Tăng khả năng thụ thai nhờ ứng dụng di động

0
718

Để tăng cường cơ hội thụ thai, ngày càng nhiều phụ nữ ở Mỹ nhờ cậy vào các thiết bị đeo theo dõi các chỉ số sinh lý, sau đó đọc kết quả phân tích qua một ứng dụng di động để biết họ đã sắp đến ngày rụng trứng hay chưa, theo tờ New York Times.

Thiết bị đeo và ứng dụng xác định thời gian dễ thụ thai

Chị Nicole Roberts ở North Stonington, bang Connecticut lập gia đình vào năm 2016 và nhanh chóng mang bầu nhưng chẳng may, sẩy thai ba tháng sau đó. Để có thai lần thứ hai, chị đã phải rất chật vật. Nicole, 32 tuổi, uống đủ loại vitamin, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên, kiểm tra rụng trứng và thậm chí làm theo một số lời khuyên lạ thường trên mạng Internet, chẳng hạn như đưa hai chân lên trời sau khi quan hệ và giữ nguyên vị thế đó trong nửa tiếng.

“Tất cả đều không có tác dụng. Khi nhiều tháng trôi qua, cảm giác tuyệt vọng dâng lên vì vợ chồng tôi quá muốn có con”, Nicole nói.

Thế rồi cô tình cờ đọc được một quảng cáo về một thiết bị đeo có tên gọi Ava, dùng để đeo ở cổ tay vào ban đêm. Thiết bị đeo này dùng cảm biến đo các chỉ số sinh lý của phụ nữ để xác định năm ngày dễ thụ thai nhất trong chu kỳ kinh nguyệt, giúp cải thiện khả năng thụ thai. Nicole bắt đầu sử dụng vòng đeo Ava vào tháng 3-2017 và có thai ba tháng sau đó, rồi sinh hạ bé Amelia vào tháng 3 năm nay. Nicole là một trong nhiều phụ nữ ở Mỹ đang tìm kiếm các ứng dụng và thiết bị đeo hỗ trợ tăng khả năng thụ thai như Ava.

“Tôi cứ nghĩ chỉ cần quan hệ không có biện pháp bảo vệ, tôi sẽ có thai”, Kate Campbell, một phụ nữ 32 tuổi ở Nashville, bang Tennessee, nói. Cô đo thân nhiệt và kiểm tra rụng trứng bằng que thử rụng trứng hai lần mỗi ngày để xác định thời điểm có khả năng thụ thai cao, nhưng không thành công.

“Tôi không còn lạc quan nữa. Tôi thực sự sốc. Làm sao mọi người có thể có thai bất ngờ được nhỉ?”, Campbell nói.
Sau khi sử dụng vòng đeo tay Ava hồi tháng 4-2017, cô phát hiện ra rằng cô đã tính toán sai ngày rụng trứng khoảng một tuần vì chu kỳ kinh nguyệt của cô dài hơn mức bình thường và các ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt thông thường không phát hiện ra điều này. Đến tháng 8-2017, cô có thai và con trai cô chào đời hồi tháng 4-2018.

Vòng đeo tay Ava thu thập dữ liệu dựa trên chín thông số bao gồm nhiệt độ da, nhịp tim lúc nghỉ ngơi, nhịp thở, chuyển động giấc ngủ và mức căng thẳng khi phụ nữ ngủ… Một khi vòng Ava được kết nối với ứng dụng di động của người mang nó vào buổi sáng, thuật toán độc quyền của Ava có thể xác định 5,3 ngày dễ  thụ thai nhất trong chu kỳ kinh nguyệt, chính xác ở mức 89%.

Bằng cách đo nhiệt độ làn da và các thông số khác, Ava có thể theo dõi những thay đổi trong lượng nội tiết tố nữ progesterone và estradiol, giúp xác định trứng đã rụng hay chưa.

