Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhà đầu tư vừa thả vừa kéo

0
545

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn điều chỉnh kể từ cuối quý IV/2017 đến nay, với hàng loạt cổ phiếu đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư tổ chức cũng như cổ đông nội bộ đã tranh thủ gom hàng trong giai đoạn vừa qua.

Gom mạnh

Tính từ mức cao trên 1.200 điểm, chỉ số VN-Index đã có lúc rớt về mức đáy tại 885 điểm, tức giảm hơn 26%, một dấu hiệu kỹ thuật cho thấy đã rơi vào thị trường con gấu. Trong quý II/2018 vừa qua, chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường sụt giảm mạnh nhất trên thế giới, xóa sạch thành quả tăng của 3 tháng đầu năm.

Dù vậy, trong những phiên từ giữa tháng 7 đến nay, xu hướng phục hồi dường như đang được thiết lập trở lại, với chỉ số VN-Index trên mốc 900 điểm. Trong đó, nhiều cổ phiếu đã phục hồi được 30 – 50% từ  mức sụt giảm mạnh trước đây. Đáng lưu ý là dù khối ngoại vẫn còn bán ròng nhưng đã chậm lại và đã có những phiên mua ròng, như phiên ngày 11/7 mua ròng 108 tỷ đồng, phiên 23/7 mua ròng 88 tỷ đồng, phiên 26/7 mua ròng hơn 51 tỷ đồng.

Một tín hiệu tích cực khác là tận dụng giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh vừa qua, nhiều tổ chức lẫn cổ đông cá nhân nội bộ đã gom hàng với số lượng khá lớn. Theo báo cáo mới đây, các quỹ do Dragon Capital quản lý đã mua vào gần 10 triệu cổ phiếu Đất Xanh (DXG), qua đó nâng sở hữu lên 65,36 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 19,03% và trở thành nhóm cổ đông ngoại lớn nhất tại doanh nghiệp này.

Thống kê cũng cho thấy bất động sản hiện đang là nhóm cổ phiếu được Dragon Capital ưa thích với các khoản đầu tư vào Đất Xanh, Vinhomes, Khang Điền, DIC Corp, Cenland, Hải Phát Invest, Viglacera. Theo đó, trong danh mục của Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ thành viên lớn nhất do Dragon Capital quản lý, cổ phiếu bất động sản đã vượt qua cổ phiếu ngân hàng để trở thành nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 28,22%. Riêng top 10 khoản đầu tư lớn nhất đã có 3 cái tên xuất hiện là Khang Điền (5,38%), Vinhomes (5,09%) và Đất Xanh (3,01%).

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng được các tổ chức mua vào mạnh mẽ gần đây là cổ phiếu Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng DIG. Cụ thể, Công ty chứng khoán Bản Việt ngày 26/7 đã mua 11 triệu cổ phần DIG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 22,2 triệu cổ phiếu, tương đương 9,3% vốn điều lệ của DIG. Đây cũng là giai đoạn mà cổ phiếu DIG liên tiếp đi xuống, tương đương mức sụt giảm hơn 50%. Với tỷ lệ nắm giữ trên, Bản Việt trở thành cổ đông tổ chức lớn thứ ba của DIG sau Dragon Capital (24%) và Công ty CP Tae Kwang Vina Industrial (10,22%).

Trước đó, ngày 18/7, Phó chủ tịch HĐQT của DIG là ông Nguyễn Hùng Cường báo cáo đã mua thêm 2 triệu cổ phiếu DIG đăng ký mua trước đó, nâng lượng sở hữu từ hơn 2 triệu lên hơn 4 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,67% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty. Đáng lưu ý là ngay khi vừa hoàn tất đợt mua vào, ông Nguyễn Hùng Cường lại đăng ký mua tiếp 2 triệu cổ phiếu.

Gần đây nhất, ngày 27/7, Công ty Chứng khoán Vietinbank SC đã đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu của Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HDC), với thời gian dự kiến mua từ 30/7 đến 28/8/2018. Nếu giao dịch thành công, VietinBank SC sẽ nâng số cổ phiếu HDC nắm giữ từ 1,31 triệu (2.9%) lên 4,31 triệu (9.6%) và trở thành cổ đông lớn. Cổ phiếu HDC đang giao dịch quanh mức 14.000đ/CP, giảm hơn 18% trong vòng hơn 3 tháng qua.

Bất chấp thị trường điều chỉnh mạnh đi kèm với rủi ro lớn hơn, nhưng trước việc nhiều cổ phiếu đã rơi về vùng giá hấp dẫn thì việc mua vào trong thời điểm vừa qua mang tới những kỳ vọng lợi nhuận khá lớn. Trong đó đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền của các cổ đông lớn.

Rủi ro cao đi kèm lợi nhuận lớn

Đó chỉ là một vài giao dịch lớn đáng chú ý trong hàng loạt thương vụ gom mua gần đây của các cổ đông. Như Kyoei Steel đã gom thêm 2 triệu cổ phiếu Công ty CP Thép Việt Ý (VIS) vào ngày 5/7 với số tiền 58 tỷ đồng, đồng thời cổ đông lớn này cũng muốn gom thêm 2 triệu cổ phiếu VIS. Cổ đông lớn F&N Dairy Investments PTE;Ltd cũng muốn gom thêm 14,5 triệu cổ phiếu Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) sau nhiều lần gom bất thành trong tuần qua.

Có thể thấy, bất chấp thị trường điều chỉnh mạnh đi kèm với rủi ro lớn hơn, nhưng trước việc nhiều cổ phiếu đã rơi về vùng giá hấp dẫn thì việc mua vào trong thời điểm vừa qua mang tới những kỳ vọng lợi nhuận khá lớn. Trong đó đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục thu hút dòng tiền của các cổ đông lớn.

Theo dự báo của một số tổ chức thì cổ phiếu bất động sản có thể tiếp tục tăng trở lại cùng với nhu cầu về nhà ở tăng, giúp thị trường bất động sản tiếp tục “nổi sóng” và từ đó làm cho kết quả kinh doanh của các công ty bất động sản tăng trưởng, đặc biệt là những doanh nghiệp có quỹ đất lớn.

Một báo cáo gần đây của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo nhóm bất động sản sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, trong đó 6 công ty bất động sản niêm yết (VIC, NVL, DXG, NLG, KDH, SJS chiếm 82,7% vốn hóa toàn ngành bất động sản) sẽ tăng 47% doanh thu, đạt 161.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 38%, đạt 11.500 tỷ đồng năm 2018.

Với xu hướng phục hồi đang thể hiện tích cực, tâm lý thị trường lạc quan hơn so với giai đoạn trước đây cùng với thanh khoản ngày càng cải thiện, theo đó khối lượng giao dịch trong 2 tuần gần đây bình quân trên 180 triệu cổ phiếu/phiên tính riêng trên sàn HoSE, tăng mạnh so với giai đoạn trước đó chỉ từ 120 – 140 triệu cổ phiếu, thì những nhà đầu tư đã mạnh dạn mua vào trong giai đoạn vừa qua có quyền tin tưởng vào mức lãi tích cực.

DNSG