Uber – công ty siêu lỗ, ‘đốt tiền’, ngập bê bối đã sửa mình thế nào?

0
868

Startup đắt giá nhất thế giới nhưng đầy tai tiếng đang đổi thay dưới thời CEO mới, tự tin nhà đầu tư sẽ phải xếp hàng mua cổ phiếu vào năm sau.

Dara Khosrowshahi thay Travis Kalanick ngồi ghế CEO Uber từ tháng 8/2017, và thay đổi 180 độ chiến lược công ty.

Ngay trong những buổi họp đầu tiên, giám đốc điều hành mới tuyên bố hãng taxi công nghệ sẽ ”lên sàn” trong khoảng 18 đến 36 tháng tới. Nhiều nhà đầu tư khi ấy thở phào, bởi người tiền nhiệm vốn có tuyên ngôn nổi tiếng: Uber sẽ trì hoãn việc bán cổ phiếu càng lâu càng tốt.

Đã lên kế hoạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), có nghĩa Uber cần làm đẹp lại hồ sơ, bao gồm các báo cáo tài chính công ty. Họ bắt đầu quá trình ”dọn dẹp” những vấn đề kinh doanh và pháp lý chồng chất trước đó, như cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ, tranh cãi về hợp đồng với tài xế hay một loạt bê bối tình dục trong và ngoài công ty.

CEO Dara Khosrowshahi đang biến đổi Uber từ khi nắm quyền tháng 8/2017. Ảnh: Bloomberg.

Ra đời năm 2009, Uber làm rung chuyển ngành vận tải truyền thống, đặc biệt với taxi, nhưng đi kèm là không ít tai tiếng và hiềm khích ở mọi nơi xuất hiện. Tháng 4/2018, điều tra của CNN cho thấy có đến 103 tài xế Uber bị cáo buộc quấy rối tình dục.

Nhà sáng lập và cựu CEO Kalanick phải từ chức giữa vô số ồn ào về văn hóa công ty, nơi giống như ”câu lạc bộ đàn ông” với nhiều cáo buộc quấy rối và phân biệt đối xử nhân viên nữ.

Tháng 2/2017, cựu kỹ sư Susan Fowler tiết lộ bị “sếp” Uber quấy rối và văn hóa công ty “trọng nam khinh nữ”, khiến Uber sau đó sa thải 20 nhân viên và ghế CEO của Kalanick lung lay.

Để chuẩn bị cho kế hoạch trở thành công ty đại chúng, Uber đã đối mặt một loạt câu hỏi.

Làm sao giảm lỗ mà không mất khách?

Thời điểm Uber bắt đầu nhen nhóm ý định IPO, nhiều người lo ngại ngày của những chuyến Uber giá rẻ đã qua đi.

Uber từng mở rộng ảnh hưởng nhanh khắp thế giới nhờ ”bom” giảm giá cho khách hàng và thưởng cho tài xế. Chiến lược giá rẻ buộc họ chịu lỗ ”khủng”: 3 tỷ USD chỉ riêng năm 2016. Còn con số của năm 2017 là 4,5 tỷ USD.

Tính đến 2018, Uber đã ”đốt” hơn 10 tỷ USD trong 9 năm hoạt động. Lịch sử ghi nhận ít công ty nào mở rộng nhanh mà ”đốt tiền” cũng nhanh như họ.

Uber được nhìn nhận là ứng viên triển vọng gia nhập “câu lạc bộ” các tập đoàn công nghệ ”chào sàn” khi kinh doanh không có lời. Tuy nhiên, họ hoàn toàn hiểu một khi muốn IPO, phải cho nhà đầu tư thấy những dấu hiệu thua lỗ giảm dần. Điều ngày đồng nghĩa dịch vụ đi xe chung phải cắt bớt những chiêu giảm giá và thưởng đã đưa mình đến gần đám đông.

Nhà sáng lập và cựu CEO Travis Kalanick từ chức tháng 6/2017 giữa tình trạng công ty ngập bê bối. Ảnh: Reuters.

