Vào một ngày đầy mây trên một đường băng ở phía đông bang Oregon vào đầu năm nay, một chiếc xe có tên gọi là Vahana, nhìn lướt qua trông giống một chiếc trực thăng, đã lắc lư bay lên, bay tới độ cao 5m rồi đứng giữa không trung chừng 53 giây sau đó lại sa xuống đất. “Khi chiếc xe đứng yên giữa không trung, tim tôi đã đập nhanh gấp 2 lần bình thường”, Zach Lovering, kỹ sư giám sát dự án này tại A3, một bộ phận của hãng sản xuất máy bay Airbus, cho biết.
Chiếc Vahana – được lấy tên từ một thần thú là vật cưỡi của các vị thần – hoàn toàn chạy điện, có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều đứng, nói cách khác có thể gọi Vahana là một chiếc taxi bay. Sau khi cất cánh, 8 bộ cánh xoay chuyển 90 độ từ chiều ngang lên chiều thẳng đứng, giúp chiếc Vahana vận hành giống như một chiếc máy bay. Công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng các nhà phát triển tin rằng taxi bay không người lái một ngày nào đó sẽ xuất hiện khắp bầu trời, bay xung quanh các thành phố một cách an toàn với chi phí thấp.
Vận chuyển hàng không tư nhân là giấc mơ lâu nay của con người. Norman Bel Geddes, một nhà thiết kế công nghiệp có tầm nhìn xa, đã khơi dậy trí tưởng tượng của con người những năm 1940 qua cuốn sách “Xa Lộ Huyền Bí”, mà theo đó tưởng tượng ra những chiếc ô tô bay không người lái.
Khoa học viễn tưởng có thể sớm trở thành hiện thực. Một viễn cảnh hấp dẫn về tương lai đã được mô tả trong một video của Uber Elevate, bộ phận hàng không của công ty gọi xe Uber. Một người phụ nữ trong đoạn video mở ứng dụng Uber trên smartphone khi cô đi ra khỏi phòng họp. Cô chọn “Uber Air” rồi sau đó tiến vào một tòa cao ốc, nhấn nút thang máy có chữ “Uber Port”.
Kế tiếp, người phụ nữ này bước lên mái nhà, nơi có một dãy taxi bay sang trọng sẵn sàng chờ cất cánh. Cô ngồi vào một chiếc taxi bay và chiếc tàu bay này đưa cô bay vút lên bầu trời. Khi đang ở trên không, cô liếc nhìn xuống đường phố tắc nghẽn giao thông bên dưới với ánh mắt đầy thương hại. Dara Khosrowshahi, CEO của Uber, cho biết, ông hy vọng dịch vụ của Uber sẽ có mặt trong 5 năm nữa.
Không chỉ Uber, có hơn 10 công ty đang triển khai các dự án tương tự. Kitty Hawk, được hỗ trợ vốn bởi Larry Page, đồng sáng lập Google, sẽ sớm thử nghiệm chiếc xe không người lái ở New Zealand. Những công ty khác cũng hướng đến mở cửa bầu trời còn có Aurora của Boeing, các startup của Đức Volocopter và Lilium và cả Ehang, một nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc.
Vào tháng 9.2017, Volocopter đã bắt đầu thử nghiệm những chiếc taxi bay ở Dubai. GoFly Prize, được tài trợ bởi Boeing, thưởng 2 triệu USD cho bất cứ ai có thể “thiết kế và tạo ra một chiếc xe bay cá nhân không tiếng ồn, an toàn, siêu tiện lợi có thể bay 20 dặm trong khi chở được 1 người”. GoFly đã nhận được hàng ngàn hồ sơ tham gia từ các phòng lab trường đại học cho đến những người nghiệp dư.
Gwen Lighter, CEO của GoFly Prize, cho biết giải thưởng đã khơi dậy nhiều sự quan tâm vì sự “hội tụ” của nhiều công nghệ đã đưa cuộc thi trở thành một thời khắc cải tiến tỏa sáng. Có thể thấy, công nghệ pin cải tiến cho phép quãng bay kéo dài thời gian hơn. Công nghệ in 3D thì cho phép các mẫu xe cải tiến có thể nhanh chóng được mô phỏng. “Điều bạn có là giây phút vàng này”, Lighter nói. Giấc mơ về một chiếc xe bay của riêng mình đang dần định hình.
Rõ ràng, câu hỏi đặt ra không còn là liệu xe bay có thành hiện thực mà là liệu chúng có thể trở thành một phương tiện giao thông đại chúng. Dù chiếc taxi bay như Vahana trông giống như trực thăng nhưng chúng lại là một phương tiện vận chuyển hoàn toàn khác. “Chúng ta đang nói về một cách thức mới để chuyên chở con người”, Lovering cho biết.
Động cơ điện của chiếc Vahana khiến nó rẻ hơn nhiều so với trực thăng chạy bằng xăng dầu, cho phép hành khách đi lại với chi phí rẻ hơn và cũng thải khí ít hơn. Nhiều cánh quạt cũng gia tăng độ an toàn và giảm tiếng ồn. Khi cất cánh và hạ cánh, chiếc Vahana có mức độ tiếng ồn thấp hơn 20 decibel so với một chiếc trực thăng. Ở độ cao 250 feet (76,2m) ở giữa không trung, chiếc Vahana không ồn hơn một chiếc Prius cách đó 100 feet (30,48m). Quan trọng hơn là Vahana không cần một phi công kỳ cựu điều khiển nó.
Tuy nhiên, không dễ dàng chinh phục bầu trời. Justin Erlich, đứng đầu mảng chính sách các sáng kiến di động tiên tiến của Uber, cho biết Uber đặt nhiều tham vọng đối với xe bay. Nhưng có những lý do hợp lý giải thích vì sao bầu trời khó có chỗ cho taxi bay, theo Parimal Kopardekar, đứng đầu các thử nghiệm của NASA về vận chuyển bằng đường hàng không.
Các nhà phát triển có thể giải quyết vấn đề tiếng ồn và an toàn của xe bay, nhưng trong một thành phố như New York chẳng hạn, nhiều sân bay hiện đang bị quá tải và không phận lại ngày càng thu hẹp trước số lượng ngày càng nhiều các máy bay thương mại không người lái.
Những chiếc máy bay không người lái này cùng với viễn cảnh không quá xa xôi về taxi bay không người lái đã buộc NASA phải bắt tay nghiên cứu một hệ thống kiểm soát không lưu tự động. Điều này sẽ cho phép các phương tiện di chuyển giao tiếp trực tiếp với nhau thay vì đợi hướng dẫn từ một kiểm soát viên không lưu. Đây là một tiền đề quan trọng cho các chiếc taxi bay phát triển.
Tuy nhiên, taxi bay sẽ đối mặt với những thách thức mà các chiếc ô tô chạy trên đường đang gặp phải. Một ví dụ là các hệ thống vận tải đã nhanh chóng chật chội: mở rộng đường có xu hướng làm gia tăng tắc nghẽn giao thông vì khuyến khích nhiều người hơn chạy xe. Điều này tương tự trên bầu trời dù bầu trời thoáng đãng hơn.
Theo NCĐT