Trang chủ Quản lý & Lãnh đạo PR: Phải chăng chỉ là chuyện vụng chèo khéo chống?

PR: Phải chăng chỉ là chuyện vụng chèo khéo chống?

0
978

Sống ở đời, người ta sợ nhất là bị chê. Khổ nỗi khen chê lại là thiên chức của con người nên người ta không thể tránh hết được chuyện chê và bị chê.

Ông bố bà mẹ nào mà có đứa con hay nghịch thì hẳn là sẽ vất vả, vất vả trông cho nó bớt nghịch ở nhà đã đành mà còn vất vả chạy tới chạy lui giải thích, rồi xin lỗi hàng xóm về những việc không may con mình gây ra, làm phiền đến họ. Hôm nay thì đá bóng gây ồn ào, mai lại vặt mấy quả xoài non trước cửa…, ngày nào mà không phải ỉ ôi: “Cô chú thông cảm, để tôi về dạy cháu, lần sau sẽ không để nó nghịch thế nữa!”, “Ông bà thứ lỗi, cháu nó còn bé, nghịch dại quá!”. Khó chịu trong lòng lắm, bực mình lắm vì con mình bị mắng (mặc dù vẫn biết là đáng bị như vậy)! Tâm lý chung ai cũng thế cả; cái gì của mình mà bị chê trách thì cứ khó chịu trước cái đã.

Các ông bố bà mẹ cũng thường tranh thủ lúc phân bua với hàng xóm mà chữa cho con mình đôi lời. “Ra đường nó thế chứ ở nhà cháu ngoan lắm!”. “Ấy, ở nhà mọi người chiều nên hơi quá trớn, chứ cháu học giỏi, ở trường thầy cô khen lắm!”. Thêm vào chút điều hay vừa để an ủi, vừa để bù trừ bớt những lời chê của mọi người là phản xạ rất tự nhiên của tất cả chúng ta. “Anh ấy nghèo nhưng được cái… đẹp trai!”. “Cô ấy không xinh lắm nhưng rất… tử tế!”. Thường thường vẫn hay nghe như thế.

Nhu cầu gìn giữ hình ảnh của bản thân trước người khác là nhu cầu rất con người. Lúc bình thường thì không nói làm gì, lo nhất là những lúc… bất thường. Nào có ai sống cả đời mà không bất thường bao giờ! Hôm thì vội vàng ra đường mà mặc nhầm… áo trái; hôm thì nhiều cảm xúc quá mà to tiếng với ai đấy; hôm khác lại vô tình làm đổ vỡ đồ đạc ở chỗ đông người; rồi có khi mượn tiền, hứa trả mà rồi sai hẹn do… ngân hàng nghỉ làm việc đột xuất. Chuyện nhỏ có, chuyện lớn có, và chúng đều ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của bản thân trước mọi người xung quanh. Rõ là khổ! Phải làm thế nào bây giờ, để mà mọi người không vì thế mà thay đổi thái độ đối với mình, và nhờ thế mà quan hệ vẫn tốt đẹp.

Còn một cái khó nữa, đó là khi mà một tình huống không hay xảy ra thì thường có nhiều người nhìn thấy. Giả dụ chỉ có mỗi mình với một tay X nào đấy thì dễ, cứ mời hắn ly café hay cốc bia rồi bảo hắn “tế nhị” một chút là xong. Nhưng không, ở đây thường là cả xóm, cả cơ quan, có khi tất cả khách có mặt ở nơi mình gặp chuyện bất trắc đều nhìn thấy, không giấu đi đâu được! Mời tất cả họ đi uống bia hay café là quá khó và thật ra là không hiệu quả; nếu làm thế thì sẽ chỉ chuốc thêm rắc rối mà thôi! (Không tin thì bạn cứ thử xem sao!)

