến SPT quá, không sao. Mối quan tâm bây giờ là văn hóa SPT có gì? Sau đó nữa là sắp tới sẽ ra sao?

Trong quá trình làm việc, khi thực hiện các cuộc phỏng vấn “bỏ túi” – cả chính thức và không chính thức – với người SPT về cách làm việc, về môi trường làm việc nói chung, chúng tôi thường ghi nhận được những “từ khóa” như “bảo thủ”, “an toàn”, “không đột phá”, “nhìn nhau”. Xem ra có vẻ khá tiêu cực, vì chúng đều liên quan đến một từ khóa khác, là “trì trệ”, mà nhiều người cũng nhắc đến.

Không có cái gì bỗng dưng mà có; lề thói ứng xử, cách làm việc… lại càng như vậy: nó không thể hình thành trong một ngày. Nói một cách rất biện chứng: hẳn là những gì người SPT tự nhận thấy hôm nay đã phải hình thành trong một thời gian đủ dài và phải có một nguyên nhân gốc.

Trải qua gần 19 năm hình thành và phát triển, có lẽ kiến trúc quản lý theo kiểu “nhà nước” và đội ngũ của những ngày đầu tiên chính là nguyên nhân gốc của văn hóa SPT hôm nay. Những gì mà ngày đó có và duy trì chính là “trật tự”, “thứ bậc nghiêm ngặt”, “rủi ro thấp”, “ít sai sót” và “quan hệ chặt chẽ”. Chắc chắn chúng đã phát huy tốt tác dụng trong giai đoạn đầu của SPT, bởi lúc đó Công ty cần như vậy; hơn nữa, chúng cũng là những kiểu cách được hình thành rất tự nhiên.

Hoạt động trong lĩnh vực đầy biến động, tốc độ thay đổi của công nghệ và kỹ thuật rất cao, thị trường thay đổi nhanh chóng và rất nhạy cảm với các điều kiện của kinh tế xã hội, thay đổi bên trong doanh nghiệp là việc đáng làm hơn bao giờ hết, thậm chí cần chủ động thay đổi trước để bắt kịp xu thế. Liệu rằng những biểu hiện chưa tích cực hiện nay khi nhìn vào văn hóa SPT có phải là hệ quả của một đôi lần lỡ nhịp trong xu thế thay đổi chung của môi trường kinh doanh?

Dù sao đi nữa, những gì SPT đang có vẫn là của SPT, không thể chối bỏ được, cho dù tốt hay chưa tốt, tích cực hay tiêu cực. Chuyện còn lại là chuyện đang và sẽ đến: văn hóa SPT sẽ xoay chuyển ra sao trong bối cảnh hiện nay để hướng đến tương lai?

Môi trường kinh doanh hiện nay đang chọn tốc độ thay cho quy mô; điều đó bắt buộc các công ty phải thay đổi về căn bản cách mà nó ứng xử với môi trường kinh doanh bên ngoài, và vì thế phải thay đổi văn hóa bên trong. Có rất nhiều chi tiết liên quan đến sự thay đổi lớn lao đó; ở đây xin chỉ bàn đến một điểm: khi chọn tốc độ phát triển là ưu tiên hơn quy mô, chúng ta bắt buộc phải đặt tính linh hoạt lên trước và đưa tính hệ thống lùi về phía sau.

Hẳn nhiên, mọi sự linh hoạt đều phải nằm trong hệ thống, nếu không sẽ dẫn đến hỗn loạn. Với SPT, hệ thống quản lý với các ràng buộc chặt chẽ đang là di sản của lịch sử để lại. Thách thức đặt ra là phải thay đổi hệ thống quản lý đó như thế nào để mở thêm không gian cho sự linh hoạt bước vào. Khi điều đó là việc bắt buộc phải làm thì sẽ không có rào cản nào là không thể vượt qua!

Ở một phía khác, chính nhận thức và ý chí của từng con người mới là chìa khóa. Mọi sự thay đổi trong thiết kế của hệ thống quản lý đều trở nên vô nghĩa nếu nhận thức của con người trong tổ chức không tương xứng và ý chí của họ không đủ mạnh để biến những ý định thành biểu hiện cụ thể trong công việc.

Năm 2014 khép lại với rất nhiều trăn trở. Ở tầng vi mô thì đó là những băn khoăn về kết quả kinh doanh, về những gì mà bản thân SPT đã trải qua trong năm qua: các đơn vị gần như hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra từ đầu năm, những dự án kinh doanh mới đã được chuẩn bị và đưa vào vận hành từng phần, nhưng vẫn còn đó câu hỏi về tương lai xa, 5 hay 10 năm nữa, chẳng hạn. Ở tầng vĩ mô thì đó là những dự báo về kinh tế xã hội Việt Nam trong năm 2015: có thể đã qua rồi những ngày ảm đạm nhất của chu kỳ suy thoái vừa qua, nhưng vẫn chưa hết những âu lo về mức độ ổn định cũng như tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, hơn thế nữa, các xu hướng của công nghệ đang tác động vào thương mại ngày càng quyết liệt hơn, đặt ra nhiều đòi hỏi mới.

Giữa những trăn trở đó, chúng ta không thể bỏ qua một sự thật là đang có những hạt giống của cái mới được gieo và đang có những cây non vừa mọc. Đấy là hình ảnh của sức sống và là chỗ dựa của niềm tin.

Một năm sau, hỏi Google với từ khóa “văn hóa SPT” chúng ta sẽ nhận được bao nhiêu kết quả? Câu trả lời còn ở phía trước, chúng ta phải chờ xem; nhưng đó là câu trả lời mà mỗi người SPT đều góp vào một phần nhỏ. Đấy có thể là một chữ cái, một dấu câu hay một cái gạch ngang nhưng tất cả đều đáng trân trọng như nhau bởi thiếu đi bất cứ cái nào thì câu trả lời sẽ không bao giờ trọn vẹn, ít nhất là về hình hài.

B. K. H

[fblike layout=”button_count” show_faces=”true” action=”like”][googleplusone size=”small”][tweet layout=”horizontal”]