Hội chứng burn out ám ảnh dân văn phòng: Bí bách, cô đơn, mắc kẹt trong một chiếc hộp tối đen mà không có cách nào thoát ra được

0
729

Đại học Y hôm thứ ba vừa rồi đã kêu gọi thêm nhân sự để tập trung nghiên cứu về hội chứng burn out chốn công sở, một khái niệm mờ nhạt chưa hẳn được công nhận là một căn bệnh. Nhưng hiện tại, hội chứng này đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh, nhất là đối với giới công nhân viên chức.

5 năm trước, John, một nhân viên bán hàng đã mắc phải hội chứng này. Đến bây giờ, ngày hôm ấy vẫn rõ mồn một trong tâm trí anh.

Một ngày tháng 1 năm 2013. Trong một buổi họp với giám đốc, xung quanh là các đồng nghiệp.

Đột nhiên, John ngã vật xuống sàn. Không ai hiểu chuyện gì xảy ra, tất cả đều bàng hoàng. John nằm đấy, trên sàn nhà, tay chân run rẩy, một biểu hiện không biết là do chuột rút hay bệnh động kinh. Cũng không ai dám lại gần.

Thực ra, đó là biểu hiện của hội chứng burn out.

John vẫn còn trẻ. Khi ấy, anh chỉ mới 25 tuổi, là một nhân viên bán hàng bình thường thuộc một công ty quản lý khoảng 20 người. John làm việc quần quật ngày đêm, không ngưng nghỉ. Vài tháng trước đó, gia đình nhỏ của anh đã chào đón đứa con đầu lòng chào đời. Vì thế, khối lượng lớn công việc, doanh số, áp lực cuộc sống cùng một lúc ập đến đè lên lưng của John khiến anh oằn mình và nặng nề.

Ngày hôm ấy, John ngã xuống mà toàn thân co giật, đầu óc rối bời, lòng có pha chút xấu hổ, nhưng gắng mãi mà không biết đứng dậy làm sao dưới ánh mắt tò mò của mọi người…

Sau đó, John được yêu cầu nghỉ làm 8 tháng để điều trị bệnh. Theo lời khuyên, anh đến viện để chụp MRI, quét cơ thể, và được khuyên dùng các loại thuốc chống stress, chống trầm cảm, chống động kinh khác. Một thời gian dài chỉ ở nhà khiến John buồn chán nên anh đã quyết định quay trở lại công việc.

Hội chứng burn out ám ảnh dân văn phòng: Bí bách, cô đơn, mắc kẹt trong một chiếc hộp tối đen mà không có cách nào thoát ra được - Ảnh 1.

Nhưng đáng tiếc, quay trở lại công việc chưa bao lâu thì John lại tiếp tục gặp một cơn khủng hoảng mới. Sau cơn burn out khiến anh co giật trước mắt mọi người, anh nghĩ rằng mình không thể làm việc ở đây được nữa.

“Thật khủng khiếp“, anh thở dài mà buồn rười rượi. Vì bởi, mọi người, những người chưa hiểu chuyện xung quanh anh, đều có ý lảng tránh anh, sợ sệt anh.

“Trong mắt họ, có vẻ tôi là một kẻ mang bệnh dại. Họ khiến tôi cảm thấy một mình mình đang chống chọi lại với thế giới”. Thậm chí, những người đồng nghiệp thân thiết cũng khiến anh cảm thấy bị bỏ rơi.

“Những loại thuốc về thần kinh tôi đang dùng, một số loại khiến tôi cực kì mệt mỏi, có thể khiến tôi trông béo ra vì phù nề hoặc có thể khiến tính cách tôi đôi chút thay đổi. Vì vậy, nghỉ ngơi vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu.”

Anh nhớ lại một kì nghỉ gia đình với vài người bạn. “Mỗi ngày, tôi đều dành 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi để ngủ trưa. Điều đó tất nhiên là cần thiết rồi, đặc biệt với người đã trải qua căn bệnh kia. Nhưng đám bạn tôi không hiểu, họ nói bóng nói gió rằng tôi là một thằng đàn ông tồi và lười biếng, chỉ có ăn với ngủ. 

Burn out có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, và tình trạng cơ thể của tôi bây giờ khá tệ. Tôi không mong muốn ai sẽ mắc hội chứng này cả. Căn bệnh này không dễ dàng phát hiện như cảm cúm hay sốt, thật đấy.”

Hội chứng burn out ám ảnh dân văn phòng: Bí bách, cô đơn, mắc kẹt trong một chiếc hộp tối đen mà không có cách nào thoát ra được - Ảnh 2.