Những nỗ lực điều chỉnh sau đó sớm cho kết quả. Lỗ ròng của Uber thời điểm giữa năm 2017 giảm 14% so với 12 tháng trước đó, lượng đặt chuyến nhân đôi qua cùng thời gian.

Tuy nhiên, cắt khuyến mãi thêm hay tăng giá cao hơn nữa sẽ khiến Uber mất thị phần, đặc biệt ở Mỹ, thị trường được xem là lớn và thu lời nhất. Phản ứng của công chúng trước việc Uber tăng giá, cách đối xử với tài xế và loạt scandal phân biệt đối xử trong công ty đã bắt đầu làm họ mất khách vào tay ”kình địch” Lyft. CEO kế vị tuyên bố ngăn chặn đà giảm này là nhiệm vụ quan trọng nhất với họ.

Khosrowshahi đứng trước bài toán lợi nhuận khó với hai lời giải đều có vấn đề. Một là tăng chiết khấu lấy từ tài xế, điều sẽ khiến họ bức xúc mà chuyển sang làm cho đối thủ. Hai là tăng giá, và đối mặt nguy cơ mất khách.

Nhân viên công sở đi ngang văn phòng Uber và Grab tại Singapore tháng 3/2018, thời điểm Uber Đông Nam Á chuẩn bị bán mình cho Grab trên hành trình “làm đẹp” báo cáo kinh doanh. Ảnh: AP.

Châu Á còn đáng ‘đốt tiền’?

Một cách khác cho Uber giảm lỗ là ngừng hoạt động ở những nơi không ghi nhận doanh số triển vọng. Trên thực tế, đó chính là bước đi họ đã lựa chọn.

Tại Đông Nam Á, Uber từng bị cạnh tranh khốc liệt bởi công ty có trụ sở tại Singapore là Grab và hãng xe ôm công nghệ Gojek đến từ Indonesia.

Tháng 7 năm ngoái, giữa lúc Uber trống ghế CEO, Grab huy động được 2 tỷ USD vốn để tăng cường cạnh tranh. Họ mạnh tay tung khuyến mãi và thưởng để chiều lòng khách và tài xế. Giá trung bình dịch vụ taxi ở hầu hết các nước Đông Nam Á sẵn rẻ càng rẻ, khiến tỷ suất lợi nhuận thấp đến mức không đáng để Uber ”đốt tiền” hơn thua nữa.

Ấn Độ là thị trường lớn cuối cùng ở châu Á còn bóng Uber. Ảnh: AFP.

Tháng 3/2018, Uber chính thức rút khỏi Đông Nam Á. Họ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường này cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần. Đây được đánh giá là nước cờ khôn ngoan vì sẽ giúp đẩy lợi nhuận.

Cùng thời điểm, rộ tin đồn Uber sẽ bỏ nốt thị trường lớn cuối cùng ở châu Á là Ấn Độ, sau khi đã vắng bóng trên cả đất Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, Uber sớm phủ nhận và tuyên bố dồn sức cạnh tranh với thương hiệu Ola của nước sở tại.

Đến tháng 5, Uber lần đầu báo lãi, 2,5 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, chủ yếu nhờ bán lại “đất” tại Đông Nam Á và Nga.

Sau những thương vụ lớn đó, Uber lại về với đà lỗ, nhưng con số được cải thiện đáng kể dưới triều đại CEO Khosrowshahi. Quý II/2018, lỗ giảm xuống dưới 900 triệu USD so với mức 1,1 tỷ cùng kỳ năm trước đó.

Hiếm có doanh nghiệp nào thua lỗ gần 1 tỷ USD trong 3 tháng mà CEO vẫn có thể tuyên bố “chúng ta lại có thêm một quý tuyệt vời nữa” như Uber. Họ nói rằng mình đầu tư cho tương lai.

Xoa dịu kiện tụng thế nào?

