Sales hay sự lừa dối ngọt ngào

0
1784

Nếu như dân marketing bóng bẩy, cao xa và vĩ mô thì dân sales lại có vẻ lam lũ, gần gũi với nhân tình thế thái và rất vi mô. Lắm khi hai phía cũng lên án nhau. Sales chạy ngoài đường nhiều quá thì bảo Marketing chẳng làm [được] gì. Marketing thì bảo Sales sao không [biết] bán hàng khi đã có thị trường dọn sẵn rồi.

Trong số những kỹ năng làm việc mà người ta thường học thì kỹ năng sales là kỹ năng có nhiều học viên nhất; người người muốn học xem thử bán hàng thì phải làm sao, dĩ nhiên cũng có người đi học chỉ để xem người khác làm việc đó như thế nào.

Nghề nào cũng có cái để bị mang tiếng, kiểu thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ; nghề sales cũng vậy nhưng khổ hơn: họ mang tiếng là hay… nói dối! Tại sao thế nhỉ? Có lẽ suy luận thế này: do sales tức là lấy được tiền của người khác, mà tiền thì ai chẳng quý, ai chẳng muốn giữ, vì thế nếu lấy được tiền của người ta thì chỉ có cách là… dối trá! Suy nghĩ ngộ nghĩnh thế mà lại có thật ở rất nhiều người và nhiều nơi, vậy mới lạ!

Có câu chuyện tiếu lâm kể là anh nọ đi xin việc mãi mà không được, nộp hồ sơ vào đâu cũng bị từ chối. Một lần, thấy công ty kia thông báo tuyển nhân viên kinh doanh, anh ta bí quá nên quyết định nộp hồ sơ luôn. Tuy nhiên, do công ty đó yêu cầu một loạt các kinh nghiệm và kiến thức mà anh chưa bao giờ có nên anh quyết định… bịa ra toàn bộ. Qua được vòng sơ tuyển, đến vòng phỏng vấn cuối cùng, anh gặp ông giám đốc công ty. Thấy ông giám đốc cầm hồ sơ của anh trên tay, nhìn đi nhìn lại với vẻ mặt rất nghiêm trọng, xong nói: “Chúng tôi đã thẩm tra hồ sơ của anh! Anh làm giả hồ sơ và khai dối từ đầu tới cuối!”. Nghe đến đó anh cảm thấy vô cùng thất vọng! Ông giám đốc tiếp: “Thật tuyệt! Chúng tôi mời anh vào phòng Sales của công ty! Xin chúc mừng!”.

banhangdoanhnghiep-1

Sales còn một “tật” dễ thương nữa là bệnh hứa; hệt như người ta vẫn nghêu ngao: “Hứa thật nhiều…” Tại sao gọi là “tật”? Vì đi đâu cũng hứa: Bên em có bán cái này không? Có chứ anh! (Mặc dù trong đầu vẫn chưa biết cái đấy là cái gì). Thiết bị này làm được chuyện này không em? Có chứ anh! Cái đó dễ lắm, để em “bảo” kỹ thuật bên em làm cho anh! (Mặc dù không hề biết có làm được không).

Mâu thuẫn giữa Sales và các bộ phận hậu cần hay kỹ thuật thường đến từ đó: khi sales đã hứa thì tất cả bộ máy phải chạy theo, vì anh ta đã trót hứa với…Thượng đế!

Bất chấp những lời phàn nàn, Sales vẫn cứ hứa đều đều, bởi không hứa không được! Không hứa là mất khách hàng. Không hứa thì không ai có việc làm cả. Đó là lý do tại sao mà tật hứa của Sales lại… dễ thương!

Như một đội bóng có tiền đạo, công ty có đội ngũ Sales đứng ở tuyến đầu: sản phẩm dịch vụ có đến được với khách hàng hay không là bắt đầu từ họ. Vì thế họ được cưng chiều. Nhưng cũng vì thế mà công việc của họ rất khắc nghiệt: không có kết quả tốt là mọi thứ đổ lên đầu họ. Người Mỹ có câu nói dành riêng cho Sales: Number talks. Con số, tức là kết quả kinh doanh, nói lên tất cả! Ngắn gọn thì vui buồn sướng khổ của một công ty ra sao, Sales là người cảm nhận dễ và rõ ràng nhất.

Sales là một việc làm vất vả từ bản chất khi phải đổi sản phẩm của mình (tài sản có rủi ro cao) lấy tiền của Khách hàng (tài sản ít rủi ro nhất). Nghe là đã thấy khó rồi, vậy mà họ vẫn lạc quan lắm! Đơn giản, không lạc quan thì không thể làm sales được!

Lúc nào đó bạn gặp một người đang nói rất hùng hồn về một chuyện anh ta không hề biết tí gì thì đấy rất có thể là một tay… Sales chuyên nghiệp!

B. K. H