5 bí quyết giúp sự nghiệp thăng tiến từ cựu Ngoại trưởng Mỹ

0
709

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice chia sẻ 5 bí quyết có được công việc mơ ước, tìm thấy mentor giỏi, thúc đẩy sự đa dạng, thực hiện các quyết định tốt hơn và sử dụng công nghệ hiệu quả hơn.

Condoleezza Rice nổi tiếng với vai trò Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Là phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ này, bà đã trải qua nhiều năm (từ 2005 – 2009) phải đưa ra những quyết định khó khăn dưới nhiều áp lực lớn.

Condoleezza Rice đã viết về những trải nghiệm của mình trong một số cuốn sách, trong đó có cuốn mới nhất là Political Risk: How Businesses and Organizations Can Anticipate Global Insecurity (tạm dịch: Rủi ro chính trị: Làm thế nào các doanh nghiệp, tổ chức lường trước sự bất ổn trên toàn cầu?). Trong đó, bà đã lý giải về cách mà các diễn biến chính trị tác động đến công việc kinh doanh, và chia sẻ bí quyết xử lý những gián đoạn không thể tránh khỏi.

Hiện tại, Rice là Giáo sư Kinh tế chính trị tại Trường kinh doanh Stanford (Stanford Graduate School of Business) và Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Stanford (Stanford University). Bà còn nằm trong ban giám đốc của 2 công ty là DropBox và Công ty quản lý quỹ đầu tư Makena Capital Management.

Condoleezza Rice chia sẻ 5 bí quyết giúp bạn có thể thăng tiến trong sự nghiệp, thông qua việc có được công việc mơ ước, tìm thấy mentor giỏi, thúc đẩy sự đa dạng, thực hiện các quyết định tốt hơn và sử dụng công nghệ hiệu quả hơn.

1. Chủ động tìm kiếm công việc mơ ước

Thay vì chờ đợi những mẩu quảng cáo, sự giới thiệu về công việc mơ ước tự đến với mình, bạn cần phải sẵn sàng, chủ động làm mọi cách để tìm ra nó. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ. Vì trong nhiều trường hợp, họ thường không ý thức được việc mình có thể chuyển đổi những kỹ năng này thành những kỹ năng khác, và họ có xu hướng nói “À, tôi không sẵn sàng cho việc này”.

Hãy tự tin và sẵn sàng sử dụng những kỹ năng của bạn để có được những công việc tốt hơn và thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp.

2. Tìm kiếm mentor giỏi và duy trì quan hệ với họ

Mối quan hệ giữa mentor (người cố vấn) và mentee (người được cố vấn) phải là một mối quan hệ tự nhiên, không thể ép buộc. Vì sự cố vấn chỉ phát huy hiệu quả khi người cố vấn và người được cố vấn có những điểm chung. Mentor giỏi thúc đẩy mentee và mentee cần làm việc chăm chỉ để hỗ trợ ngược lại cho mentor.

Một mối quan hệ cố vấn thành công bền vững cần đem lại lợi ích tương hỗ cho cả 2 bên. Khi chọn một mentor, bạn nên tìm người mình ngưỡng mộ và họ đã đạt được những điều bạn đang muốn đạt được.

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ thường không ý thức được việc mình có thể chuyển đổi từ những kỹ năng này thành những kỹ năng khác, và họ có xu hướng nói “Tôi không sẵn sàng cho việc này”.

3. Gần gũi với một nhóm người có tính đa dạng cao

Những người đến từ nhiều nơi khác nhau, với nhiều trải nghiệm khác nhau sẽ giúp bạn tránh được tình trạng tư duy tập thể (hay còn gọi là tư duy nhóm) – hiện tượng thường xảy ra trong những công ty/tổ chức thiếu sự đa dạng.

Không những giúp bạn giải quyết vấn đề nhanh hơn, một môi trường đa dạng còn lành mạnh hơn vì bạn sẽ được làm việc với những người khác biệt với mình và kết quả là bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn.

4. Thu thập thông tin trước khi đưa ra các quyết định quan trọng

Để ra các quyết định tốt nhất có thể, đặc biệt là khi phải chịu nhiều áp lực, bạn cần thu thập thông tin nhiều nhất có thể. Để làm được điều đó, bạn cần đặt ra thật nhiều câu hỏi, nhất là nếu bạn không phải là chuyên gia về vấn đề đang diễn ra.

Sau khi thu thập thông tin, hãy tự hỏi chính mình “Tôi đang muốn đạt được điều gì ở đây, và làm thế nào tôi đạt được điều đó một cách tốt nhất trong bối cảnh những giới hạn hiện tại?”.

Bằng cách đặt những câu hỏi đúng, bạn sẽ lật mở đủ dữ liệu để đưa ra các quyết định tối ưu, từ đó tạo ra những kết quả tối ưu.

5. Học cách sử dụng công nghệ khôn ngoan

Dù công nghệ có thể giúp bạn tương tác hiệu quả hơn, nhưng vấn đề cần lưu ý là những thông điệp mà bạn đang muốn gửi đi thông qua kênh công nghệ.

Công nghệ có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó không phải là “liều thuốc trị bách bệnh”. Bạn vẫn phải thực hiện một bản nháp trước khi gửi đi một thông điệp. Hơn nữa, bạn cần biết được khi nào nên sử dụng công nghệ, khi nào không nên, và sử dụng nó theo cách hiệu quả nhất.

Nói cách khác, công nghệ không phải là một giải pháp mà là một công cụ cần được sử dụng một cách khôn ngoan.

(Nguồn: CNBC) – DNSG