‘Cuốc ảo’ và chiêu trò của tài xế thời công nghệ

0
551
Hai tay 2 app (ứng dụng), nhờ khách đặt chuyến “ma”, thậm chí tự đặt cuốc xe để lấy tiền khuyến mãi… giới tài xế ngày càng có nhiều chiêu trò trục lợi từ cuộc chiến công nghệ.
Đủ chiêu trục lợi
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á, sự góp mặt của một loạt cái tên “sáng giá” cả trong nước và nước ngoài như VATO, Aber hay mới đây nhất là Go-Viet đang tiếp tục châm ngòi cho cuộc chiến giữa các ứng dụng công nghệ tham gia vào lĩnh vực vận tải.
Bước đi đầu tiên nhằm giành thị phần của tất cả các tay chơi mới là tung loạt khuyến mãi “khủng” thu hút khách hàng và nhiều ưu đãi hấp dẫn để nhanh chóng chiêu mộ tài xế. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để giới tài xế vận dụng đủ chiêu trò nhằm trục lợi từ các đơn vị cung cấp ứng dụng.
Đặt xe của Go-Viet từ nhà đến cơ quan, quãng đường chưa đầy 2 km nên chị Trần Thùy Trang (ngụ quận 4, TP.HCM) chỉ phải trả số tiền 5.000 đồng, theo đúng chương trình khuyến mãi khai trương của hãng. Tuy nhiên khi đến nơi, chị Trang được tài xế nhờ đặt thêm một chuyến đến địa chỉ bất kỳ, miễn dưới 8 km, trong phạm vi khuyến mãi với lý do: “Chị chỉ cần đặt cuốc thôi, không cần trả tiền. Chị không mất gì mà lại giúp em có được ổ bánh mì ăn trưa. Em tranh thủ sáng nghỉ học chạy mấy cuốc mà trừ xăng xe cũng chẳng còn bao nhiêu” – tài xế năn nỉ.
Hỏi ra mới biết, với mỗi cuốc xe 5.000 đồng. Go-Viet sẽ bù lại cho lái xe 25.000 đồng. Các tài xế nhanh chóng nghĩ ra chiêu nhờ khách đặt cuốc “ảo”, tự trả 5.000 đồng tiền xe nhưng bù lại, kiếm về được gấp 4 lần từ hãng.
Trong vai tài xế mới vào nghề, chúng tôi được tài xế T.T.L chỉ cho mánh “phân thân chi thuật”. Không cần nhờ khách hàng, tài xế tự tải ứng dụng dành cho khách, tự đặt chuyến, trả 5.000 đồng và nhận 25.000 đồng tiền bù. “Bình thường thì vẫn chạy thôi, nhưng nhiều khi có việc, ngày chạy được ít quá thì cũng lôi bài này ra xài. Hãng nó cũng có biết đâu mà. Tôi là còn ít chứ có nhiều anh cả ngày ngồi phân thân thôi cũng được cả mấy trăm nghìn” – chú L. cho hay.
Cần chế tài quản lý 
Mỗi khi có một ứng dụng mới ra đời với nhiều ưu đãi, một cách tự nhiên nhất, làn sóng tài xế ồ ạt từ hãng này qua hãng khác để hưởng khuyến mãi lại diễn ra. Khái niệm khá quen thuộc xuất hiện từ “thời chiến” Uber – Grab là “tài xế hai mang”, ý chỉ những tài xế cùng lúc sử dụng hai hoặc nhiều ứng dụng từ các hãng khác nhau lại được dịp bùng nổ.
Đối với các doanh nghiệp đã sở hữu lượng tài xế hùng hậu như Grab, họ yêu cầu tài xế chỉ được chạy duy nhất ứng dụng để đảm bảo khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ. Cùng với đó là loạt quy tắc áp dụng cho tài xế hay hủy chuyến, áp tỷ lệ hủy chuyến cho cả hành khách để hạn chế tình trạng lái xe lách phạt, nhờ khách hủy chuyến.
Tuy nhiên với các hãng mới, phải chiêu mộ nhiều tài xế để nhanh chóng gia tăng số lượng đầu xe nên không đặt nặng vấn đề dùng một hay nhiều app. Quy trình kiểm định, giám sát cũng bắt đầu nới lỏng. Nhiều trường hợp tài xế vi phạm quy tắc của ứng dụng này lại dễ dàng “nhảy” qua ứng dụng khác, gây mất an toàn cho hành khách.
Đại diện một ứng dụng công nghệ cho biết : Với vai trò là đơn vị môi giới, cung cấp dịch vụ, tài xế cũng là đối tác của các doanh nghiệp. Vì thế ít có chuyện làm khó tài xế, thậm chí các hãng càng phải o bế để hút lái xe. Tuy nhiên, nếu không có quy tắc, chế tài chặt chẽ, thị trường gọi xe công nghệ sẽ trở nên hỗn loạn, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà bản thân các doanh nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn.
“Mặc dù không sở hữu tài xế nhưng mỗi khi xảy ra sự cố, khách hàng thường chỉ trích, tẩy chay hãng cung cấp ứng dụng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng gian lận của một bộ phận không nhỏ tài xế làm ăn chụp giựt, trục lợi khiến doanh nghiệp thất thu, không nắm bắt được thực tế nhu cầu. Ứng dụng, tài xế và khách hàng là kiềng ba chân không thể tách rời. Thái độ hợp tác tốt sẽ đem đến lợi ích chung cho cả ba, xây dựng môi trường kinh doanh thời công nghệ văn minh, lành mạnh” – vị này nhấn mạnh.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với vai trò môi giới, các doanh nghiệp như Grab, Go-Viet có quyền chọn đối tác tốt để bảo vệ hình ảnh nhưng không phải chịu trách nhiệm về chất lượng của tài xế. Ở thời điểm hiện tại, lực lượng tài xế chịu sự quản lý của các hiệp hội, hợp tác xã. Khi có bất cứ sự cố nảy sinh giữa tài xế và khách hàng, đơn vị này sẽ đứng ra giải quyết, xử lý, chịu trách nhiệm và cũng cần xây dựng bộ quy tắc, chế tài xử phạt đối với các hành vi cố tình vi phạm.
Theo Thanh Niên