Lại cãi nhau với đại dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé

0
557

Dù đã được các chuyên gia lên tiếng phản biện, nhưng phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lẫn các địa phương trong vùng dự án vẫn cho rằng việc xây dựng dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé là cần thiết!

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nằm trong vùng Bán đảo Cà Mau. Trong đó, phía Bắc là kênh Cái Sắn; phía Nam và Đông Nam là kênh Quản Lộ- Phụng Hiệp; phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là biển Tây. Vùng dự án có tổng diện tích trên 909.000 héc ta, thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 là kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; chủ động ứng phó biển đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án.

Ngày 5-4-2017 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình số 2832/TTr-BNN-XD Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (giai đoạn 1).Ngày 17.04.2017, Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.309,5 tỉ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 – 2020 là 3.300 tỉ đồng.

Cần thiết xây dựng dự án Cái Lớn – Cái Bé?

Phát biểu khai mạc hội nghị về “Dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1” được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang hôm nay, 7-9, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Kiên Giang là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều biển Tây khiến địa phương dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Theo ông, biến đổi khí hậu đối với Kiên Giang không còn là dự báo mà đã hiện hữu rõ nét bởi xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt trong mùa khô và thời tiết khắc nghiệt, bất thường vào mùa mưa…

Chính vì vậy, vị lãnh đạo địa phương này cho biết, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là cần thiết và nên sớm được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu sớm triển khai dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nhằm giúp Hậu Giang nói riêng và những địa phương trong vùng dự án nói chung có thể chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng…

Trước đó, tại hội nghị, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vùng dự án này sẽ chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cụ thể, ông Dũng dẫn kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2016 cho biết, với kịch bản nước biển dâng 65 cm, thì gần như toàn bộ vùng bên trong dự án đều bị ngập, gây thiệt hại cho 3,6 triệu dân trong khu vực. Còn với kịch bản nước biển dâng 100 cm, thì gần như toàn bộ vùng Bán đảo Cà Mau và thành phố Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên (phía giáp biển) đều bị ngập, chiếm gần 39% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo ông Dũng, những tác động do việc vận hành hồ chứa nước từ thượng nguồn; tác động từ các dự án chuyển nước lưu vực sông Mêkông của Thái Lan cũng có tác động tiêu cực đến vùng dự án.

“Tóm lại thách thức về nguồn nước ngày càng lớn. Nguồn nước ngọt từ sông Hậu sẽ bị hạn chế do suy giảm bởi tác động từ thượng nguồn sông Mêkông, biến đổi khí hậu”, ông Dũng cho biết và thông tin thêm rằng, việc tiêu thoát nước cũng sẽ khó khăn hơn do nước biển dâng và lún đất.

Từ những luận điểm nêu ra, ông Dũng khẳng định việc đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là cần thiết, mà cụ thể sẽ giúp ổn định nguồn nước cho sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu một cách chủ động; giúp tăng khả năng thoát lũ, giảm ngập; giúp phòng chống thiên tai…

Lập luận không khả thi, chưa thuyết phục

Dự án Cái Lớn – Cái Bé.

Bản thân tôi có rất nhiều cái quan ngại về công trình này”, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện cho biết như vậy khi phản biện về dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé.

Theo đó, ông Thiện đưa ra 8 điểm cần được xem xét một cách thấu đáo và cho rằng không cần thiết xây dựng công trình này, gồm thứ nhất, là về lịch vận hành của dự án; thứ hai, là tính cần thiết của dự án; thứ ba, độ cấp bách của nó; thứ tư, tính khả thi; thứ năm, vấn đề đánh giá tác động môi trường; thứ sáu, là một số vấn đề tác động môi trường chưa được nêu ra, chưa được thấy trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; thứ bảy, về tính hối tiếc cao của công trình này và cuối cùng là tính chịu trách nhiệm.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các nhà khoa học ở ĐBSCL thay vì phản đối việc xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé, thì nên giúp Bộ tìm giải pháp giúp làm giảm những tác động do việc xây dựng dự án này.

Trong khi phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không hề cho biết cụ thể về lịch vận hành, thì theo ông Thiện, các tài liệu được đưa ra lại liên tục “hù dọa” về biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong tương lai.

Chẳng hạn, đối với lịch vận hành dự án, ông Thiện cho biết, lịch vận hành được đưa ra là 24 ngày/năm (tương đương có 4 lần và mỗi lần là 6 ngày). Điều này, theo ông là nó “quá lý tưởng”.

“Tôi cho rằng, đây là cách làm đơn giản vấn đề để thấy nó ít, trong khi tất cả mọi đánh giá đều dựa trên trụ cột này”, ông nói và đặt câu hỏi: “24 ngày vận hành này là của năm nào? Năm trung bình hay năm lũ cao hoặc là năm đặc biệt khô hạn và ở hiện tại hay trong là tương lai?”.