Chuyện dông dài thế để thấy rằng, với bất cứ chủ thể nào thì việc quản lý hình ảnh của chính mình là chuyện rất bình thường và đã có nguồn gốc từ… rất xưa. Nói “quản lý hình ảnh” nghe xa xôi và trừu tượng, chứ thật ra đó là làm thế nào để niềm tin mà mọi người đặt vào mình là không sứt mẻ, những gì họ đã từng nghĩ về mình được bảo tồn, cái gì không hay thì sẽ giảm nhẹ đi, còn cái gì hay thì sẽ được tăng thêm…

Cá nhân là như thế và các công ty lại càng phải như thế, bởi nếu lơ là thì sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng. Đừng ngạc nhiên nếu hôm nào đó công ty cần mua nguyên liệu mà các nhà cung cấp lại từ chối bán, hoặc bán nhưng yêu cầu trả tiền ngay và giá đắt hơn trước. Họ nghe được tin công ty đang nợ quá nhiều đấy thôi! Cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy doanh số tự nhiên sụt giảm, các đại lý đều phản ảnh là người tiêu dùng không muốn mua hàng của công ty như trước. Họ nghe nói công ty sử dụng hóa chất gây ung thư trong sản xuất đấy mà!

Nếu ông bố bà mẹ để đến hôm con bị hàng xóm mắng rồi mới vừa xin lỗi vừa khen chữa vài câu thì quá muộn. Người khéo léo hơn sẽ làm cho hàng xóm biết đến con mình như một đứa trẻ ngoan, thậm chí rất ngoan, để lỡ hôm nào cháu có bứt vài quả xoài xanh ở vườn bên cạnh thì bác hàng xóm cũng dễ dàng xí xóa, bảo rằng: “Trẻ mà, tiếc gì quả xoài! Hôm sau thèm ăn thì xin nhé, bác hái cho!”.

Nhiều ông bố bà mẹ đã rất khéo léo như thế rồi nhưng vẫn có thể còn… khéo hơn nữa! Thấy con đem về mấy quả xoài non, hỏi vài câu là biết hàng xóm chưa kịp “mắng vốn”, thế là liền chạy sang gõ cửa, gửi bác hàng xóm gói bánh mới mua ở siêu thị về, nhân tiện thưa luôn là: “Cháu nó thèm ăn xoài xanh, sáng nay sang xin mà bác không có nhà nên đã… hái luôn rồi! Em thưa chuyện để bác biết!”. Đến thế thì ai nỡ mắng mỏ gì nữa, có khi còn khen thầm trong bụng: “Nhà ấy biết điều!”.

Ở công ty, nếu chúng ta thấy một anh chị em nào đấy chạy tới chạy lui, hôm thì tổ chức gặp gỡ báo chí để công bố kết quả kinh doanh rất phấn khởi của quý 3, hôm lại công bố công ty vừa đưa dây chuyền sản xuất giá trị trăm tỷ vào hoạt động, rồi cứ đến hẹn lại lên, thấy họ tất bật với chương trình “Tết vì người nghèo”, “Trung thu cho trẻ thiếu may mắn”…, thì đích thị anh chị em đấy đang làm pi-a (PR)! Hình ảnh của công ty nhờ việc làm của họ mà được xã hội biết đến.

Vài thập niên trước thì chưa, chứ bây giờ thì PR là một nghề có tính chuyên môn rất cao, người làm nghề này cần đạt đến độ chuyên nghiệp cũng rất cao. Các môn học liên quan được giảng dạy rất trân trọng ở các trường quản lý và rất nhiều sách vở viết ra chỉ dành riêng cho giới này. Nghe thế là thấy… phức tạp rồi!

Đơn giản hơn được không? Được. Hãy chịu khó nhớ lại những gì bố mẹ ta đã làm để hàng xóm yêu mến chúng ta và thử áp dụng vào công việc xem sao! Có vẻ như gần gũi và dễ hiểu hơn đấy!

B. K. H

0 BÌNH LUẬN