Nhớ miền tây…

0
717

Tối qua Sài Gòn không mưa nữa. Mùa mưa xứ này hình như vậy là ngưng. Ngắn ngủi và hụt hẫng, như những giây phút hạnh phúc của một cuộc tình vừa chớm. Dẫu chẳng còn xa lạ với những mùa mưa như thế, ấy vậy mà vẫn cứ chơi vơi và chờ đợi tiếng mưa thả mình vào nền gạch nơi ban công nóng rẫy… Và, tự dưng muốn nghe một bài ca cổ, thèm đến da diết!..


Có lẽ, với một kẻ tha hương, hay đúng hơn là một kẻ đã chẳng còn nhiều ký ức về nơi mình sinh ra thì lại dễ có những nỗi tình tang với nhiều vùng đất đến vậy. Mình thích Hà Nội, nơi mà nhịp sống dường như cứ trôi đi len lén, bình lặng sau những ngõ nhỏ, phố nhỏ, những gánh hàng quê được các mẹ các bà quảy đi khắp ngóc ngách. Có thể là cụ bà bán hột vịt lộn với mớ rau thơm lừng kèm chút gừng thái chỉ cay xè vào mỗi sáng sớm. Là những chiếc xe đạp được chất đầy họa mi, loa kèn hay cẩm chướng, thược dược,… tùy theo mùa mà bung sắc ngọt ngào trên phố. Là những hàng ăn nhỏ xíu, người chen chúc người và tiếng chủ quán bao giờ cũng to nhất, đôi khi hơi chua ngoa trong thoáng bực dọc rất riêng của miền Bắc. Là những quán bar, pub be bé luôn đông khách Tây lẫn Ta vào những tối cuối tuần, dẫu đến đứng còn chật chội nhưng ai cũng nở nụ cười đầy thoải mái. Là những phút hiếm hoi thả bước một mình quanh bờ hồ khi xung quanh đã thôi những tiếng ồn ã… Đến Hà Nội, một cách rất tự nhiên, cảm xúc bỗng dưng chậm lại, cứ muốn ở mãi trong cái không gian trầm lặng và xữ cũ ấy…


Nhưng chưa bao giờ mình hết yêu Sài Gòn, dù là trong lúc đang tan mình vào Hà Nội!
Miền Tây lại khác. Nắng nóng như tát vào cơn mộng mị của kẻ lang thang. Để rồi khi chợt bừng tỉnh, người ta lại nhận được những chân tình mộc mạc và gần gũi, phóng khoáng và hết mình như chính tính cách của ngời dân bản địa. Muốn biết một miền Tây đẹp và hiếu khách đến thế nào thì hãy nên đi sâu vào vùng quê sông nước. Nơi mà có khi nhìn mỏi mắt trong nhà chỉ thấy mỗi cái ti vi đời cũ là thứ có giá trị nhất! Nước sinh hoạt bao gồm cả nấu nướng, tắm giặt được múc lên từ con mương bên nhà. Gần đây, người dân mới có thêm thuốc vi sinh gì đó để nước lắng lại cho bớt phèn còn lúc trước thì vẫn cứ vừa tắm dầu gội, vừa nghe thoang thoảng mùi bùn.

Ấy vậy mà khi có khách đến, thùng phuy lúc nào cũng đầy ắp nước đã trong, đồ ăn luôn là những thức ngon nhất, được chế biến cẩn thận và tươm tất nhất! Dì luôn hỏi thăm “ăn vừa miệng không mấy đứa, có ngọt quá nói dì bớt đường lại nghe hôn”. Rồi cứ vậy vừa ngồi bên coi chừng tiếp món, vừa hỏi thăm từng đứa một, thi thoảng lại dặn dò vài điều gì đó mà dì chợt nhớ ra khi mấy đứa nhỏ hỏi đường, hỏi chỗ đi chơi… Khuya, sợ sắp nhỏ bị muỗi cắn, dì trở dậy mấy bận đặng đốt thêm nhang mũi, kéo mền thêm cho mấy đứa thẳng giấc đạp bung beng. Đến sáng ra, đứa khó ngủ dậy sớm nhất bước ra đã thấy dì ngồi đó canh lửa nấu ăn sáng. Đơn giản vậy mà nó ngồi lặng lẽ nhìn dì rồi giấu nước mắt ngược vô trong. Sao mà giống mẹ mình thương mình quá xá…


Miền Tây, đã tới thì phải bơi ghe, nhảy mương thì mới thú. Nếu trong vườn trái cây thường hay bị hơi ẩm làm khó chịu thì lúc ngồi trên ghe lại mát mẻ và an yên đến lạ kì. Gió từ dưới sông lên lúc hiu hiu nhè nhẹ khi bạt cả tiếng người; mùi bùn, mùi khói từ xa xa đưa lại khi dìu dịu khai khái lúc nồng đượm gắt gao; tiếng chào nhau của cậu ba dì bảy, tiếng cười giòn của đám con nít trên bờ,… âm thanh khi yên khi tỏ mà gần gũi, thân thương ấy khiến con người ta tự nhiên vậy mà cười riết với mọi thứ, và với chính mình! Nhưng có lẽ đã nhất là khi đêm xuống. Trời sụt sùi nổi mưa, gió hạnh họe léo nhéo với đám cây trong vườn. Tiếng ếch nhái, ễnh ương bắt đầu nổi lên trong dàn đồng ca sông nước.

Bác ba kế bên ôm cây đờn cò qua ca cho tụi nhỏ. Cuộc nhậu gầy lên với mồi là dĩa lòng tong lúc chiều ăn cơm chừa lại, mớ khô dì ba nướng lén tự hồi nào mà chẳng đứa nào trong nhóm biết để phụ và chai đế kế bên. Bác ba dáng người nhỏ xíu kéo những bản mà có lẽ bây giờ tụi trẻ ít đứa nào biết, ít đứa nào muốn nghe. Bằng cái giọng trầm đục, thi thoảng lại đứt hơi giữa chừng vì tuổi lớn, bác ca bác đờn như trút gan trút ruột. Mưa lây nhây, bốn phía lâm râm tiếng mưa, tiếng ếch, giọng bác như tan luôn trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu…

Mình mê cái không gian và khoảnh khắc đó đến nghẹn thở. Không, đừng nghĩ là nó thê lương và ảm đạm hay rầu đứt ruột như những cảnh phim mà mọi người đã từng coi trên truyền hình. Nó không phải là cảm giác đó. Nó cũng không u uất và buồn đến nao lòng bởi không tìm ra lối thoát cho những mảnh đời khổ cực, bất hạnh của ngày xưa. Không phải vậy! Nó là những gì gần gũi nhất, gan ruột nhất, bình dị và đời nhất mà người đời hôm nay ca về ngày hôm qua. Và, cũng có thể, nó là tổng hòa những cảm giác kia trộn lại, qua cái lăng kính của một kẻ tha hương để đời lang thang về những miền vô định…
Giọng Thanh Hằng một lần nữa lại vang lên trong căn trọ chật hẹp giữa phố thị Sài thành trong một đếm nhớ và thèm miền Tây như thế…

Hoàng Thanh