Bức tranh đầu tư thương mại điện tử Việt năm 2018

0
869

Theo báo cáo của Google và Temasek, chỉ số (CAGR) của thị trường thương mại điện tử Việt đạt mức 33%, nằm trong top các nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á.

Không chỉ hấp dẫn trong các con số dự báo, Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Năm 2017 vừa qua là một năm đầy khởi sắc với thương mại điện tử Việt với các thương vụ lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tìm hiểu kĩ hơn về bức tranh đầu tư trong ngành thương mại điện tử, iPrice đã phối hợp với Cento Ventures nghiên cứu dữ liệu đầu tư của các doanh nghiệp thương mại điện tử nổi bật ở Việt Nam.

Các ông lớn đầu tư nhiều nhất vào thương mại điện tử Việt

Danh sách các nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất vào các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt
Danh sách các nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất vào các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt bao gồm Alibaba, Tencent, Temasek Holdings, Dragon Capital và Cyber Agent Ventures và IDG Ventures Vietnam.

Nếu như IDG Ventures Vietnam và Dragon Capital những nhà đầu tư đã từng có nhiều thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam từ những năm 2000.

Alibaba, Tencent, Temasek mới bắt đầu rót vốn vào những năm gần đây nhưng mục tiêu của các đại gia này đều là các doanh nghiệp thương mại điện tử có tiếng tăm tại Việt Nam.

Vào đầu năm 2017, nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc JD.com đã đầu tư vào công ty thương mại điện tử Tiki.vn tại Việt Nam. Cùng rót vốn lần này với JD là đại gia công nghệ VNG. Đứng đằng sau JD.com là gã khổng lồ Tencent, công ty công nghệ lớn nhất Châu Á theo vốn hóa thị trường. Theo tạp chí Forbes, Tencent cũng có cổ phần trong tập đoàn VNG với việc đầu tư 500.000 USD trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2011.

Lazada được hậu thuẫn bởi cả 2 đại gia lớn trong khu vực châu Á là ông trùm thương mại điện tử Alibaba và Temasek – quỹ đầu tư trực thuộc chính phủ Singapore.

Năm 2014, Lazada công bố đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu Euro từ Temasek Holdings. Năm 2017, Alibaba tiếp tục chi mạnh tay vào Lazada với khoản đầu tư 2 tỷ USD. Điều này giúp Alibaba sở hữu tới 83% cổ phần của công ty thương mại điện tử này.

Lazada không phải là thương vụ duy nhất được Temasek đầu tư. Thông qua hình thức ủy thác cho Dragon Capital, Temasek còn góp vốn vào tập đoàn FPT,tập đoàn công nghệ Internet sở hữu hai website thương mại điện tử top đầu Việt Nam là Sendo và FPT Shop.

Các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào thị trường thương mại điện tử Việt

Danh sách các quốc gia có nhiều nhà đầu tư vào thương mại điện tử Việt gồm có Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.
Danh sách các quốc gia có nhiều nhà đầu tư vào thương mại điện tử Việt gồm có Nhật, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.

Điều này thể hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang là một mảnh đất tiềm năng với các nhà đầu tư đến từ khu vực và trên thế giới.

Với 6 nhà đầu tư rót vốn vào các công ty thương mại điện tử khác nhau ở Việt Nam, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất vào thương mại điện tử Việt. Đây hoàn toàn không phải là con số ngẫu nhiên. Theo thống kê của Phòng Xúc Tiến Thương Mại và Đầu Tư Hàn Quốc (KOTRA), Nhật Bản là quốc gia rót nhiều nhất vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 12 năm 2017.

Đức và Mỹ là hai quốc gia ngoài châu Á tích cực đầu tư vào thị trường thương mại điện tử Việt. Năm 2012, intel Capital công bố khoản đầu tư 17 triệu đô vào hai công ty Đông Nam Á, trong đó có VC Corp của Việt Nam. VC Corp được biết là công ty mẹ của hàng loạt website thương mại điện tử Việt như Én Bạc, Mua Chung, Mua Rẻ, Rồng Bay.

Mặc dù thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ nước ngoài nhưng các công ty thương mại điện tử Việt cũng nhận được nhiều nguồn góp vốn từ các quỹ đầu tư trong nước. Trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp Internet, hầu hết các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam chủ yếu nhận được vốn từ các quỹ ngoại thành lập tại Việt Nam như IDG Ventures Vietnam, Dragon Capitals. Giai đoạn bùng nổ của Internet, danh sách các nhà đầu tư vào thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng với việc gia nhập của các tập đoàn lớn như Thế Giới Di Động, VNG, Vin Group, FPT Group.

* Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của iPrice *

Nguồn: Brands Việt Nam