Kiểm soát – “Tin, nhưng tin vào cái gì”

0
746

Rất nhiều khi, ta ôm và lắc mạnh vai ai đó, siết thật chặt tay và nói rất dứt khoát: “Tớ tin cậu!”. Xong rồi thì cả hai cùng ngẩn ngơ, bên này thì không biết tại sao người ta tin mình, bên kia thì lẩm nhẩm: “Nói thì nói vậy…” Rất nhiều khi khác, ta nói rất mạnh mẽ với ai đấy: “Anh phải tin em!”. Đó là lúc ta biết rõ hơn ai hết niềm tin đang ở chỗ nào.

Để tin và được tin là khó lắm, cho nên, tốt hơn hết, và lại dễ dàng nữa, là… đừng tin ai cả. Nhưng như thế thì lại kẹt! Tin thì khó mà không tin thì kẹt. Không tin thì chỉ có một cách là đừng làm gì với ai.

Con người sinh ra đã là một lưỡng nan và lúc nào cũng ở vào cảnh lưỡng nan, toàn những chuyện mà “đi thì cũng dở, ở không xong”. Niềm tin tự nó là phù phiếm. Cho dù rất ít khi chúng ta nói với người khác rằng ta không tin họ thì sự thật niềm tin vẫn cứ là phù phiếm, chiến lược hay chiến thuật gì thì cũng thế mà thôi.

Lấy gì để thay thế cho thứ phù phiếm nhưng lại không thể thiếu đấy bây giờ? Bởi, biết rằng không tin được nhưng vẫn cứ muốn tin, hơn nữa thì cũng chẳng có lựa chọn nào khác. Lưỡng nan là vậy.

Để nghĩ cách, hãy bắt đầu bằng một câu hỏi: “Giả sử anh tin tôi, thì là anh tin vào cái gì?”. Nôm na hơn, có thể hỏi: “Tại sao “mày” tin “nó”?”. “Nó rất giữ lời, không dối trá, nói gì làm đó, không bội ước…”. Có thể rất nhiều và chi tiết nhưng vẫn chưa… cụ thể.

Ngắn gọn, tin là tin vào hai thứ. Thứ nhất, có thông suốt, có minh bạch hay không, anh làm tôi có biết hay không, khi cần biết thì tôi có biết hay không, tóm lại, anh có ý muốn “qua mặt” tôi hay không, hoặc là phát biểu cách khác: có vì suy nghĩ hay ý định nào của anh mà tôi sẽ không biết việc anh làm hay không. Thứ hai, anh có khả năng giữ được điều thứ nhất hay không.

Thứ nhất là thiện chí, thứ hai là năng lực; hai thứ đấy là cơ sở của niềm tin. Để cho niềm tin bớt phù phiếm, cần phải củng cố hai cơ sở đó; không còn lựa chọn nào khác. Sự thực là chúng không thể tách rời nhau, bằng chứng là có rất nhiều người có ý chí vững vàng, kiên trung nhưng bỗng dưng trở thành kẻ phản bội bởi vì thiếu năng lực… chịu đựng (“Bị tra tấn quá thì thôi khai cho rồi, chứ đâu có muốn thế!”).

Trở lại với câu chuyện quản lý. Trong các bài học dạy làm sếp, người ta vẫn hay dạy rằng, để trở thành sếp giỏi thì phải tin cấp dưới; trong bài học dạy làm nhân viên thì người ta cũng dạy là để trở thành nhân viên giỏi thì phải tin sếp. Dưới tin lên, trên tin xuống, tóm lại phải tin nhau. Tuyệt hay, nhưng nếu chỉ dạy đến đấy thì không ổn, mà nếu chỉ học đến đấy thì sẽ bất ổn.

believe

Bởi như đã nói, niềm tin là phù phiếm; còn nếu thực sự muốn tin thì phải có cơ sở, mà muốn có cơ sở thì phải xây dựng (y như đi làm cách mạng vậy)! Cơ sở ở đây chính là cơ chế kiểm soát, là hệ thống quản lý, là công cụ để đảm bảo niềm tin. Dứt khoát phải có công cụ mới được, làm gì cũng vậy; công cụ mới là cái thể hiện được trình độ, chứ không phải là ý chí.

Mọi thứ bắt đầu bằng việc xác lập một thói quen, đó là thói quen minh bạch: lưu vết, khai trình, báo cáo, xác nhận. Nói vậy chứ làm được là khó lắm, bởi người ta ai cũng muốn tự do, không muốn người khác nhòm ngó đến việc mình làm. Khó nhất là phải đương đầu với câu hỏi: “Cái này có gì mà phải phức tạp thế! Anh không tin em à?”. Câu trả lời đúng nhất: “Không phải là tin hay không tin, mà ở đây là phải làm như thế”. Đừng giải thích gì thêm; với những thứ liên quan đến niềm tin thì đều nên làm như vậy, bởi càng giải thích càng dở.

Sự xuề xòa, dễ dãi dưới bất cứ hình thức nào và vin vào bất cứ lý do gì đều làm hỏng cơ sở của sự tin cậy. Ngược lại, chính sự chặt chẽ, nghiêm cẩn sẽ tạo nên môi trường tốt để niềm tin đơm hoa kết trái. Nguyên tắc rất đơn giản: đừng tin vào con người bởi anh ta rất dễ… sa ngã, mà hãy thiết lập hệ thống sao cho những người ở trong đó dù có muốn sa ngã cũng không được. Hệ thống – tức là cái cách mà chúng ta tương tác với nhau – giúp tăng độ minh bạch đồng thời bù đắp các khiếm khuyết của con người, vốn rất nhiều “bệnh tật”.

Đây là một lưỡng nan mà nếu không biết về nó và không hiểu nó tường tận thì chúng ta sẽ làm khó chính mình: ai trong chúng ta cũng muốn có sự minh bạch khi nhìn ra bên ngoài, nhìn vào người khác, trong khi đó thì lại luôn tìm cách che đậy để khi người khác nhìn vào chúng ta thì họ… chẳng thấy gì! Quá đáng nhưng thật. Vẫn giống như chuyện Vũ Trọng Phụng đã kể, rằng phụ nữ là phải thật “Âu hóa”, thật “tân thời”, nhưng đấy là đang nói về phụ nữ nhà… hàng xóm, chứ nhà mình thì không, dứt khoát không!

Một lần nữa, chỉ bằng cách thiết lập tốt các qui tắc và điều kiện làm cơ sở cho niềm tin thì chúng ta mới có thể yên tâm mà làm việc với nhau. Thiếu các cơ sở đó thì chẳng còn cách nào khác ngoài cách là phải… thề, mà thề thì khó tin lắm, bằng chứng là đã bao lần thề sẽ không xỉn nữa nhưng cứ hễ nhậu là lại xỉn, đơn giản là do… thiếu năng lực, chứ có ai muốn thế đâu!

B. K. H