Cuộc chiến 5G cho đô thị thông minh ở Hong Kong

0
725
Kế hoạch triển khai thành phố thông minh của Hong Kong đang gặp khó khăn không ngờ khi nảy ra tranh cãi về quyền sử dụng một phần quan trọng của dải băng rộng dành cho 5G.
Các nhà cung cấp dịch vụ di động và công ty vận hành vệ tinh đang phải thương thảo quyết liệt với nhau về quyền sử dụng một phần dải băng rộng không dây, làm ảnh hưởng tới mục tiêu trở thành một thành phố thông minh dựa hoàn toàn vào công nghệ của Hong Kong. Trung tâm của câu chuyện là C-band, dải tần số dùng để phát triển mạng 5G. Tại Hong Kong, C-band đang được sử dụng bởi hai công ty điều hành vệ tinh AsiaSat và APT Satellite, theo một thỏa thuận ràng buộc pháp lý. Nhưng các nhà mạng di động cũng muốn được tiếp cận vào dải tần số này nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến lược 5G của mình.

Hong Kong đã công bố bản kế hoạch thành phố thông minh vào cuối năm 2017, với mục tiêu tăng cường sự thu hút đối với doanh nghiệp toàn cầu. Mục tiêu này cũng vấp phải sự cạnh tranh lớn từ chính Trung Quốc đại lục và các quốc gia khác trong khu vực với các kế hoạch thông minh của họ, và bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn tới thiệt hại lớn. Irene Chu, Giám đốc Bộ phận các nền kinh tế mới của KPMG Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ chính quyền Hong Kong không nên tự thỏa mãn. Nhiều động thái được triển khai hướng tới thành phố thông minh trong khu vực Greater Bay Area có nhu cầu năng lực và nguồn lực lớn hơn, được cung cấp bởi 5G”. Kế hoạch Greater Bay Area hướng tới hội nhập Hong Kong, Macau và chín thành phố phía nam Quảng Đông thành một trung tâm công nghệ, khoa học và kinh tế. Trung Quốc đã phân bổ tần số cho 5G ở các thành phố lớn, với các dự án thử nghiệm triển khai vào năm 2019. Cả mức đầu tư và kỳ vọng đều ở mức đáng kể.

5G hứa hẹn mức độ lớn hơn đáng kể trong tốc độ chuyển giao dữ liệu kết nối điện thoại thông minh, xe tự lái, IoT – ứng dụng nhà thông minh, và các khía cạnh công nghệ khác để tạo thành một thành phố thông minh. Một báo cáo mới đây của McKinsey khẳng định các thành phố lớn tại châu Á, cùng thế hệ công dân trẻ cuồng công nghệ, sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sử dụng công nghệ thông minh trong đời sống đô thị. Đặc biệt, những đô thị như Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải và Seoul, được đánh giá sẽ đi đầu trào lưu. Nhiều nhà phân tích đã coi sự chậm chạp của Hong Kong trong khuyến khích cải tiến và ứng dụng công nghệ là một bất lợi của đô thị này, khi cái tên này không xuất hiện trong danh sách 20 thành phố dẫn đầu chỉ số Global Smart City Performance Index năm 2017, được tổng hợp bởi Juniper Research và tài trợ bởi Intel. Đứng đầu danh sách  này là Singapore, theo sau là Seoul, Tokyo và Hàng Châu.

Liên quan tới vấn đề C-band, Cơ quan quản lý truyền thông (CA) của Hong Kong có quyền quyết định và hiện đang tham khảo ý kiến khuyến nghị. Trong tháng 3/2018, cơ quan chức năng đã có nỗ lực đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề, bằng đưa ra hứa hẹn các nhà mạng sẽ có thị phần trong C-band từ ngày 1/4/2019, nhưng lại thiết lập các khu vực đặc quyền cho vệ tinh tại các khu Tai Po và Stanley, nơi mà 5G sẽ không hiện diện để tránh ảnh hưởng tới tín hiệu vệ tinh. Đề xuất trên đương nhiên không khiến cho các bên liên quan thỏa mãn. 4 nhà mạng di động – China Mobile, HKT, Hutchinson Telecom và SmarTone – cho rằng tầm phủ sóng của họ sễ bị ảnh hưởng, khi mà hơn 700.000 khách hàng nằm trong hai khu vực nói trên sẽ không tiếp cận được 5G. Còn các công ty vận hành vệ tinh thì phàn nàn họ không thể bắt đầu với mạng lưới của mình vì không biết được phần nào của dải băng tần được trao cho họ.

“Nếu dải băng tần được chia nhỏ ra, điều đó sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào. Chúng tôi cần phải nhìn thấy một bản kế hoạch tổng thể”, Phó Chủ tịch Hutchinson Telecom Cliff Woo Chiu-man chia sẻ. Các công ty điều hành 12 vệ tinh viễn thông của Hong Kong cho biết họ muốn một kế hoạch phù hợp hơn là chọn lựa phương thức khu vực đặc quyền, cách giải quyết chẳng thể nào hạn chế được vấn đề tín hiệu.

Công viên Khoa học Hong Kong (HKSP) cũng nằm trong vùng ảnh hưởng liên quan tới 5G (Nguồn: Internet)

Thêm một nỗi lo ngại cho kế hoạch của chính quyền chính là Công viên Khoa học Hong Kong (HKSP), nơi đã thiết lập một trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G, và trường Đại học Trung Quốc tại Hong Kong (SUHK), cũng đang triển khai nghiên cứu 5G, đều nằm trong khu vực dự kiến triển khai đặc quyền tần số. Do đó, những tổ chức này đều có khả năng không tiếp cận được dịch vụ 5G. HKSP đã nhận được khoản đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD từ chính phủ vào tháng 3/2018 và đang nỗ lực tự tìm cách giải cứu mình khỏi vấn đề này khi triển khai phòng nghiên cứu 5G.

Các nhà mạng đưa ra lập luận thế giới đang dần đưa C-band ra khỏi quyền kiểm soát của các công ty vận hành vệ tinh, do 5G được coi là nguồn lợi nhuận lớn hơn cho tần số. Họ cũng đề xuất chuyển dịch các chảo vệ tinh ở Hong Kong ra các địa điểm xa trung tâm hơn và thu hẹp phạm vi của vùng đặc quyền, cũng như bảo vệ các trạm thu sóng mặt đất khỏi tín hiệu di động bằng giải pháp công nghệ, dù giải pháp này hiện tại chưa được triển khai. AsiaSat đã phản đối các ý tưởng trên, với lý do vì vấn đề chi phí và kỹ thuật, trong khi APT Satellite từ chối đưa ra bình luận.

A.M (Theo SCMP) – ICTNews