Tự vệ trên mạng xã hội: Kỹ năng sống cần thiết thời @

0
710
Đã qua rồi thời đại con người tra tấn nhau bằng đòn roi hay vũ khí. Với mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể trở thành quan tòa phán xét người khác, gây tổn thương cho những người không quen biết bằng ngôn từ xấu xa, ác ý.

Hơn một thập kỷ trôi qua, bình luận trực tuyến đã phát triển hơn rất nhiều và vượt xa ý tưởng về một khung bình luận nhỏ nằm dưới các bài báo hay video trên mạng, thay vào đó trở thành một trong những công cụ tương tác chính của mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Chính điều này đã mở ra cánh cửa cho rất nhiều hệ lụy khác xuất phát từ internet như bạo hành ngôn từ qua mạng, quấy rối và lan truyền thông tin sai lệch.

Tin giả lan truyền trên mạng ảo, chỉ hậu quả là thật

Mới đây, trang web Infowars tại Mỹ đã bị nhiều người khổng lồ chính thức “cấm cửa” trên nền tảng của mình vì trong nhiều năm qua phát tán tin giả mạo, bịa đặt. Tuy nhiên dù chứng kiến Apple, Google và YouTube cấm Infowars, Twitter vẫn quyết định cho phép hiển thị nội dung trang này trên nền tảng của mình, sau khi xem xét và đánh giá Infowars không vi phạm chính sách mạng xã hội.

Trên phạm vi toàn thế giới, động thái của Twitter càng cho thấy rõ với tư cách là một người dùng, bạn gần như không có quyền hạn hay kiểm soát gì đối với nội dung sai lệch hoặc kích động mình phải nhìn thấy hằng ngày. Chính những công ty công nghệ mới nắm trong tay “quyền sinh sát”, buộc người dùng phải xem bất cứ thứ gì mình muốn.

Đã qua lâu rồi cái thời thông tin trên mạng có nguồn gốc 100% tới từ người dùng. Với tình hình hiện tại, niềm tin của người dùng với mạng xã hội sẽ dần mất đi cho đến khi chúng ta quyết định đặt dấu hỏi cho mọi thông tin mình xem được trên mạng, dành sự nghi ngờ cho Facebook và Twitter hệt như những gì khán giả đang dành cho show truyền hình thực tế, giáo sư Zizi Papacharissi tại Đại học Illinois bang Chicago đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy về truyền thông đa phương tiện cho biết.

“Tôi nghĩ không ai khác ngoài chính người dùng là những người đang phá hỏng mạng xã hội, bởi chúng ta không biết cách dùng thứ công nghệ này sao cho đúng đắn. Chúng ta cứ phá hỏng nó rồi lại tu sửa mỗi ngày, nhưng đến một ngày, nó sẽ đổ vỡ hoàn toàn”, vị nữ giáo sư nói thêm.

Các “ông lớn” công nghệ từ lâu đã phải cậy nhờ đến hàng loạt công cụ phát hiện bình luận giả mạo từ bot và spammer. Bài kiểm tra phổ biến có tên Captcha test (Completely Automated Procedures for Telling Computers and Humans Apart) vốn dĩ yêu cầu người dùng gõ một dòng ký tự hoặc chọn một loạt ảnh thỏa mãn yêu cầu đặt ra là một ví dụ điển hình. Các biện pháp như xác định loại thiết bị bình luận hoặc vị trí tài khoản bình luận cũng có thể được dùng để định vị bot. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng hacker bây giờ đều có thể dễ dàng qua mặt các giải pháp trên.

Một số tin tặc đang trở nên ngày càng thông minh hơn trong hành vi thực hiện ý đồ. Khi Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC chuẩn bị bãi bỏ đạo luật về trung lập internet (net neutrality) hồi năm ngoái, đã có tới 22 triệu bình luận đăng tải trên website Ủy ban trong khoảng thời gian từ tháng 4/2017 -10/2017 cho thấy sự hoan nghênh ủng hộ quyết định của FCC.

Tuy nhiên, Jeff Kao, một nhà khoa học dữ liệu, bằng cách sử dụng thuật toán machine learning đã phát hiện ra 1,3 triệu bình luận trong số đó là giả mạo được tạo ra bằng bot. Rất nhiều bình luận thoạt nhìn có nội dung và câu từ rất mạch lạc, thuyết phục, nhưng hóa ra chỉ là một bản sao của comment khác, thay thế một số từ khóa bằng từ đồng nghĩa khác.

“Nếu đọc bằng mắt thường từng bình luận một, rất khó có thể phát hiện ra comment giả. Nhưng nếu sử dụng thuật toán phân tích, bạn có thể lọc ra ngay lập tức hàng tá comment fake trong đó”, Kao cho biết.

Tại sao ngôn từ trên mạng lại tàn nhẫn đến vậy?

