Tình yêu Thiên táng

0
772

 “Tôi có một mối tình đẹp tựa vầng trăng và ấm nồng như lửa” từ thuở thiếu thời cho tới mãi về sau này. Trải qua rất nhiều thăng trầm và phải thấy nhiều sự dối lừa và bạc bẽo, ngay cả khi của cả chính Người – yêu – tưởng – như – vĩnh – viễn của mình, thì niềm tin của tôi vào tình yêu chưa bao giờ hết. Tôi có thể không tin vào ai đấy, vào những ngọt nhạt, kể cả những phù phiếm tự thân, thì niềm tin vào một Tình yêu Vĩnh viễn trong tôi chưa bao giờ tàn úa.

Có phải vì đó là chuyện của mối tình đầu?

Hay bởi vì đã từng đốt cháy tất cả những cuồng si và tuyệt vọng, nên tôi luôn nghĩ rằng tình yêu ấy là cực kỳ lớn lao trong tôi? Một niềm tin bất biến suốt 15 năm qua.

 “Nếu anh không có chỗ nào để đi, anh sẽ tan biến vào không khí và ở bên em trong từng hơi thở của em”.

Thốt nhiên, tôi thấy tình yêu của mình đã ngỡ như vĩ đại lắm, hóa ra chỉ nhỏ tẹo, có thể vì tôi chưa chết nên khi thấy những mối tình đi qua cả sự sống và cái chết, của Thư Văn với Khả Quân, của nữ tộc trưởng Zhuoma với chàng người hầu chăn ngựa Thiên An Môn… khiến cho tôi nhận ra rằng, hóa ra, cái mà tôi tin đến mức như là một đức tin cứu rỗi cảm giác hoặc hủy diệt giác quan mình trong suốt mười mấy năm qua, so với đức tin về nhau, về tình yêu, về sự đợi chờ và không ngừng kiếm tìm trong “Thiên táng”, bỗng chốc mới bé nhỏ làm sao.

Hành trình đi tìm chồng của Thư Văn cứ hút sâu vào Tây Tạng, đi qua hết chết chóc này tới mất mát khác, đi qua cả thanh xuân, đi qua cả sức lực. Chỉ có may mắn mới khiến cho Thư Văn hết lần này đến lần khác không bị giết chết.

 “Bà đã ở Tây Tạng trong bao lâu?”

“Hơn 30 năm”, bà khẽ nói.

“Ba mươi năm?”

… “Nhưng tại sao bà lại tới nơi đó?”. Tôi hỏi. “Vì cái gì?”

“Vì tình yêu”, bà trả lời giản dị.

“Vì tình yêu ư?”

Hân Nhiên kinh ngạc không tin được một người phụ nữ trẻ như Thư Văn lại dám rời khỏi Tô Châu để tới Tây Tạng, tìm chồng mình ngay khi nhận được giấy báo tử của chồng, bởi vì, Thư Văn tin rằng chồng cô chưa chết và cô không thể để Khả Quân trơ trọi một mình ở Tây Tạng mà không có cô.

Tây Tạng của 50 năm về trước không phải là Tây Tạng của bây giờ, Tây Tạng ngút ngàn, hẻo hút và rét mướt, triền miên trong những cuộc chiến và xung đột đẫm máu.

Thư Văn và sau này thêm cả Zhuoma trên hành trình đi tìm chồng, tìm người yêu của mình chỉ với chiếc la bàn duy nhất giữa Tây Tạng là niềm tin về nhau, là niềm tin mãnh liệt vào giác quan của mình.

Cuối cùng thì họ cũng tìm thấy nhau, là Zhuoma và Thiên An Môn.

Mà không thể chạm vào nhau.

Tôi không biết cảm giác của Zhuoma và Thiên An Môn sau mấy mươi năm lạc nhau, đi tìm nhau hết ngọn núi thiêng này đến ngọn núi thiêng khác, để rồi, khi tìm thấy nhau, mà không thể ào vào nhau, không thể ôm nhau, không thể hôn nhau, không thể nghe tiếng từng tế bào mình tan chảy trong nhau, bởi vì, khi ấy, Thiên An Môn đã trở thành một Lạt Ma, thì cảm giác của cả 2 như thế nào?

