Kinh tế chia sẻ đang dẫn dắt thị trường

0
709

 Nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) đã làm thay đổi sự vận hành của nhiều mô hình kinh doanh trên toàn cầu.

Thị trường Việt Nam những năm gần đây cũng chịu tác động mạnh mẽ từ mô hình này, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập cùng với những biến động khiến chính sách không thay đổi kịp.

Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD. Giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực.

Không chỉ là các ứng dụng gọi xe, mô hình kinh doanh chia sẻ cũng dần phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ du lịch, chia sẻ văn phòng, giúp việc nhà, vay mượn tài chính, sử dụng chung thiết bị điện tử…

Theo số liệu của Grant Thornton, năm 2016, Airbnb (chia sẻ phòng lưu trú) chỉ có 6.500 căn hộ cho thuê tại Việt Nam, nhưng năm 2017, nguồn cung của Airbnb đã tăng gấp 2,5 lần với hơn 16.000 căn hộ, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Mô hình này cũng kéo theo hàng loạt startup trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như Luxstay, Mystay, Homeaway, Holteljob…

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mô hình kinh tế chia sẻ đã tận dụng được lợi thế của công nghệ để tiếp cận được số lượng lớn khách hàng và kéo chi phí xuống thấp hơn.

Đây là cách giúp doanh nghiệp vận hành theo phương thức kinh doanh mới, tạo đà tái cấu trúc nhiều ngành nghề trên cơ sở tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, minh bạch và tính linh hoạt cao, đã tạo nhiều cơ hội hơn cho người dùng với chi phí phù hợp hơn.

Song, quan trọng hơn hết là thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cải cách hành chính theo hướng chính phủ số, tạo thuận lợi hơn cho việc phát triển nền kinh tế số theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mô hình kinh tế chia sẻ cũng sản sinh ra các quan hệ thị trường mới, vừa thúc đẩy cạnh tranh, vừa làm phát sinh sự xung đột. Dù được xem là mô hình mang đến nhiều lợi ích cho xã hội nhưng trong một giai đoạn ngắn, các nền kinh tế chưa có sự chuẩn bị cần thiết nhằm có chính sách phù hợp để thúc đẩy.

Theo ông Stefan Hajkowicz – đại diện Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), sự phát triển của công nghệ mới làm thay đổi cách thức làm việc của người lao động. Ước tính 14% nghề nghiệp sẽ hoàn toàn biến mất và 48% công việc hiện nay sẽ phải thay đổi vì tự động hóa và công nghệ mới.

Các quốc gia đều có chính sách ứng phó bằng các giải pháp đào tạo về kinh tế số giúp người lao động có thể chuyển đổi ngành nghề, thích ứng với các công việc mới, giảm nguy cơ bị thay thế. Cũng theo ông, trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần dựa vào nguồn lao động thông minh để vượt qua bẫy thu nhập trung bình với các chính sách đổi mới sáng tạo.

Theo khảo sát của CIEM, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh chia sẻ và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình này.

Tại Úc, theo số liệu của CSIRO dự báo đến cuối năm 2018, có hơn 50% dân số nước này từng sử dụng hoặc cung cấp các dịch vụ kinh doanh chia sẻ, từ cho thuê xe tự lái, nhà lưu động, gọi vốn đến chăm sóc thú cưng, cho thuê nhân viên… Ước tính 10% người dân Úc tăng thu nhập hằng tháng thêm 1.100USD nhờ tham gia vào mô hình kinh doanh chia sẻ.

Nói về nền kinh tế chia sẻ, bà Sarah Pearson – Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho rằng, chính phủ cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, tránh làm hạn chế việc gia nhập thị trường của những mô hình này, có chính sách lường định các rủi ro và trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia. “Các chính phủ đều có cách phản ứng thực thi chính sách khác nhau nhưng đa phần là trên cơ sở hợp tác liên ngành”, bà Pearson nói.

Theo DNSG