Ngoài bất hòa với chính quyền hầu hết các thành phố hãng hoạt động, Uber vướng nhiều cuộc chiến pháp lý gây ảnh hưởng đến hồ sơ niêm yết của họ về sau.

Tài xế kiện Uber để được coi là nhân viên chứ không phải đối tác, nghĩa là được hưởng lương và đãi ngộ. Ảnh: Reuters.

Một số rắc rối nổi bật của Uber gồm:

Vụ khởi kiện tập thể năm 2016 của hàng trăm nghìn tài xế Uber Mỹ, những người cho rằng mình không đơn thuần là đối tác độc lập, mà cần được phân loại là nhân viên, có quyền hưởng lương cố định và đãi ngộ kèm theo. Uber sau đó đã đề nghị trả 100 triệu USD để giữ vai trò các tài xế là đối tác, nhằm không đội chi phí lên trên mỗi chuyến đi cung cấp.

Năm 2017, dự án Waymo của Alphabet (công ty mẹ của Google) kiện Uber đánh cắp công nghệ xe tự lái của họ. Vụ việc khép lại khi Uber bồi thường Waymo bằng cổ phần. Hiện CEO Khosrowshahi khẳng định quan hệ với Google đã được cải thiện đáng kể và họ còn muốn đưa công nghệ tự lái của Waymo vào nền tảng của mình.

Tháng 3/2018, Uber chi 10 triệu USD dàn xếp vụ việc 420 nhân viên nữ và da màu kiện môi trường làm việc thù địch và bị phân biệt đối xử.

Xe tự lái thử nghiệm của Uber đâm chết người đi bộ 49 tuổi tại Arizona, Mỹ tháng 3/2018. Ảnh: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ.

Tất cả sẽ được ghi chép đầy đủ trong lý lịch Uber khi niêm yết, nhưng có vẻ không ngăn nổi việc startup này được chờ đợi là “bom tấn” IPO của năm 2019.

Đối thủ Lyft thông báo chuẩn bị IPO vào tháng 3-4 năm tới chưa lâu, CEO Khosrowshahi vừa qua tuyên bố Uber sẽ “lên sàn” vào nửa sau 2019.

Trước lo ngại kình địch IPO trước có thể “vớt khách”, Uber tự tin rằng rất nhiều công ty và nhà đầu tư sẽ xếp hàng mua cổ phiếu của cả Lyft và Uber.

Để dọn đường IPO, cuối tháng 8 vừa qua, Uber thậm chí đã chiêu mộ giám đốc tài chính (CFO) mới, chức vụ họ không hề có kể từ năm 2015. Khosrowshahi tin tưởng giao phó nhiệm vụ cho Nelson Chai: “Tôi nghĩ chúng tôi sẵn sàng IPO, nhưng chắc chắn chờ sự đồng thuận từ CFO của mình”.

Giám đốc tài chính đầu tiên của Uber sau 3 năm, Nelson Chai, nhân vật được kỳ vọng dẫn dắt “bom tấn” IPO của năm tới. Ảnh: AFP.

Giới đầu tư còn đặc biệt quan tâm đến mảng xe tự lái của Uber, khi có thể đem lại dịch vụ giá rẻ lãi cao vì không mất tiền thuê tài xế. Các doanh nghiệp trên thế giới đang đua nhau nghiên cứu công nghệ có thể trở thành tương lai ngành vận tải này. Tuy nhiên, CEO Uber xác nhận công ty chưa có ý định bán cổ phần mảng này, mà tập trung IPO dịch vụ gọi xe cốt lõi.

Hiện Uber vẫn trong quá trình phát triển công nghệ xe tự lái, lạc quan sẽ sớm tái thử nghiệm sau khi phải tạm dừng vì gây tai nạn chết người hồi tháng 3 tại Arizona, Mỹ.

Uber đang là startup giá trị nhất thế giới, được định giá 72 tỷ USD. Nhà đầu tư từ nhiều năm nay nóng lòng chờ đợi họ rao bán cổ phiếu.

Thanh Tùng – Ngoisao.net