Gian lận chấm thi THPT ở Hà Giang: Bài học cay đắng

0
691
Hàng trăm bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang bị nâng điểm bằng hành vi gian lận, sửa chữa trên bài làm của thí sinh.
Có thí sinh được “tặng” gần 30 điểm
114 thí sinh (TS), với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít TS có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Cá biệt có những TS tổng điểm chênh lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Tại buổi họp báo công bố sai phạm trong chấm thi tại Hà Giang hôm qua 17.7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết với các bài thi trắc nghiệm, qua xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của TS. Bằng các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ đã xác nhận dữ liệu ảnh quét các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc của TS được hoàn thiện trước ngày 3.7 hiện vẫn còn nguyên vẹn, không bị sửa chữa, thay thế. Tuy nhiên, kết quả thi của một số TS có dấu hiệu cao bất thường.
Từ thực tế nói trên, ngày 14.7, Ban Chỉ đạo thi THPT tỉnh Hà Giang đã có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tiến hành chấm thẩm định toàn bộ các bài thi trắc nghiệm của tất cả các TS thuộc Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang.
Ngày 15.7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quyết định về việc thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang. Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm tất cả các bài thi trắc nghiệm theo quy định của quy chế thi và cho ra kết quả chênh lệch như đã công bố.
Gian lận chấm thi THPT ở Hà Giang: Bài học cay đắng - ảnh 2
Theo ông Trinh, Hội đồng chấm thẩm định quyết định kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang công bố ngày 11.7. Như vậy, nếu không bị phát hiện, có TS của tỉnh này đã được “tặng” tổng cộng gần 30 điểm!
Phó trưởng phòng khảo thí chỉ mất 6 giây để sửa điểm
Qua xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của TS. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ, củng cố hồ sơ để xử lý các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng Phòng 4 của A83 Bộ Công an, thành viên Tổ công tác của Bộ GD-ĐT, giải thích rõ hơn về hành vi vi phạm của ông Lương: Thứ nhất, liên quan đến quy trình sử dụng máy tính để quét trắc nghiệm, hằng năm, chiếc máy tính này được Sở GD-ĐT Hà Giang phân công cho ông Lương là người phụ trách trực tiếp, sử dụng phục vụ cho công tác hằng ngày. Chính vì thế, ngày 27.6, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án, ông Lương đã tải toàn bộ đáp án đó về, biến sang file excel và lưu trong máy.
Cơ quan công an đã phát hiện có rất nhiều tin nhắn đến số điện thoại của ông Lương. Căn cứ vào các tin nhắn đó, ông Lương nhập các số báo danh này vào máy tính, đồng thời đem máy tính đến phòng quét và xử lý trắc nghiệm.
Trong quá trình quét xử lý trắc nghiệm, ông Lương đã tiến hành thao tác để sau khi đã quét được file ảnh và chuyển từ file excel thì lấy kết quả đã xử lý theo đáp án trước đó, sao ra, dán vào file text. “Quy trình này chúng tôi yêu cầu ông ấy thực hiện và quay lại toàn bộ, rơi vào khoảng 6 giây”, ông Khương cho biết.
Ông Nguyễn Cao Khương nhận định: “Qua đây, chúng tôi thấy có vấn đề: Quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của công an cũng như của thanh tra Bộ và thanh tra Sở chưa chặt chẽ, để cho trường hợp anh Lương xử lý tất cả những TS có liên quan và trong toàn bộ cả quá trình đó mà các thành viên không biết”.
Có hay không sự tiếp tay của người khác?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Khương cho rằng ông Lương đã chuyển được toàn bộ hòm chấm thi trắc nghiệm chứa bài thi và máy tính về đặt tại Phòng Khảo thí của Sở GD-ĐT trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Ông Lương khai đã mở được khóa niêm phong, rút bài ở các túi, sau đó tẩy xóa và sửa theo đáp án trong khoảng thời gian ấy. “Theo dõi và quan sát lại trên camera do Sở GD-ĐT lắp, chúng tôi phát hiện trong toàn bộ quá trình ấy, chưa thấy cá nhân nào phối hợp với ông Lương. Trong khi đó, hôm qua (16.7 – PV), chúng tôi đã làm việc từ 20 giờ đến 4 giờ sáng, với gần 10 con người mới có thể rút bài ra kiểm tra và xác định các đối sánh xem có sự sửa đổi trên bảng chấm gốc không. Tôi thấy nếu việc này chỉ thực hiện một mình thì cực kỳ khó. Do đó, vấn đề đặt ra là chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm tiếp để xác định xem có hay không có sự tiếp tay của một số trường hợp có liên quan”, ông Khương đặt vấn đề.
Củng cố thêm chứng cứ vi phạm
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc có khởi tố vụ án hay không, ông Mai Văn Trinh cho biết theo khoản 5 và khoản 6 của điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia thì cho đến thời điểm hiện nay chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc này sẽ được xem xét tiếp trên cơ sở có kết quả điều tra cụ thể của các bên liên quan, cụ thể là của Bộ Công an. Nếu đủ điều kiện thì sẽ xem xét kết luận…
Gian lận chấm thi THPT ở Hà Giang: Bài học cay đắng - ảnh 6

Ông Mai Văn Trinh phát biểu tại buổi họp báo chiều 17.7 tại Hà Giang

ẢNH: T.S
Ông Trinh cũng thông tin thêm sau khi có báo cáo về việc có dấu hiệu bất thường trong rà soát chấm thi của Hà Giang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và cả hai bộ trưởng đều thống nhất phải xử lý sự việc một cách nghiêm túc, xử lý đúng người, đúng việc. Thực tế, kết quả bước đầu đã trả lời điều đó và thời gian tới chắc chắn việc điều tra chưa kết thúc. Các công việc tiếp theo phải theo các trình tự, theo các quy định cụ thể để củng cố thêm các chứng cứ vi phạm.
Còn ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang, nhấn mạnh: “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi xác định phải xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, vào ai, vi phạm vào điều nào, khoản nào thì phải xử lý theo đúng quy định. Nếu đúng phải khởi tố thì sẽ khởi tố, đuổi việc hay cảnh cáo… đều phải làm đúng quy định, đúng người, đúng việc”. Với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Giang, ông Trần Đức Quý thừa nhận trách nhiệm.
Những việc vô cùng xấu xí
Ông Trần Đức Quý thẳng thắn thừa nhận sự việc vừa xảy ra ở Hà Giang là bài học xương máu để ngành GD-ĐT Hà Giang khắc phục trong các kỳ thi những năm tới.
Còn ông Mai Văn Trinh nhìn nhận: “Tuyệt đại đa số địa bàn trên cả nước, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, nhưng những điều bất thường như xảy ra ở Hà Giang là những việc vô cùng xấu xí. Kiên quyết xử lý nghiêm túc tới cùng. Không thể để một “điểm đen” như vậy làm ảnh hưởng chung tới hàng triệu TS, hàng triệu gia đình”.
Ông Trinh cho biết qua vụ việc của Hà Giang, có một số bài học rút ra để đưa vào kỳ thi trong các năm tới.
Xung quanh nghi vấn tỉnh này, tỉnh kia điểm thi cũng có dấu hiệu bất thường, ông Trinh khẳng định sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và xem xét trên tình hình cụ thể sẽ có phương án phù hợp.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm
Tối qua (17.7), Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định pháp luật về vụ kết quả thi THPT bất thường tại Hà Giang. Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi THPT quốc gia.

 

Chí Hiếu – Thanh Niên