Khi miền Trung đổi khẩu vị bằng món “kim chi”

0
658

Các dịch vụ từ ăn uống, mua sắm đến tham quan và lưu trú tại các địa phương du lịch ở dải đất miền Trung có sự thay đổi lớn nhằm phục vụ khách du lịch Hàn Quốc tăng cao trong thời gian gần đây.

Khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam nói chung và các địa phương miền Trung nói riêng như Đà Nẵng, Hội An hay Huế đã có sự tăng trưởng đột biến trong ba năm gần đây. Năm 2016, Việt Nam thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Hàn Quốc là hơn 1,5 triệu lượt (tăng so với 1 triệu lượt của năm 2015). Qua năm 2017, số lượng khách du lịch Hàn Quốc vọt lên 2,4 triệu trong tổng số 13 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Con số sáu tháng đầu năm nay thậm chí còn ấn tượng hơn: cao hơn cả năm 2016 với trên 1,7 triệu lượt.

Không chỉ Đà Nẵng…

Sự tăng trưởng đột biến của khách Hàn Quốc phần lớn nhờ đóng góp từ Đà Nẵng. Nếu như đầu năm 2017 chỉ có ba đường bay thường kỳ và một đường bay charter (thuê chuyến) với tổng số 72 chuyến/tuần từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng thì đến tháng 6 năm nay có 9 hãng hàng không vận hành đường bay kết nối Đà Nẵng với các địa phương của Hàn Quốc gồm Seoul, Busan, Incheon và Daegu với tần suất 170 chuyến/tuần. Về số lượng khách, nếu như năm 2016 Đà Nẵng đón gần 451.000 lượt khách Hàn Quốc, tăng 107,6% so với năm 2015, chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế của thành phố, thì năm 2017 vừa qua, lượng khách Hàn Quốc dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng với 930.000 lượt khách. Trong sáu tháng đầu năm nay, đã có 800.000 khách Hàn Quốc trong số 1,6 triệu lượt khách quốc tế đến thành phố này.

Đi cùng với thực tế nêu trên, các dịch vụ từ ăn uống, mua sắm đến tham quan và lưu trú đều có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách đến từ xứ sở kim chi – những người có thể chi tiêu lên đến 400 đô la Mỹ cho tour 4-5 ngày, theo ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Việt Đà Travel. Ông Lộc cho biết, khách Hàn Quốc thích nghỉ dưỡng và sử dụng những sản phẩm, dịch vụ vừa có tính giải trí, vừa nâng cao sức khỏe, và đặc biệt thích chơi những môn thể thao cao cấp như đánh golf, tennis.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, cũng đồng tình rằng khách Hàn Quốc chú trọng tới việc nghỉ dưỡng và thăm thú phong cảnh. “Họ đến Đà Nẵng thường là gia đình hoặc các đoàn khách nhỏ dưới 200 khách. Bên cạnh thưởng thức ẩm thực địa phương thì họ luôn cần có một số món Hàn Quốc trong bữa sáng và hàng ngày”, ông Quỳnh nói. Lượng tăng trưởng khách du lịch từ vùng Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, đã giúp nhiều khách sạn 4-5 sao có tỷ lệ kín phòng trung bình hàng tháng trên 90%. Ông cho biết thêm, Furama Đà Nẵng đã tuyển dụng một phó giám đốc là người Hàn Quốc và cả nhân viên chăm sóc khách hàng biết nói tiếng Hàn. Bên cạnh đó, resort này còn bổ sung các món ăn Hàn Quốc vào bữa sáng và trong thực đơn hàng ngày.

Không chỉ Furama mà hiện nay hầu như 22 khách sạn 5 sao, 45 khách sạn 4 sao, cùng hàng trăm khách sạn 1-3 sao khác tại Đà Nẵng đang có thay đổi trong cách phục vụ, ẩm thực nhằm đáp ứng các vị khách đến từ xứ sở kim chi. Thành phố này thậm chí còn mọc lên những con phố Hàn Quốc. Khu vực xung quanh chợ Hàn là những cửa hàng tiện lợi, quán cà phê phục vụ khách Hàn Quốc. Trên con đường ven biển, cạnh các khách sạn, khu nghỉ dưỡng là những nhà hàng Hàn Quốc sang trọng.

…Mà nhiều địa phương miền Trung hưởng lợi

Bên cạnh đó, có thể nói, khi rất đông khách du lịch Hàn Quốc đến Đà Nẵng thì các địa phương lân cận như Huế hay Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng được hưởng lợi. Hiện nay, miền Trung (ngoại trừ Khánh Hòa) chỉ có Đà Nẵng là có các đường bay quốc tế đưa khách từ Hàn Quốc sang. Hơn nữa, theo các công ty lữ hành, khách du lịch Hàn Quốc thường đi theo nhóm hoặc gia đình, thích nghỉ dưỡng và ở khoảng một tuần. Trong đó, một nửa thời gian họ ở Đà Nẵng và một nửa thời gian còn lại là ở Quảng Nam hoặc Huế và Bình Định.

