8 đại kỵ ăn uống cần nhớ để ‘nhập gia tùy tục’ khi du lịch nước ngoài

0
794

Không nối đũa, không đưa thẳng thức ăn từ dĩa vào miệng, không rót đầy cốc trà là các nguyên tắc cần tránh ở một số quốc gia.

Ăn uống cũng là một phần thể hiện văn hóa của mỗi quốc gia. Có những phong tục là bình thường ở nước này lại trở nên không hay khi du lịch tới một quốc gia khác. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên tắc ăn uống nào cần tránh để “nhập gia tùy tục” khi đi du lịch nước ngoài.

1. Rót nửa tách trà ở Dubai và Kazakhstan

Nếu hẹn bạn hay mời khách ở Dubai và Kazakhstan, bạn nên rót trà nửa cốc thay vì rót đầy. Với người dân địa phương, nếu rót đầy cốc trà sẽ có ý nghĩa “mời bạn uống nhanh và rời đi”, như vậy bị đánh giá là thiếu lịch sự. Bạn nên rót nửa cốc trà hoặc ít hơn để tạo cảm giác về một cuộc trò chuyện thú vị và bạn muốn kéo dài cuộc hẹn này. Cốc trà đầy mang hàm ý “đã đến lúc phải về nhà rồi”.

2. Không rửa bình trà quá sạch ở Trung Quốc

Ở Trung Quốc, người ta không rửa ấm trà bằng những loại nước tẩy rửa. Ngoài việc lo ngại hóa chất vệ sinh, theo phong tục nước này, ấm trà chỉ nên rửa bằng nước sạch hoặc loại cát đặc biệt dùng cho việc này. Bởi ấm trà cũng có “linh hồn”, nếu rửa sạch chúng bằng hóa chất được coi như đã “giết chết” linh hồn và làm cho việc uống trà không còn nhiều ý nghĩa.

3. Không nên yêu cầu thêm phô mai ở Italy

8 nguyên tắc ăn uống cần nhớ để nhập gia tùy tục - 1

Không thể tưởng tượng được món pizza hoặc mì ống mà không có thêm phô mai. Và mặc dù người Italy thích sản phẩm này nhưng tốt nhất là không nên yêu cầu thêm phô mai khi tới đây. Có thể bạn từng đi Italy và yêu cầu thêm phô mai cho món ăn của mình mà không gặp bất kỳ cản trở nào. Tuy nhiên, trong văn hóa địa phương, việc này được ví như “không hài lòng” với đầu bếp. Việc này cũng mang thông điệp món ăn dở và bạn muốn thay đổi nó.

4. Không yêu cầu muối và hạt tiêu ở Bồ Đào Nha hoặc Ai Cập

Tương tự như phô mai, muối và hạt tiêu cũng rất phổ biến trong mọi bữa ăn trên toàn thế giới. Nhưng ở Bồ Đào Nha và Ai Cập, việc yêu cầu thêm 2 loại gia vị này giống như nói với đầu bếp rằng họ chưa làm tốt phần việc của mình và bạn phải thay họ làm nốt. Dù vậy, trên bàn ăn đều có sẵn 2 loại gia vị này, bạn nên “lẳng lặng” thêm vào, thay vì yêu cầu với bồi bàn.

5. Không đưa dĩa thẳng vào miệng ở Thái Lan

8 nguyên tắc ăn uống cần nhớ để nhập gia tùy tục - 2

Dĩa là một vật dụng phổ biến trên toàn thế giới nhưng không phải ở đâu cách sử dụng cũng giống nhau. Ở Thái Lan, việc dùng dĩa đưa thẳng thức ăn vào miệng được coi là một hình ảnh không đẹp. Bạn nên đưa thức ăn từ dĩa vào muỗng, rồi đưa vào miệng.

6. Không ăn sạch đồ ăn ở Trung Quốc

8 nguyên tắc ăn uống cần nhớ để nhập gia tùy tục - 3

Ở các nước phương Tây, việc ăn hết sạch đồ ăn được đánh giá cao vì lịch sự và tôn trọng đầu bếp. Còn ở một số quốc gia châu Á, nhất là Trung Quốc, việc ăn hết sạch sành sanh đồ ăn trong bát bị đánh giá là bất lịch sự. Chiếc đĩa trống hàm ý “trách cứ” đầu bếp không phục vụ đủ lượng thức ăn và khiến bạn bị đói. Do đó, khi ăn, nên để dư lại một ít thức ăn dù nó ngon cỡ nào. Tất nhiên, bạn không nên “bỏ mứa” vì như vậy rất lãng phí thức ăn.

7. Nghi thức uống trà cầu kỳ ở Anh

Người Anh có truyền thống uống trà vào lúc 17h nhưng đây không phải là tất cả nghi thức cầu kỳ của họ. Đầu tiên, khi uống trà, người Anh thường cho thêm sữa. Thứ hai, họ thích một cốc trà mát, không nóng nhưng cũng không cho thêm đá. Thứ ba, người Anh thường khuấy tách trà rất nhẹ nhàng và tuyệt đối không phát ra âm thanh ồn ào.

8. Hãy cẩn thận khi dùng đũa

8 nguyên tắc ăn uống cần nhớ để nhập gia tùy tục - 4

Ở các quốc gia phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, việc chống đũa thẳng xuống bát cơm đầy được coi là một điềm gở vì nó gợi nhắc đến những đám tang và điều không may mắn. Còn ở nhà hàng, hành động này của nhân viên được xem là xúc phạm khách ăn. Ngoài ra, bạn không nên nối đũa khi gắp thức ăn, tức là chuyền thức ăn từ đũa người này sang đũa người khác bởi nó giống với nghi thức khi hỏa táng người chết. Bạn nên đặt món ăn xuống đĩa hoặc bát, sau đó gắp tiếp.

Theo Brightside – Ngoisao.net