Màn ảnh nhỏ, chuyện không nhỏ

0
584

Câu chuyện bản quyền Asiad 2018 đang mang lại những quả ngọt cho đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Tối 27-8 vừa qua, đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam đã “làm nên lịch sử” – theo ngôn ngữ của các nhà bình luận – lần đầu tiên vào bán kết của một kỳ Á vận hội, mang lại niềm vui tràn ngập khắp nước.

Nhớ lại trước đó, chuyện bản quyền Asiad 2018 từng được mổ xẻ sôi nổi không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà cả trong dư luận xã hội với nhiều góc cạnh khác nhau. Và giờ đây, sau khi đội bóng đá của chúng ta đặt chân vào bán kết cuộc tranh tài châu lục thì những tính toán về tiền bạc nhờ quảng cáo đã không làm cho đơn vị mua bản quyền VTC bận tâm, nhất là đằng sau lưng đã có Vingroup, Viettel, Vietnam Airlines hỗ trợ.

Ghi nhận trước tiên là những ngày gần đây nếu vào trang google.vn sẽ thấy các từ khóa VOV hoặc VTC đang nằm trong “tốp 10” được truy cập. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng đột biến lượng khách ghé mắt dừng chân như một định hướng cho dịch vụ quảng cáo.

Thứ hai, VTC lâu nay khó len lỏi được vào các kênh phân phối của một số công ty truyền hình kỹ thuật số (chẳng hạn như K+). Nhưng khi VTC cầm được trong tay bản quyền phát sóng các cuộc tranh tài Asiad 2018 – nhất là môn bóng đá có sức thu hút mạnh của đội tuyển Việt Nam – thì hầu hết các nhà đài đều muốn đưa VTC vào gói kinh doanh của mình. Tất nhiên, VTC đồng ý với những điều kiện có lợi nhất là không cắt xén kể cả nội dung quảng cáo. Qua sự kiện này, VTC đã dọn được cho mình một sân chơi mới, một kênh phân phối mới, một đầu ra mới mà lâu nay chưa làm được.

Sân chơi này mở ra một triển vọng kinh doanh quảng cáo hiệu quả hơn, như thông tin mới đây được đăng tải trên mạng cho biết, giá quảng cáo 30 giây trong trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Syria đã lên đến 250 triệu đồng. Và con số này có lẽ sẽ không dừng ở đó khi đội tuyển Việt Nam vào bán kết.

Thứ ba là VTC đã phát đi một thông điệp rằng, trong kinh doanh đôi lúc không nên từ bỏ khi mà nhu cầu của khách hàng là có thực và có thể tăng cao, đồng thời khả năng thương lượng vẫn còn dù cho cuộc chơi đã bắt đầu (khi VTC mua được bản quyền thì Asiad 2018 đã khởi tranh, còn đội tuyển bóng đá Việt Nam đã đi được nửa chặng đường vòng 1)

Và khi đã có “vũ khí mạnh” trong tay, VTC có lợi thế thương lượng với các nhà đài. Có thể nói đây là cơ hội cho một đài truyền hình vốn không có thế mạnh về sản phẩm đầu ra như VTC.

Câu chuyện kinh doanh có tính thời vụ nhân mùa Asiad 2018, khiến nhiều người nghĩ đến cách làm của K+. Lấy được bản quyền của bóng đá ngoại hạng Anh nhưng ít ra là trong ba năm đầu, K+ không muốn chia sẻ với ai cả. Tại sao như vậy? Đơn giản là vì K+ muốn giữ độc quyền, “ăn ít no lâu” với gói hàng có sản phẩm bóng đá ngoại hạng Anh đang thu hút khối lượng lớn người xem, cùng với việc nhân rộng uy thế qua các hoạt động ngoại vi như những câu lạc bộ người hâm mộ hay “Đội tuyển tôi yêu” trên màn ảnh nhỏ K+.

Và cũng từ câu chuyện kinh doanh thời Asiad 2018, nhiều người muốn đặt lại vai trò và nhiệm vụ ngành thể thao du lịch, văn hóa thông tin trong việc phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, làm sao để nhân rộng niềm vui còn hiếm hoi trong đời sống kinh tế – xã hội .

Tối 27-8, đội tuyển Olympic Việt Nam đã khiến niềm vui của người dân dài thêm và câu chuyện mua bản quyền của VTC lại được nhắc đến như một cơ hội không nhiều đã được khai thác đúng mức. Lại thêm lần nữa cho thấy, nếu không quá đặt nặng chuyện kinh doanh, và nặng lòng hơn với người dân, thì đài truyền hình quốc gia đã có được một điểm son đáng nhớ.

Theo TBKTSG