Nở rộ ứng dụng theo dõi ngày rụng trứng

Sử dụng vòng đeo Ava đã giúp Nicole Roberts nhanh chóng mang thai và sinh hạ con gái Amelia. Ảnh: NY Times

Lối sống bận rộn khiến các cặp vợ chồng ở Mỹ khó có thời gian rảnh để theo dõi kỹ chu kỳ kinh nguyệt, thử rụng trứng và đo thân nhiệt hàng ngày nhằm chọn thời điểm gần gũi có khả năng thụ thai cao. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ trẻ, tập trung cho sự nghiệp, trì hoãn kế hoạch hôn nhân và sinh con mãi cho đến lúc lớn tuổi, khiến khả năng thụ thai của họ càng khó hơn.

“Một phụ nữ 28 tuổi sản sinh khoảng 10/12 trứng có khả năng thụ thai mỗi năm. Ở phụ nữ 38 tuổi, chỉ khoảng 2/12 trứng có khả năng thụ thai. Vậy nên xác định ngày sắp rụng trứng ngày càng trở nên quan trọng”, Lea von Bidder, người đồng sáng lập kiêm chủ tịch Ava nói.

Thực tế trên mở ra một thị trường sôi động cho các thiết bị đeo kèm ứng dụng như Ava. Von Bidder cho biết kể từ khi tung ra thị trường vào năm 2016, 10.000 khách hàng của Ava đã có thai. Bidder dự báo doanh số vòng Ava dự kiến tăng gấp ba lần trong năm nay.

Tuy nhiên, Ava không phải sử dụng cho tất cả mọi người mà chỉ đối với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 24-35 ngày. Nó không có tác dụng đối với phụ nữ mặc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Ava cũng vấp phải sự cạnh tranh từ nhiểu đối thủ khác. Một một số ứng dụng miễn phí như Glow, Clue, Period Tracker Lite và Flo có thể giúp phụ nữ xác định thời gian dễ thụ thai nhất bằng cách nhập các dữ liệu về chu kỳ kinh nguyệt vào ứng dụng này để xem kết quả phân tích.

Cũng có nhiều thiết bị giám sát ngày rụng trứng khác như nhiệt kế theo dõi nhiệt độ nền cơ thể Wink và Daysy. Người dùng đặt nhiệt kế này vào dưới lưỡi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau đó, lấy nó ra và kết nối với smartphone để ứng dụng phân tích nhiệt độ nền cơ thể. Nếu biểu đồ nhiệt trên ứng dụng sẽ hiện lên màu đỏ, có nghĩa là nhiệt độ nền cơ thể tăng cao hơn bình thường và có khả năng cao trứng đã rụng.

Một thiết bị khác tên gọi OvuSense được đặt bên trong vùng kín của phụ nữ để do nhiệt độ và các yếu tố khác. Các chỉ số mà nó đo được có độ chính xác cao hơn những thiết bị đeo bên ngoài cơ thể phụ nữ. Thậm chí, nó có thể dự báo ngày rụng trứng của những phụ nữ mắc hội chứng PCOS.

Tuy nhiên, không có thiết bị nào giám sát tất cả 9 thông số mà vòng đeo Ava giám sát. “Vì chúng tôi đo nhiều thông số sinh lý học chứ không chỉ nhiệt độ cơ thể, chúng tôi có thể phát hiện khung thời gian dễ thụ thai sớm hơn với độ chính xác cao”, Von Bidder nói.

Một lợi thế lớn của Ava là nó được thảo luận sôi nổi trên các nhóm Facebook, nơi 25.000 người dùng Ava đặt những câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và động viên lẫn nhau. Mặc dù giá của vòng Ava khá đắt, 249 đô la Mỹ/vòng, nó vẫn rẻ hơn nhiều so với việc tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay uống thuốc kích rụng trứng.

Tuy vậy, cũng có nhiều người nghi ngờ Ava. Trên mạng xã hội Reddit, một số người chất vấn tính hiệu quả của Ava vì thiết bị này chỉ được thử nghiệm trên 41 phụ nữ trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Một số chuyên gia nói rằng chưa có ứng dụng và thiết bị hỗ trợ thụ thai nào có dữ liệu đã được chứng minh cho thấy chúng giúp rút ngắn thời gian đáng kể để giúp một phụ nữ mang thai.

Theo TBKTSG