Đâu phải chỉ vì chuyện dạy đánh vần…

0
570

(TBKTSG) – Trong cuộc tranh cãi sôi nổi trên các mạng xã hội những ngày qua liên quan đến cách dạy đánh vần tiếng Việt của “công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại”, tôi tự hỏi lò dư luận nóng ran (nhiều vị nói không chừa lời) có phải chỉ vì không đồng tình với phương pháp dạy đánh vần ấy?

Trước tiên, đó là cách ráp vần tiện dụng dựa trên âm, vì “tiếng” trước hết là âm. Nó có thể phù hợp cho người dùng tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Còn đối với một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ thì từ trước khi đến trường, trong tai, trên miệng và cả trong đầu của nó đã được “cài” âm một cách tự động rồi. Cái cần hơn của việc học tiếng Việt là đọc để viết. Một nhà ngôn ngữ học nói vậy.

Tôi không bênh vực phương pháp đánh vần này nhưng có sự thông cảm khi thời điểm nó ra đời cách nay đã mấy chục năm, các phương tiện nghe nhìn, truyền thông, Internet… không phổ biến như bây giờ. Phụ huynh có con đến trường ngày nay có lý khi đặt lại vấn đề: bây giờ mà dạy ráp vần thì e rằng quá lạc hậu, vì rõ ràng, gia đình và nhà trường không tận dụng hết các phương tiện nghe nhìn để giúp các em vừa vui vừa đọc được ngay các con chữ. Một người thầy có nhiều năm đào tạo học sinh giỏi ngoại ngữ nói rằng cứ lấy dàn karaoke ra, chọn những bài hát thiếu nhi ưa thích cho các cháu hát thì chỉ trong vòng vài tuần, các cháu sẽ đánh vần và đọc được chữ. Ông cho biết ông cũng từng áp dụng những cách “dạy học vui” để dạy ngoại ngữ, như vừa bày cho học sinh hát vừa dạy tiếng nước ngoài theo các bài hát. Kết quả là học sinh thu nạp tốt gấp nhiều lần so với những giờ tập luyện tiếng và giảng kiến thức ngôn ngữ.

Nhà trường là nơi phản ánh tất cả các yếu tố cấu thành xã hội. Cha mẹ nào đưa con cái đến trường cũng đều muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình trong học tập và điều họ cần nhất là sự an tâm. Đa số họ là những người lao động ăn lương trong cuộc sống chật vật, làm ăn khó khăn và cần trang trải nhiều thứ chi phí. Và nay, họ phải đứng trước một rừng sự lựa chọn để quyết định đưa con đến trường công hay trường tư, trường chuyên hay trường bình thường, trường học phí cao hay trường học phí thấp, trường quốc tế hay theo chương trình giảng dạy trong nước… cộng với hàng loạt sự thay đổi mỗi năm trong ngành giáo dục về thi cử, về sách giáo khoa, về học phí và nhiều thứ lạm thu. Nếu nhìn từ chiều kích này, cách dạy theo công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại chỉ là một vế của cơn thịnh nộ của dư luận. Vế kia ở đâu đó chính là sự bất an của phụ huynh, không dám tín nhiệm vào khả năng và trách nhiệm của nhà trường.

Trong khi nhiều bậc phụ huynh mong chờ con em họ khi ra trường có thể chứng tỏ được nhân phẩm của một con người có giáo dục, biết chọn nghề kiếm sống, biết định hướng tương lai, thì cái khủng hoảng hiện nay do nhà trường tạo ra là nhà trường chỉ là nơi đón trẻ thơ vào học mà chưa tìm thấy mục tiêu giáo dục nằm ở đâu. Trước nhiều vấn đề bức xúc đối với ngành giáo dục, những tranh cãi về cách dạy đánh vần hiện nay đã biến thành khủng hoảng truyền thông. Xem ra chuyện công nghệ giáo dục chỉ là cái cớ…

Theo NCĐT