Ngày Xuân, nghĩ về gia đình và tổ tiên…

0
1037

Ai trong chúng ta cũng biết, Tết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tinh thần người Việt. Dù đi đâu, về đâu, vào những ngày này người ta đều muốn họp mặt với các thành viên khác trong gia đình. Việc thờ cúng tổ tiên trong ngày trọng đại này lại càng cần thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Không biết từ lúc nào, Tết dược coi là dịp để mọi người tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội, là dịp sum họp gia đình… Thực tế, công việc thờ cúng ông bà, tổ tiên được người Việt ta thực hiện quanh năm vào các dịp lễ, Tết như: giỗ chạp, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan Ngọ, Tết Cửu trùng, Lễ Vu Lan…

Với những nhà chủ trương thờ cúng đơn giản thì có mâm ngũ quả với những nén nhang thơm bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã khuất. Trọng đại hơn, người ta làm những mâm cỗ cúng với đầy đủ các món ngon và rượu thơm. Lúc này, việc tổ chức long trọng thật sự biến ngày cúng giỗ thành một ngày hội thiêng liêng của gia đình, dòng tộc. Các thành viên từ già đến trẻ đều tề tựu đông đủ trước bàn thờ, cùng hướng lòng mình về với tổ tiên, nguồn cội trong một không khí trầm lặng, trang nghiêm và cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình…

Trong đời sống tinh thần của người Việt ta, niềm tin về sự tồn tại vĩnh viễn (dù là vô hình) rất mạnh mẽ. Cha ông ta tin rằng mỗi một thành viên của gia đình mặc dù đã mất đi nhưng luôn hiện diện trong sự duy trì, ổn định và phát triển của một gia đình. Bởi vì sự mất đi ấy không phải là tan biến mà là đến một thế giới khác, vĩnh hằng, siêu nhiên nên linh hồn họ vẫn sống và vẫn dõi theo từng nhịp sống, nhịp biến đổi của gia đình mình. Họ sẽ luôn giúp đỡ con cháu tránh được những điều xấu, không may và mở ra những hướng đi mới tốt đẹp, hạnh phúc… Sự thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất mặc nhiên trở thành điều thiêng liêng và cần thiết trong đời sống tâm linh người Việt, tạo nên một bản sắc văn hóa rất riêng của dân tộc Việt Nam. Không dừng lại ở khuôn khổ của một nghi thức, thói quen, việc thờ cúng trở thành một hành động ăn sâu vào máu thịt mà mỗi người dân Việt Nam như luôn được nhắc nhở từ trong tâm thức. Và từ lâu, phong tục đón Tết của cha ông ta cũng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa quý báu mà các thế hệ sau cần phải giữ gìn và phát huy…

Ngày 30 Tết, người ta làm mâm cơm cúng và mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu trong không khí gia đình ấm cúng, quây quần. Nhang, đèn từ lúc đó trở đi cho đến hết ngày mùng ba Tết luôn được thắp sáng và mâm cơm cúng luôn được chuẩn bị chu đáo mỗi ngày, bên cạnh hoa, quả, bánh oản… Vào đúng thời khắc giao thừa, người ta đem nhiều vật lễ ra ngoài trời để cúng tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Theo tương truyền, tồn tại xung quanh chúng ta là một thế giới khác mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được. Cuộc sống và mọi hoạt động của chúng ta đều có các vị quan nhà trời giám sát. Mỗi năm, Thượng đế sẽ thay các vị quan quân này và phút giao thừa là lúc mà các quan cũ và mới phải bàn giao công việc cai quản hạ giới cho nhau. Không khí lúc đó rất khẩn trương và náo nhiệt, thời gian không có nhiều nên các quan, quân không thể ghé vào nhà mà thưởng thức, do vậy phải cúng ngoài trời, vừa đưa tiễn các vị cũ, vừa đón tiếp các vị mới.

Nhìn chung, phong tục đón Tết và nghi lễ thờ cúng trong những ngày Tết ở mỗi gia đình, dòng họ có khác nhau song đều thể hiện sự thành kính, tôn nghiêm của các thế hệ cháu con đối với ông bà, tổ tiên. Qua đó cho thấy những bản sắc văn hóa độc đáo và đạo lý sống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta, hướng các thế hệ cháu con gắn bó với cội nguồn, gốc rễ trong một cái Tết truyền thống giàu ý nghĩa và thiêng liêng.

Yên Thảo

 xuan2