Tình yêu ấy, chưa một lần kịp cầm tay nhau, chưa một lần nói lời yêu thương… thì đã lạc nhau.

Để rồi tìm thấy nhau mà không thể chạm vào nhau được nữa.

Đọc đến đó, tôi thẫn thờ nhớ tới cảm giác mới vừa đây, ngày gặp lại Người yêu, mà giờ phải gọi là Người yêu cũ.

Nửa thập kỷ trôi qua, khóe mi đứa nào cũng rạn vỡ, vì thời gian, vì mòn mỏi, nhưng hình hài trong nhau vẫn vẹn nguyên như thuở nào, đến cả thói quen khi nói, khi cười, khi trêu chọc, cả ánh nhìn về nhau vẫn không khác đi, cả cảm giác khi nhìn thấy nhau vẫn không khác đi. Cảm giác thân thuộc như từ muôn kiếp trước, đến giờ vẫn thế.

Mà không thể ôm nhau được nữa, mà không thể hôn nhau được nữa, mà không thể nói nhớ nhau được nữa, mà không thể nói yêu nhau được nữa…

taytanghuyenbi

Trời không phụ lòng người, cả Thư Văn cuối cùng cũng tìm thấy Khả Quân, là một chúc thư chan chứa yêu thương và tràn đầy bao bọc của một người đàn ông dành cho người phụ nữ của cuộc đời mình.

Cơ thể của Khả Quân đã tan vào không trung của Tây Tạng, xương thịt của anh tan vào trong từng tiếng kêu xé của bầy kền kền rỉa thịt người. Tôi không còn thấy rùng mình ghê rợn về cảnh từng con kền kền lao xuống ăn xương, ăn thịt của người chết, chứ đừng nói là một người bị mang ra làm vật tế sống như Khả Quân, khúc bi tráng của cả cuốn “Thiên táng” trở nên quánh đặc và kính cẩn trước cái chết của một sứ giả.

Tôi không biết được cảm giác của Thư Văn khi tìm thấy những di vật của chồng mình và nghe kể về cái chết của chồng mình sau mấy mười năm đằng đẵng kiếm tìm như thế nào.

Tôi, cho dù đã từng chứng kiến những mất mát của người thân, nhưng không thể đủ để cảm nhận được cảm giác của con người khi rõng rã kiếm tìm nhau, để rồi, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu chờ đợi, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu khát khao, bao nhiêu tinh lực về nhau, chỉ còn đọng lại trên một trang giấy mỏng.

Mà người thì đã tan vào gió bụi, đến cả tro cốt về nhau cũng không còn được nữa.

… Tôi đã lên dự định cho việc đi Tây Tạng, đơn giản vì nghĩ Tây Tạng hoang sơ, Tây Tạng kỳ vĩ, Tây Tạng đẹp.

Nhưng giờ đây…

 … Gấp “Thiên táng” lại, mong ước lớn nhất của tôi lúc đó là lên kế hoạch cho chuyến đi Tây Tạng, tôi phải tới Thanh Hải, phải lên các đỉnh núi thiêng, phải tới L’hasa… cho dù Tây Tạng bây giờ có thể không còn là Tây Tạng mà Thư Văn đã từng sống suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua. Không phải đi để tìm người yêu như Thư Văn hay Zhuoma, bởi tôi luôn tin rằng, có nhiều thứ, chẳng phải hoài công mòn mắt kiếm tìm tận đâu đâu, nếu biết cảm nhận và biết nhận ra, có khi, nó ở ngay trước mắt, chỉ là, mình cho chính mình cơ hội hay không mà thôi.

Tôi muốn đến Tây Tạng, có lẽ vì muốn được chạm tay, chạm giác quan mình vào những cái khốc liệt mà 2 sứ giả Đức tin của tôi đã từng đi qua, giữa hư vô, con người trở nên bé nhỏ và cô độc hay mạnh mẽ hơn?

Mỵ Kiều