Ông Thiện cho rằng, lịch vận hành này được xây dựng cho kịch bản của năm 2018, trong khi công trình (nếu được xây dựng) là công trình 100 năm, cho nên, ông kết luận lịch vận hành không thực tế. “Ai dám cam kết khi xây dựng (công trình) xong, lịch vận hành sẽ giữ như thế, tất cả mọi năm sẽ như thế?”, ông Thiện nêu câu hỏi.

Về vấn đề nước biển dâng, theo ông, kịch bản nước biển dâng 100 cm ông không đồng ý vì đó là kịch bản tạo ra ảnh hưởng xấu nhất, tức khả năng xảy ra trong thực tế rất thấp. “Kịch bản đó là người ta chỉ giả định, nếu có chuyện này (nước biển dâng 100 cm) thì sẽ gây ngập như vậy, chứ người ta không nói nó sẽ xảy ra”, ông Thiện nhấn mạnh và nói thêm rằng, (nếu có) nước biển dâng 100 cm cũng là chuyện vào cuối thế kỷ, tức 80 năm nữa, chứ cũng không phải là bây giờ.

Cống Cái Lớn – Cái Bé.

Theo ông Thiện, ngay cả trong kịch bản nước biển dâng 65 cm (trong điều kiện không có công trình), thì lập luận cho rằng toàn bộ vùng dự án sẽ bị ngập, ảnh hưởng thảm họa đến 3,6 triệu dân là một điều hết sức “ngô nghê”. “Bởi, 65 cm là chúng ta nói về năm 2100, tức 80 năm nữa nó mới dâng 65cm, thì làm gì có chuyện 80 năm nữa ở vùng này có 3,6 triệu dân”, ông cho biết và tái nhấn mạnh rằng, lấy chuyện tương lai 100 năm nữa để “hù dọa nhau” nhằm làm công trình ngay bây giờ, tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng ngân sách sẽ không bao giờ đúng.

Đối với việc chịu trách nhiệm, ông Thiện cho rằng, thời gian qua đã có rất nhiều công trình ngăn mặn, kiểm soát lũ, “thất bại” nhưng không một ai chịu trách nhiệm. “Do đó, với một công trình có tầm ảnh hưởng rộng lớn; một công trình can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, đi ngược lại với tinh thần nghị quyết 120 của Chính phủ cần phải có người chịu trách nhiệm, nếu thông qua”, ông cho biết và nói rằng những người ngồi hội đồng chấm điểm thông qua, ai có ý kiến như thế nào…, cần được minh bạch để chịu trách nhiệm.

Ông Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, đối với vùng Bán đảo Cà Mau, hai sản phẩm chủ lực của vùng là lúa và tôm, nhưng đây lại là hai đối tượng mâu thuẫn với nhau về nguồn nước. “Con tôm cần độ mặn trên 4 phần ngàn, còn cây lúa dưới 4 phần ngàn. Nước thải ruộng tôm làm chết lúa và nước thải ruộng lúa có nhiều thuốc sâu cũng làm chết tôm”, ông dẫn chứng.

Theo ông Ni, vào năm 1990, ông mang một bộ giống lúa cao sản của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) trình diễn tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Lúc đó, người dân, chính quyền rất hào hứng chuyện đào kênh đắp đê để giữ ngọt. Thế nhưng, 4 năm sau, chính những người dân đi đắp đê đó lại đi phá đê để nuôi tôm.

“Tôi nói để thấy cái vấn đề ở khu vực này thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi, chứ không phải mâu thuẫn mặn ngọt”, ông cho biết.

Theo ông Ni, nếu không nhìn ra vấn đề của vùng là thiếu đa dạng cây trồng vật nuôi, thì vùng này sẽ mãi loay hoay với các công trình. Khi đó, chính quyền địa phương với trách nhiệm được nhà nước giao giữ gìn công trình xã hội sẽ xem người dân như những người phá hoại, trong khi người dân nhìn chính quyền như là người cản trở cơ hội làm giàu của họ.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI cho rằng, trong bối cảnh khu vực chịu rất nhiều biến động, thì nghị quyết 120 của Chính phủ có nêu rất rõ là “phải phản biện khách quan, khoa học và cân nhắc trước khi quyết định để đầu tư không hối tiếc”.

Theo ông, sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có một hội thảo về những biện pháp phi công trình vì nghị quyết 120 đã nói rất rõ là ứng phó “thuận thiên”. “Vì vậy, tôi đề nghị nên có hội thảo về biện pháp phi công trình để từ đó chúng ta tổng hợp lại xem cái nào công trình không hối tiếc chúng ta làm, còn hối tiếc chúng ta nghiên về phi công trình”, ông gợi ý.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Trân, đó là lập luận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cho rằng cần thiết đầu tư dự án này là do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, nước biển dâng.

Tuy nhiên, theo ông, đó chỉ là hiện tượng và cần phải xác định hiện tượng đó từ đâu có. “Chúng ta phải tìm giải pháp cho đúng, chứ thấy hiện tượng rồi chúng ta “vá” liền ngay chỗ đó thì chưa chắc giải pháp đã đúng”, ông nhấn mạnh và nói rằng không khéo sẽ đi vào vòng lẩn quẩn ngày càng làm thiệt hại cho môi trường.

Theo TheSGtime