Chính phủ cần tạo ra nhiều hơn các kênh đầu tư chính thống, uy tín đồng thời kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân mà có chuyên gia dự báo lên tới 60 tỉ đô la Mỹ.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây, ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng tiềm năng lớn từ nguồn tiền nhàn rỗi 60 tỉ đô la trong dân vẫn chưa được huy động. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kênh đầu tư sinh lời an toàn, hấp dẫn cho người dân.
Ông Nguyễn Trí Hiếu hiện đảm nhiệm cương vị thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình. |
Phân tích về những kênh đầu tư hiện hành, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa hấp dẫn, ngược lại, cổ phiếu doanh nghiệp là những kênh đầu tư đang được nhiều người lựa chọn. Các kênh đầu tư vàng, ngoại tệ cũng đem lại sự an toàn cao hơn. Ông Hiếu đưa ra bốn giải pháp để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân.
Thứ nhất, Việt Nam có thể áp dụng mô hình Quỹ hưu trí 401K của Mỹ. Quỹ này do doanh nghiệp lập ra, được người lao động đóng góp 5% mức lương hàng tháng và doanh nghiệp góp một số tiền tương ứng vào quỹ. Quỹ tích lũy sẽ dành cho người dân lúc về hưu và cũng là kênh đầu tư hiệu quả, tạo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tạo chính sách mở cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Hiện chỉ những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn mới được phát hành trái phiếu. Còn những doanh nghiệp nhỏ, ít vốn vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Thứ ba, khuyến khích mở các công ty xếp hạng tín nhiệm về tín dụng để cung cấp thông tin cho người đầu tư. Đơn vị này cần có khả năng thẩm định uy tín, người dân sẽ dựa vào các đánh giá này để an tâm đầu tư hơn.
Thứ tư, tạo các quỹ đầu tư khuyến khích phát triển vốn trung và dài hạn. Quỹ là trung gian tài chính, khác với vốn ngân hàng chỉ là vay ngắn hạn.
“Các startup vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp, “rờ” tới quỹ ngân sách thì các ngân sách đóng cửa, dường như chi phí hỗ trợ doanh nghiệp rất khắt khe, nhiều startup “chết non” ngay từ khi hình thành. Việc quỹ chịu lỗ để các startup phát triển phải là hoàn toàn bình thường, không thể có lối suy nghĩ là quỹ đó được tạo ra với mục đích hòa vốn hay thu lợi nhuận được”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 nhà đầu tư cổ phiếu, một con số khiêm tốn so với các nước khu vực. Một lý do dễ hiểu là để tránh những rủi ro, nhiều nhà đầu tư có xu hướng mua các tài sản an toàn như vàng phòng khi thị trường biến động hoặc lạm phát tăng cao. Vì vậy, theo ông Hiếu, muốn nguồn lực ẩn trong dân không nằm chết trong tủ, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Có nhiều năm hoạt động trong ngành bất động sản, tài chính, ông Đỗ Văn Trắc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), lý giải việc vốn nằm trong dân chưa được huy động nằm ở chỗ người dân phải lựa chọn giải pháp an toàn nhất để đầu tư, trong khi các kênh đầu tư hiện nay đều chứa quá nhiều rủi ro, từ bất động sản đến cổ phần, chứng khoán.
“Tiền ảo trong thời gian qua đã có quá nhiều tai tiếng, mặc dù đã từng giúp nhiều người đạt được số tiền khổng lồ, nhưng sau đó, nhiều người cũng phải “nhảy lầu” vì bitcoin. Chưa kể nhiều vụ án tham nhũng trong ngân hàng mới nghe thôi đã phát sợ rồi!”, ông Trắc nói.
Đối với các kênh đầu tư phi chính thức, ông Trắc nêu ra những vụ lừa đảo kinh doanh tiền ảo hàng ngàn tỉ đồng, cờ bạc qua mạng phải dùng xe tải chở tiền tang vật, và những “cơn sốt” bất động sản, đất nền. Điều này cho thấy nguồn tiền trong dân không ít nhưng muốn huy động thì phải xây dựng niềm tin, tức người dân đầu tư vào phải được đảm bảo có lãi và an toàn phần gốc.
Theo TBKTSG