Cây trứng cá “ông ngoại”

0
882

Ngày vợ chồng tôi mới xây nhà trên phố, ba vợ ở quê ra thăm. Nhìn ngôi nhà nhỏ đứng trụi trơ, lóa sáng mái tôn đến nhức mắt dưới trời nắng lửa chang chang, ba lẳng lặng đi tìm xin hai cây trứng cá non. Và hậm hụi đào lỗ. Và hậm hụi trồng, tưới, hậm hụi tìm que rào, cắm để ngăn chó ngăn gà.

Có lẽ nhờ đất tốt (mà cũng có lẽ nhờ cái tình của ba) nên cây lớn nhanh như thổi. Nháy mắt nửa năm đã cho màu xanh, bóng mát. Hơn năm đã vươn cao lừng lững, lòa xòa ôm kín chái nhà. Bóng mát làm chỗ chơi cho lũ trẻ, làm chỗ để xe cộ hay vài vật dụng cần tránh nắng. Còn màu xanh, cái màu xanh yên ả mang hơi hướm sắc quê khiến thần kinh con người chợt dịu xuống, bớt đi những bực bội, sân si “ngoài đường ngoài sá” nhiều lúc cứ theo chân ta về tận cổng nhà…

Cây được đặt tên là cây trứng cá “ông ngoại”. Cái tên ngồ ngộ ấy là do thằng con tôi đặt. Mới nghe thì lạ nhưng quen rồi thấy cũng… dễ thương! Cây chỉ có một nhược điểm là lá rụng nhiều, rụng nhanh, quét đến mỏi tay. Nhưng chịu khó lâu dần cũng quen. “Ờ, thì xem như có dịp… rèn luyện thân thể!” – vợ tôi bảo. Có lý quá. Và nữa, cái mệt nhọc râu ria kia lại chẳng thấm tháp gì với hàng tá chuyện được mà cây trứng cá mang lại cho ta: chịu hạn, sống khỏe, bóng mát, làm chỗ cột dây phơi… Sức phục hồi, tái sinh của cây quả là đáng nể. Mỗi mùa mưa bão, sợ cây đổ, tôi buộc phải leo rong nhánh cành thành ra cây trơ trụi. Ấy vậy mà ra giêng cỡ chừng một tháng là cây đã tua tủa đâm ra xanh ngút, kịp làm tàn che cho cái nắng nhức mắt của hè.

Tháng 6 rồi tháng bảy, những cơn mưa hạ cuối mùa chợt đến, chợt đi chen ngang cái nắng nhạt dần theo bước chân thu làm cây trứng cá như bừng tỉnh. Hoa trắng đâm chi chít. Rồi đậu quả: cũng chi chít, hết lớp này sang lớp khác. Quả lớn nhanh,  từ xanh nhạt chuyển sang xanh sẫm, ửng hồng và sau cùng chín đỏ. Cái màu đỏ mọng, căng bóng trông thật ngon mắt. Thế nhưng lũ nhỏ không thể hái và cũng không được phép trèo cây để hái. Cành trứng cá giòn lắm, lơ mơ ngã gãy cổ,  không phải chuyện đùa.

Cái vòng xoay tất bật của nhịp đời hiện tại khiến không ai có thì giờ rảnh rang mà làm những chuyện công nhiều lợi ít (hay nói phắt là vô bổ) như… leo cây trứng cá hái trái. Sáng, nhìn cây trứng cá chi chít quả mọng, thèm thì thèm thật nhưng công chuyện bề bề thế kia, đành tặc lưỡi mà gác lại, hẹn: đến chiều. Chiều, lại tặc lưỡi mà hẹn tiếp: đến mai. Và mai thì gần như luôn luôn đồng nghĩa với chuyện không bao giờ.

Vậy là đám quả mọng trên cây trứng cá chỉ còn dùng vào mỗi việc: ngày ngày nuôi béo lũ chào mào, hoành hoạch và đêm thì nuôi… dơi. Còn thừa lại, mỗi sáng tinh mơ chúng thi nhau rụng đầy gốc cây, ang nước. Vợ tôi vừa lom khom quét hốt, vừa nhìn đống quả chín rụng qua đêm bằng con mắt tiếc rẻ. Ấy vậy nhưng, thằng cu con vừa thò tay toan nhặt đã bị nàng quát: Mất vệ sinh! Thằng cu chần chừ. Ý hẳn nó đang cân đo đong đếm giữa độ ngon của những trái trứng cá đỏ lừ với cái ám ảnh chẳng mấy… ngon lành của một lằn roi. Nỗi sợ chiến thắng cơn thèm và cu cậu tiếc rẻ bỏ đi.

Chứng kiến từ đầu cái đoạn video clip khá là ấn tượng kia, tôi suýt bật cười, tự hỏi: không hiểu vợ tôi có biết đức ông chồng khả kính của nàng ngày bé thơ còn “mất vệ sinh” đến… mười lần hơn thế hay không. Vậy mà lạ chưa, vẫn cứ… sống nhăn,  còn ít đi thăm thầy thuốc hơn con cái tôi bây giờ nữa mới kỳ. Đã toan mở miệng nhưng chợt nhớ ra vợ tôi là cô giáo, chuyên dạy điều hay lẽ phải cho lũ trẻ con, tôi kịp kìm mình ở lằn ranh phải đạo của một… triết gia, nghĩa là cười thầm, không nói.

Còn cây trứng cá, cây cũng nghiêng nghiêng đầu, lắc lư đám tàn lá xanh và hình như cũng… cười thầm, không nói.

Theo SGTimes