Các khu nghỉ dưỡng tại Quảng Nam, đặc biệt là Hội An, lâu nay nổi tiếng là thiên đường của các vị khách đến từ châu Âu vì sự yên bình và phong cảnh đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, địa phương sát bên Đà Nẵng này đã đón thêm các vị khách đến từ Hàn Quốc, mặc dù với số lượng không nhiều nhưng cũng giúp các cơ sở lưu trú tăng thêm nguồn thu và đa dạng hóa nguồn khách.

Palm Garden Resort tại Hội An được biết đến là một trong những resort phục vụ nhiều khách châu Âu nhất hiện nay với tỷ lệ lên đến 80%. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, doanh số từ khách Hàn Quốc tại resort 5 sao này tăng lên khoảng 7%.

Ông Trương Minh Toàn, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Palm Garden Resort, cho biết tăng trưởng của Palm Garden Resort 7-11% mỗi năm đến từ các nguồn khách khác nhau, nhưng chủ yếu là khách châu Âu, Úc, Mỹ… vì Hội An là điểm đến yêu thích của phân khúc khách hàng này. Tuy nhiên, khách Hàn Quốc cũng là nguồn khách tác động tăng trưởng cho cả Hội An cũng như Palm Garden Resort, vì thế, để đem lại chất lượng dịch vụ hoàn hảo hơn, resort này đã xây dựng hệ thống thông tin bằng tiếng Hàn, nhân viên nói tiếng Hàn…

Còn theo đại diện của Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, Hàn Quốc được đánh giá là dòng khách hạng sang, chi tiêu lớn trong mỗi chuyến đi. Hầu hết, khách Hàn Quốc đến Huế đều lưu trú ở khách sạn từ 4-5 sao. Bên cạnh đó, trước xu hướng ngày càng có nhiều khách du lịch Hàn Quốc đến Huế (chiếm 30% lượt khách quốc tế), nhiều cơ sở lưu trú và khu phức hợp nghỉ dưỡng ra đời hoặc được nâng cấp với những dịch vụ thiên về thiền và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh quảng bá tour du lịch “Huế – một điểm đến 5 di sản” để thu hút khách, ngành du lịch Huế còn tổ chức chương trình “Âm sắc Hoàng cung”, cùng với lễ đổi gác tại Ngọ Môn, tạo điểm nhấn cho khách du lịch tham quan, nhằm kéo khách lưu trú qua đêm.

Thu hút khách Hàn Quốc bền vững

Theo những người trong ngành, vẫn còn nhiều dư địa để Đà Nẵng và các địa phương miền Trung phát triển du lịch từ nguồn khách đến từ vùng Đông Bắc Á này. Vấn đề là ngành du lịch các địa phương cần tìm hướng đi để thu hút khách bền vững, chứ không để tình trạng “khách đến một thời gian sẽ đi đến thị trường khác”.

Ông Quỳnh nghĩ đến một thị trường mới của Hàn Quốc mà Đà Nẵng và các địa phương miền Trung nên khai thác. Đó là mảng du lịch kết hợp hội họp (MICE). Đà Nẵng hiện đã có văn phòng đại diện tại Hàn Quốc. Vì vậy việc xây dựng một chương trình quảng bá du lịch MICE như tổ chức nhiều roadshow tại các thành phố ở Hàn Quốc, mời các đoàn famtrip, trao đổi văn hóa và ẩm thực với Hàn Quốc… sẽ đem lại hiệu quả cao.

“Riêng tại Furama, chúng tôi đang cân nhắc mở văn phòng đại diện tại Seoul đồng thời lập kế hoạch tổ chức các chương trình giới thiệu hai trung tâm hội nghị quốc tế Ariyana và Palace Đà Nẵng [có cùng công ty quản lý với Furama Resort] tại thủ đô của Hàn Quốc vào cuối năm nay để thu hút thêm thị phần mới của thị trường này – hội nghị, hội thảo và các đoàn khách doanh nghiệp nghỉ dưỡng”, ông Quỳnh nói. Theo ông, đây là một thị trường mang lại lợi nhuận cao hơn và cũng là cách quảng bá du lịch không tốn tiền khi khách tham dự hội nghị có thể quảng bá sau khi họ về nước. “Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục giữ vững chiến lược nhân sự, ẩm thực, văn hóa đón tiếp khách Hàn để khách hài lòng với chuyến đi tới Đà Nẵng”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Ông Toàn thì cho rằng điểm đến miền Trung với các địa phương có lợi thế về biển vẫn là điểm đến hấp dẫn cho khách Hàn Quốc trong vòng 5-7 năm tới. Theo ông, để thu hút những vị khách này bền vững hơn thì cần đa dạng hóa các dịch vụ tại chỗ, phát triển đội ngũ nhân viên nói tiếng Hàn và tập trung các hoạt động xúc tiến bán hàng tại Hàn Quốc.

Có một chi tiết mà những người làm du lịch tại các địa phương ven biển miền Trung chú ý là ngày càng nhiều khách Hàn Quốc chọn các điểm đến mới lân cận thay vì Trung Quốc.

Theo Saigontimes