Lương và sự công bằng hằng mơ ước

0
672

Công bằng là điều mà cả nhân loại đã, đang và sẽ còn tìm kiếm. Nó vẫn hoặc là lẩn khuất đâu đó, ở một chỗ rất khó tìm, hoặc là ở rất xa mà con người chưa có cách nào để đi đến. Những phát biểu vui vẻ kiểu như “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng!” cũng cho thấy rằng công bằng thật ra là một nỗi ám ảnh.

Ở nơi làm việc, công bằng là điều mà ai ai cũng nói, cũng nhắc tới, cũng đòi hỏi, cũng cố gắng, và vẫn liên tục tìm kiếm. Từ phía người đi làm là yêu cầu, mong mỏi, kiến nghị và chờ mong; từ phía của người chủ hay người quản lý là lắng nghe, ghi nhận, thu xếp và hy vọng.

Nếu nhìn chuyện công bằng từ góc nhìn phổ quát nhất, thì đó là mơ ước có tính bẩm sinh; hễ cứ sinh ra đời là muốn có công bằng, bất luận thân thế và sự nghiệp. Còn nhìn từ góc nhìn của những người cần sử dụng người khác để hoàn thành sứ mệnh của mình thì vấn đề sẽ hơi hẹp hơn một chút, ở trong hoàn cảnh cụ thể thì người ta sẽ đặt câu hỏi cụ thể: Công bằng để làm gì? Không công bằng thì có bị làm sao không?

Thường thì, chúng ta so sánh giữa cái cho đi và cái nhận về, hễ thấy rằng cho đi ít mà nhận về nhiều thì chúng ta cười thỏa mãn, hễ thấy chúng bằng nhau thì chúng ta chấp nhận hiền hòa, còn khi thấy cho đi nhiều mà nhận về ít thì chúng ta nhất quyết khó chịu bởi như thế là không công bằng. Với người đi làm thì cái cho đi là lao động, cái nhận về là tiền lương. Vấn đề ở đây vô cùng nan giải: hai thứ đó có thứ nguyên hoàn toàn khác nhau, nên xét về mặt toán học thì vô phương so sánh, trừ khi có cách nào đó quy đổi chúng về cùng một đơn vị tính, như “chai” hay “lít” chẳng hạn. Đã có nhiều lý thuyết và thử nghiệm nhưng xem ra thất bại vẫn là phổ biến; thế cho nên sự thiếu công vẫn đang tràn ngập địa cầu!

Rắc rối như thế nhưng vẫn là chưa đủ, bởi ngoài cảm nhận tự thân về sự công bằng đó, chúng ta lại còn làm một phép so sánh nữa: so sánh cái cặp đôi cho đi và nhận về của mình với cái cho đi và nhận về của người khác, hễ thấy “mình” hơn “nó” thì chúng ta lẳng lặng cười thầm, thấy ngang ngang nhau thì chúng ta gật gù “cũng được”, còn nếu thấy “nó” hơn “mình” thì, một lần nữa, quyết liệt hơn bội phần, chúng ta sẽ đứng phắt dậy và đi tìm cho được sự công bằng mơ ước!

Chuyện kể rằng, có anh kia đang túng quẫn bèn cầu khẩn “Lạy Giời cho con có một tỷ ngay bây giờ!”, Giời nghe được và đồng ý, chỉ đưa một điều kiện “Ngươi sẽ có ngay một tỷ, nhưng nhà hàng xóm sẽ có hai tỷ. Đồng ý thì ‘chốt’ luôn?”. “Giời ạ! Thế thì thà cứ quẫn như thế này còn hơn!”, và nghe đâu anh vẫn quẫn đến tận bây giờ. Cũng từ lúc đó, nhiều người vẫn hay lấy Giời ra làm chuẩn khi nói về sự khôn ngoan: “Có mà khôn bằng Giời…”, hoặc “Khôn ngoan chẳng lại với Giời!”.

Vậy mới thấy là cái sự công bằng nó ghê gớm thế nào!

Các ông chủ, thông qua công ty của mình, mua sức lao động của người đi làm bằng tiền lương, chính xác hơn là bằng lương cộng với một số lợi ích khác, gọi theo ngôn ngữ dịch vụ thì là lương++, còn ở những nơi có hơi hướm “Tây” thì người ta vẫn gọi là “pắc-kitz” (package). Cao siêu lý thuyết hơn, ở trong khoa học kinh tế chính trị, người ta gọi cái pắc-kitz đó là giá cả của lao động; về độ ý nghĩa, nó tương đương với giá cân thịt hay bó rau mỗi khi ta đi chợ đầu ngày. Mở ngoặc. Môn Kinh tế chính trị (Political Economy) là một môn khoa học lâu đời và rất thú vị; xin đừng vì ấn tượng xấu với một điều gì đó mà áp đặt luôn cái ấn tượng ấy cho những thứ giống nó; xin cảm ơn! [Cười]. Đóng ngoặc.

Phàm là mua bán thì sẽ có đắt có rẻ; mua rẻ bán đắt là điều ai cũng muốn đạt đến.

Khi mua rau hay mua thịt, mọi thứ xảy ra khá đơn giản: mua ở chỗ này – sử dụng hết – mai lại mua [có thể ở chỗ khác]. Chu kỳ khá ngắn và không ràng buộc, cho nên nếu lỡ có “lầm” hôm nay thì mai người mua sẽ sửa sai bằng cách đổi chỗ mua, và người bán cũng có thể để ý mà điều chỉnh để lôi kéo khách quay lại ở lần sau, sau nữa với một nỗ lực không cao. Ngay cả nếu hai bên không gặp lại nhau thì cũng không có vấn đề gì mấy.

Ngược lại, khi sử dụng lao động thì tình hình phức tạp hơn hẳn, bởi hai bên sẽ gắn bó với nhau từ lâu cho đến rất lâu, có thể là ít tháng, ít năm, mà rất nhiều khi là gắn bó nhiều năm. Hễ cái gì gắn bó dài lâu thì thường là có nhiều… ray rứt, cụ thể ở đây là chuyện công bằng.

Quay lại với các câu hỏi lúc trước: Công bằng để làm gì? Không công bằng thì có bị làm sao không? Như đã nói, công bằng là một ước ao mà nhân loại đã phấn đấu lâu rồi nhưng chưa đạt, nên thôi, chúng ta không nói đến công bằng nữa mà nói đến một cái khác tạm gọi là “cảm nhận công bằng”, tức là cảm giác thấy rằng mọi chuyện là công bằng.

Nếu không để ý thì thấy mọi chuyện cũng không có gì nghiêm trọng, chênh nhau lệch nhau tí chút có sao đâu, nhất là chênh lệch ấy lại khá là khó so sánh. Nghĩ thế tức là thiếu sót lớn đấy, bởi những rắc rối mà cảm nhận thiếu công bằng gây ra là rất đáng kể, nhất là nó làm giảm năng suất. Khi không cảm nhận được sự công bằng thì người ta có xu hướng đi tìm nó, loay hoay với nó nhiều hơn, và vì thế mà tạo ra một loạt các ma sát trong công việc. Sâu xa hơn thì còn nhiều chuyện để bàn, trong đó chuyện này là chuyện mà không ông chủ hay nhà quản lý nào muốn gặp phải: sự đổ vỡ của các quan hệ khi mà người ta cảm thấy thiếu công bằng ở nơi làm việc.

B. K. H