Khi đạt kích thước nhất định, cá sấu màu cam ở hang động Abanda, Gabon, sẽ mắc kẹt, bị giam trong bóng tối, ăn dơi và bơi trong phân dơi.
Cá sấu màu cam bơi trong phân dơi ở hang Abanda. Ảnh: Ảnh: Olivier Testa. |
Một nhóm nhà khoa học thám hiểm rừng mưa ở Gabon 10 năm trước và liều mạng tiến vào hang động. Trong lòng hang đầy dơi tối đen như mực, các nhà nghiên cứu chạm trán sinh vật đáng sợ, con cá sấu với đôi mắt trừng lớn và cơ thể phủ vảy màu cam tươi, theo Amusing Planet.
Cá sấu hiếm khi sinh sống trong hang động và hình dáng khác thường của chúng khiến đoàn thám hiểm sửng sốt. Nhưng con cá sấu cũng bất ngờ khi thấy nhóm chuyên gia và vội vàng chạy trốn vào bóng tối. Sau khi khám phá hơn 600 mét hang hốc, các nhà khoa học tìm thấy tổng cộng 9 con cá sấu sống trong môi trường bất lợi này. Trong hang động không có ánh sáng, đâu đâu cũng phủ phân dơi và có rất ít thứ để ăn. Họ cũng nhận thấy vài con cá sấu bị mắc kẹt bên trong hốc hẹp và hố sâu và không thể tìm đường ra.
Cá sấu màu cam trải qua quá trình đột biến kéo dài hàng nghìn năm. Ảnh: Olivier Testa. |
Giới nghiên cứu đã thực hiện nhiều chuyến thám hiểm đến hang động Abanda trong 10 năm qua trong nỗ lực nhằm hiểu rõ hơn nguồn gốc của cá sấu hang động. Cá sấu hang động Abanda là một loài thuộc nhóm cá sấu lùn châu Phi, phân bố ở Tây Phi và Trung Phi. Chúng là loài cá sấu nhỏ nhất thế giới với chiều dài trung bình 1,5 mét.
Tuy nhiên, cá sấu sống trong hang động có nhiều điểm khác biệt về ngoại hình với họ hàng cư trú trong rừng và đầm lầy. Chúng có phần đầu rộng hơn, thị lực kém và lớp da màu cam kỳ lạ. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều năm ngâm mình trong phân dơi đã làm biến đổi màu da của chúng, giống như cách cơ sở thuộc da xử lý da cá sấu bằng hóa chất để tẩy trắng.
Cá sấu màu cam có phần đầu rộng, mắt kém và cơ thể màu cam. Ảnh: Olivier Testa. |
Nhưng sự khác biệt không chỉ nằm ở lớp da. Nhóm nghiên cứu phát hiện đặc trưng di truyền của chúng cũng khác với đồng loại. Họ cho rằng những con cá sấu trải qua quá trình đột biến và dần dần biến đổi thành loài mới. Do thay đổi kiểu này cần qua vài trăm thế hệ để tích lũy trong ADN, các nhà khoa học suy đoán chúng tách khỏi họ hàng sống ngoài trời từ vài nghìn năm trước.
“Có thể đó là do sinh sản trong một quần thể rất nhỏ”, Olivier Testa, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. “Nếu bạn chọn ra 100 người và để họ ở chung trong 1.000 năm, họ sẽ bắt đầu đột biến bởi họ chỉ sinh sản trong quần thể của mình”.
Lý do cá sấu cam chọn sống trong hang động rất khó xác định. Có thể chúng thích ăn dơi, dế và tảo. Thỉnh thoảng, cá sấu chưa trưởng thành có thể rời hang động để thám hiểm bên ngoài qua nhiều lối ra. Nhưng khi đạt tới kích thước nhất định, chúng bị mắc kẹt bên trong và phải trải qua hết cuộc đời trong bóng tối, ăn dơi và bơi trong phân dơi.