Từ sau ngày hôm ấy, John bắt đầu để ý hơn về các thói quen sinh hoạt của mình, so sánh với những thói quen trước đây rồi tìm hiểu cả các tài liệu bệnh lý. “Luôn luôn có những dấu hiệu cảnh báo nhưng nhiều người không biết hoặc chủ quan bỏ qua vì nghĩ nó bình thường. Đầu tiên, hãy xem xét môi trường làm việc của bạn, mối quan hệ với đồng nghiệp của bạn có tốt hay không, mức độ ảnh hưởng đến bạn ra sao. 

Áp lực có từng cấp độ. Nhưng áp lực cũng đến từ tính cách của bạn, đặc biệt trong việc bạn đặt mục tiêu sự nghiệp ra sao. Những người cầu toàn hay những người tỉ mỉ thường là những người dễ tổn thương nhất, bởi một khi đặt mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ không thể lùi lại, dần dần, công việc len lỏi từng ngóc ngách trong cuộc sống của bạn khiến bạn lênh đênh trong những deadline.”  

Đến bây giờ, John vẫn chưa thoải mái lắm khi chia sẻ về căn bệnh của mình. “Một trong những biểu hiện tồi tệ mà bạn sẽ phải trải qua là bạn cảm thấy mình bị bỏ rơi, mất kết nối với người thân, bạn bè. Rồi sẽ có những khi bạn cảm thấy không hài lòng với tình hình công việc hiện nay của mình, mục tiêu công việc không đạt được, cấp trên không công nhận những cố gắng cá nhân. Bạn sẽ thấy mình vô dụng rồi lại phát điên vì thấy không công bằng. 

Chẳng mấy ai nhận ra đây là những biểu hiện đầu tiên còn mờ nhạt của burn out cả. Nhưng nhanh chóng, công việc sẽ xâm chiếm đến cuộc sống cá nhân, một cách lặng lẽ và từ từ. Vì bạn muốn được mọi người nhìn nhận mình là một người có khả năng, bạn đặt ra mục tiêu để cố gắng. 

Bạn lập ra cả một danh sách dài những công việc cần làm sau khi thức dậy trước khi đi ngủ, rồi 3h sáng chập chờn nghĩ về những cuộc hẹn sắp tới, cuối tuần lại lao đầu vào xử lí đống tài liệu chưa kịp đọc, tranh thủ nghĩ về các đề tài sắp tới và nhận các cuộc gọi đến không ngừng nghỉ trong kì nghỉ dưỡng. Rồi cứ thế, mệt mỏi, căng thẳng tích tụ, chất đống, đợi ngày mọi thứ bùng nổ.”

Hội chứng burn out ám ảnh dân văn phòng: Bí bách, cô đơn, mắc kẹt trong một chiếc hộp tối đen mà không có cách nào thoát ra được - Ảnh 3.

John đã trải qua một chặng đường dài. Cuối cùng, anh đã trở lại làm việc với một phong thái ổn định nhất, bình tĩnh nhất. Hiện, anh và vợ đang nuôi 4 đứa con. “Tôi không thể phủ nhận sự hỗ trợ đặc biệt từ gia đình và cuộc sống riêng của tôi cho đến bây giờ. Mỗi buổi tối, khi đi làm về, tôi đều cố gắng tận hưởng cuộc sống, thở từng nhịp từng nhịp. Tôi đang cố gắng từng ngày sống thật tốt. Nhưng đôi khi vẫn có những suy nghĩ không được tốt cho lắm.” 

1, 2 tuần trước, anh lại gặp một cuộc khủng hoảng khác vì phải ôm quá nhiều việc. Nhịp độ công việc của anh không thay đổi nhiều cho lắm.

“Vấn đề vẫn còn đó. Áp lực vẫn còn đó. Tôi vẫn làm công việc đó, giống như tôi bị bỏ vào trong một cái hộp tối đen. Tôi cũng khẳng định nhiều nhân viên cũng luẩn quẩn trong cái hộp đó mà không thể thoát ra. Nếu ví tôi là một diễn viên xiếc thì có lẽ tôi là diễn viên dở nhất vì đứng chênh vênh trên đoạn giữa dây thừng mà không biết bước đi tiếp làm sao. 

Mỗi khi tôi cảm nhận mình sẽ lâm lại vào tình trạng ấy, bác sĩ lại khuyên tôi nghỉ vài ngày, nhưng tôi cố chấp không làm. Tôi cảm thấy mình bị mắc kẹt… Nhưng tôi biết giải thích như thế nào với cấp trên khi tôi cứ nghỉ nhiều như thế? Người nào hiểu thì không sao, còn không họ sẽ nghĩ tôi là một kẻ lười biếng, tồi tệ…”

Cuộc nói chuyện của chúng tôi kết thúc, John vẫn đang ở trong xe ô tô của anh ấy để trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi.

“Tôi luôn tự hứa sẽ làm cho bản thân tốt hơn, khỏe hơn, nhưng có thể chỉ đến thế thôi.”  

Sinh Hồng

Theo Trí Thức Trẻ/LCI