Bộ NN-PTNT đề xuất mức xử phạt nặng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Bộ NN-PTNT đề xuất mức xử phạt đến 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức vi phạm về sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản; mua bán, nhập khẩu, sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Hàng trăm lô hàng bị trả về
Một thực trạng đáng lo ngại là nhiều nông dân có thói quen sử dụng các loại phân, thuốc, thức ăn chăn nuôi theo sự tư vấn của các đại lý.
Thế nên chất cấm được bán tràn lan khắp nơi. Ông Dương Văn Sẻn (ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) dù có kinh nghiệm nuôi tôm hơn chục năm nay cũng thừa nhận: Cứ đến vụ, theo từng giai đoạn ông thường ra các đại lý bán thức ăn chăn nuôi để tìm hiểu xem có loại nào mới, chất lượng tốt, hiệu quả cao để tìm mua. Mỗi đợt như thế, các đại lý lại đưa một loại khác nhau về dùng thử, nếu thấy hiệu quả sẽ tiếp tục đến khi có loại mới tốt hơn. “Các đại lý được cấp phép, có cơ quan nhà nước quản lý chứ nông dân làm sao biết được loại nào trong hay ngoài danh mục, cái nào nên hay không nên sử dụng. Nếu họ bán thuốc không đúng phải bị cơ quan chức năng xử lý, nông dân như tôi làm sao biết được”, ông Sẻn nói.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), kháng sinh vào ao nuôi thủy sản từ 3 đường chính: Từ các công ty nhập khẩu thuốc; người nuôi mua thuốc trực tiếp từ cửa hàng dược phẩm; và từ nhập lậu qua đường tiểu ngạch, nhưng chỉ là số ít.
Những năm gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Thống kê cho thấy: Năm 2015 có 181 lô hàng thủy hải sản bị cảnh báo an toàn thực phẩm, cao gấp 3 lần năm 2014, trong đó có 40 lô hàng bị phát hiện vi phạm và trả về; năm 2016, số lô hàng bị cảnh báo còn 128 lô; năm 2017 là 125 lô. Quý 1/2018 là 23 lô (theo tỷ lệ ước tính năm 2018 hơn 80 lô).
Xu hướng chung trên thế giới ngày càng xem trọng vấn đề an toàn thực phẩm. Các thiết bị kiểm tra, giám sát, đo đếm ngày càng hiện đại, có thể phát hiện dư lượng thuốc lên đến phần ngàn, phần triệu. Nên giảm chưa đủ mà chúng ta còn phải ngăn chặn tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nếu muốn bán hàng ra thế giới, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc… mà chúng ta mất rất nhiều công sức mới đưa hàng vào được.
Chặn từ đầu vào
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết: Khi phát hiện tình trạng các lô hàng có dấu hiệu chất cấm hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm vượt ngưỡng, nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp cảnh báo và tổ chức đoàn sang VN kiểm tra. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các nước có thể cấm nhập khẩu, khi đó thiệt hại là rất lớn.
Chính vì thế, gần đây Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế việc mua bán, sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản, kèm theo danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thủy sản…
Tuy nhiên, ông Sẻn cũng như nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL đều tỏ ra “bất lực” để nhận diện. “Tôi đã hơn 50 tuổi, mấy chục năm làm nông dân, tiếng nước ngoài không biết làm sao phân biệt được tên sản phẩm với hóa chất nào trong đó. Có nhìn mặt chữ thì cũng làm sao biết chất nào cấm hay không cấm, danh sách cập nhật ở đâu ra để tìm hiểu. Đây là phần trách nhiệm quản lý của nhà nước, loại nào không được dùng phải cấm không cho nhập khẩu. Ai nhập lậu thì xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Sẻn nói.
Ngay cả doanh nghiệp vẫn nơm nớp lo. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thủy sản xuất khẩu lớn bổ sung: “Trước nay chúng tôi phải thường xuyên đầu tư, cải tiến hệ thống máy móc, giám sát chất lượng nguyên liệu đầu vào để tránh những sản phẩm có chất cấm vào nhà máy. Nhưng thật sự vẫn không thể giám sát hết được. Xử phạt một hai trăm triệu đồng không phải là quản lý. Vấn đề ở đây không phải phạt bao nhiêu, phạt như thế nào mà là cách thức quản lý. Ví dụ một hóa chất có liên quan tới những ngành khác thì phải quy định rõ mục đích sử dụng của doanh nghiệp nhập khẩu; kiểm tra hàng hóa đầu ra, đầu vào để không sử dụng sai mục đích như trường hợp chất tạo nạc trong chăn nuôi heo. Phải thật mạnh tay với anh nào nhập khẩu trái phép, phải đóng cửa rút giấy phép luôn. Vì nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế và thủy sản chính là thế mạnh trong nông nghiệp”.
Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong nuôi trồng thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 60 – 90 triệu đồng đối với hành vi mua bán, nhập khẩu, sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất thức ăn thủy sản… Phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất và mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản mà tổng giá trị các sản phẩm thức ăn vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự… Mức xử phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi.
(Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản)
|
Theo Thanh Niên