Có rất nhiều giả thuyết giải thích cho câu hỏi tại sao khi lên mạng phần đông người dùng bỗng trở nên tiêu cực và tồi tệ. Papacharissi cho hay theo kinh nghiệm và những hiểu biết của bà đúc kết lại sau 20 năm nghiên cứu và phỏng vấn mọi người về hành vi khi lên mạng, kết luận nhất quán và phổ biến nhất là: Con người dùng internet để tìm kiếm những gì họ không thể cảm nhận đủ trong cuộc sống thực. Và bởi vì chúng ta đều được dạy phải né tránh, chống cự lại những cảm xúc bốc đồng trước cả thế giới, internet đột nhiên trở thành nơi cho phép con người tạm thời gục ngã trước cám dỗ và trở nên ích kỷ, xấu xa, độc đoán hơn dù chỉ là trong thoáng chốc.

“Internet trở thành lối thoát đơn giản nhất giúp ta giải phóng những bí bách cuộc sống thường nhật, ngay cả khi chúng ta về cơ bản chỉ đang hét vào hư không”.

Đây không phải lối thoát duy nhất, chỉ là lối thoát dễ tiếp cận nhất cho tất cả mọi người. Trước khi có internet, người ta vẫn thường xả giận vào talk show trên TV hay đài radio.

Daniel Ha, nhà sáng lập Disqus, một công cụ theo dõi bình luận khá phổ biến, cho biết chất lượng bình luận thay đổi mạnh dựa trên nội dung bàn luận và đối tượng khán giả. Chẳng hạn, bình luận trong video về một chủ đề ít phổ biến như kiến trúc sẽ thu hút được nhiều nhận xét mang tính đóng góp xây dựng từ người xem. Tuy nhiên, nếu là MV âm nhạc của một nghệ sĩ nổi tiếng, điều đó có nghĩa số lượng khán giả xem và bình luận video sẽ rất lớn, kéo theo đó là rất nhiều cuộc khẩu chiến dài lan man từ khắp nơi trên thế giới rất khó kiểm soát.

“Cứ tưởng tượng như bạn có một sân bay đón nhận mọi người từ khắp nơi trên thế giới, tới từ mọi nền văn hóa và tôn thờ những giá trị khác nhau. Họ nói đủ mọi loại ngôn ngữ, thoải mái thể hiện thái độ và nói ra bất cứ điều gì mình muốn, không quan tâm điều đó có gây tổn thương cho người nghe hay không, bởi suy cho cùng, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến an nguy của họ”, Ha nói.

Bình luận và phán xét trên mạng có thể trở nên độc địa đơn giản vì trong cuộc sống không phải ai cũng là người tốt. Quản lý cộng đồng và thiết lập những quy chuẩn nhất định về ngôn từ là trách nhiệm của nhà cung cấp nội dung. Đây cũng là vấn đề làm đau đầu Facebook và Twitter, bởi ngay từ đầu hai mạng xã hội đã chọn hướng tiếp cận trung lập, không muốn chỉnh sửa hay kiểm duyệt bất cứ điều gì người dùng đăng tải.

Vậy bạn có thể làm gì?

Đối với fake comment, bạn có thể đơn thuần báo xấu với nhà điều hành nền tảng như Facebook và Twitter, Instagram, v.v…. sau đó bình luận sẽ được xem xét thủ công và gỡ bỏ.

Song với vấn nạn bạo hành số, mọi chuyện không đơn giản vậy. Khi báo xấu một bình luận mang tính kích động, các công ty công nghệ thường sẽ phải xem xét và đánh giá liệu comment đó có thực sự gây nguy hại đến sự an toàn của người báo xấu, hoặc chí ít là vi phạm một luật nào đó hay không. Thông thường, kẻ bắt nạt trên mạng thường biết chính xác mình có thể “quấy rối” người khác đến mức độ nào mà vẫn chưa phá luật. Như đã nói, các nền tảng trước giờ vẫn tỏ ra khá kín kẽ và e dè trước việc gỡ bỏ bình luận không thích hợp khỏi hệ thống của mình để duy trì hình ảnh về một môi trường trung lập, nơi tất cả mọi người được phép tự do ngôn luận.

Trước tình trạng bất lực của nhóm Người khổng lồ, giáo sư Papacharissi khuyến khích một vài biện pháp “tự thân vận động”:

“Nghĩ kĩ trước khi đọc. Nghĩ kĩ trước khi nói. Thêm vào đó, bạn không nhất thiết phải trả lời một bình luận nếu không muốn. Có rất nhiều thứ trên mạng không xứng đáng với sự quan tâm của bạn. Đôi khi, sức mạnh bắt nguồn từ sự im lặng, chứ không đến từ những giây phút “nổi đóa” thiếu kiểm soát”.

Quay trở lại thế kỷ 20, rất nhiều thi hào nổi tiếng Việt Nam cũng chọn cách tìm đến thơ ca, văn học để né tránh hiện thực tàn khốc. Nhưng di sản họ để là những áng văn hay, những tấm gương đẹp, những tác phẩm vĩ đại đời đời lưu truyền hậu thế. 100 năm sau đó, con người hiện đại cũng đi tìm một lối thoát tương tự, nhưng càng đi, ta lại càng thấy tăm tối, mịt mù, và đâu đó trên con đường kiếm tìm, ta dường như đánh rơi mất nhiều giá trị nhân cách và văn hóa tốt đẹp, đổi lấy một vài giấy phút ngắn ngủi hả hê, thỏa mãn.

Công Minh (theo New York Times) – ICTNews