Không phải ngẫu nhiên báo cáo của của Oxfarm đưa ra ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN (WEF ASEAN) đề cập trực diện tới thực trạng chênh lệch giàu nghèo đang diễn ra tại nước chủ nhà Việt Nam. Theo đó, thu nhập 1 ngày của người giàu nhất nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm. Sự bất bình đẳng thu nhập này không gây bất ngờ, bởi lẽ chúng ta đã ghi nhận, 210 người siêu giàu Việt Nam năm 2014 có tổng tài sản lên tới 20 tỉ USD, chiếm 12% GDP cả nước hay giá trị tài sản của 4 tỉ phú đô-la của Việt Nam tính tới tháng 3.2018, theo danh sách của Forbes, đã vượt quá nửa con số nói trên.
Việt Nam đang vấp phải bài toán khó của bất cứ quốc gia đang phát triển nào. Song hành cùng Việt Nam trong danh sách tăng trưởng tỉ lệ người siêu giàu, khoảng cách giàu nghèo Indonesia được Oxfam mô tả bằng hình ảnh “4 người đàn ông giàu có nhất Indonesia có lượng của cải nhiều hơn 100 triệu người cộng lại”.
May mắn hơn, bất bình đẳng tài sản ở Việt Nam chưa tới mức gay gắt như Ấn Độ hay Trung Quốc với chỉ số GINI (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước) năm 2016 lần lượt là 0,51 và 0,46. Tương tự, còn xa chúng ta mới phải đối diện với tình trạng 1% dân số sở hữu nhiều của cải hơn 99% phần còn lại, bức tranh đang hiện hình rất rõ nét tại cường quốc số 1 thế giới là Mỹ. Thế nhưng, Việt Nam lại có vấn đề riêng của Việt Nam.
Sự thật là việc Việt Nam lọt vào top 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng người siêu giàu đã không mang lại chỉ toàn niềm vui. Những thương vụ kinh doanh biến doanh nhân thành tỉ phú sau một chữ ký không xa lạ, tiếc là, giàu lên từ thâu tóm đất vàng, đào tài nguyên hay bất động sản không mang lại nhiều lan tỏa tới nền kinh tế. Vì thế, những con số dài mãi trong tờ séc của đại gia hay khối tài sản chất chồng trong két sắt không phải là giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đó không chỉ là bất bình đẳng xã hội mà còn là một sự bất công khó có thể chấp nhận.
Oxfam tính toán, thu nhập 1 năm của nhóm 210 người siêu giàu tại Việt Nam đủ sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước. Mặc dù có đến 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm, nhưng thu nhập của họ ở Việt Nam chỉ bằng thu nhập của tầng lớp trung lưu Hàn Quốc cách đây 20 năm.
Quả thật, cuộc chạy đua thành triệu phú chọn điểm xuất phát là chiếm dụng nguồn lực lẽ ra phải dành cho những địa chỉ chọn lọc nhằm thúc đẩy đời sống của trên 90 triệu dân dẫn đến những lệch lạc, sai phạm như đã ghi nhận trong thời gian qua. Quan trọng hơn, khi nguồn lực trong xã hội bị chốt chặt ở một nhóm cá nhân, đương nhiên, không còn phần bơm nền kinh tế để nó thêm lớn mạnh. Tất yếu, một người thành triệu phú đô-la, rất nhiều người sẽ tại vị lâu hơn ở nấc thang thu nhập thấp trong xã hội.
Hệ lụy không chỉ dừng lại ở đó. Nếu con đường tiến tới những căn nhà hay tài khoản chục triệu USD không đàng hoàng minh bạch, mảnh đất màu mỡ dung dưỡng tham nhũng, tiêu cực sẽ tăng thêm dư địa. Tầng nổi đã hiện rõ nhưng chưa ai hình dung được độ lớn của tảng băng chìm.
Trong bối cảnh này, dường như nút thắt cần tháo gỡ là phải tạo ra được môi trường làm giàu tương đối bình đẳng cho tất cả các bộ phận cấu thành nền kinh tế. Chiếc chìa khóa đang nằm trong tay những người quản lý.
Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: “Sự lần chần đang tồn tại”. Thứ nhất, về tiến trình cổ phần hóa, sự nuối tiếc ưu đãi, quyền lợi từ phía các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đang cản trở quá trình này, khiến nền kinh tế vẫn phải gánh chịu sức ì từ bộ phận kinh doanh luôn đứng chót về hiệu quả. Thứ hai, lo ngại về chuyện làm giàu từ đất và tài nguyên, làm giàu bất chính đã tồn tại cả chục năm nay, nhưng chưa nhìn thấy các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng trên.
“Chênh lệch giàu nghèo mà nguyên nhân chính yếu từ cách làm giàu không minh bạch sẽ triệt tiêu sức sản xuất trong xã hội. Lỗi không phải tại người giàu mà tại cách thức quản lý chưa phù hợp hiện nay”, ông Nam thẳng thắn chỉ ra.
Khoảng cách giàu nghèo sẽ không đáng lo nếu nó tác động có hiệu quả biểu hiện ở sức phát triển của nền kinh tế thị trường, nhưng khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam hiện nay mới chỉ là phân chia lại của cải dồn cho một số người giàu, còn người nghèo đang chịu sự thiệt thòi bất công. Chỉ có minh bạch, sòng phẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, khối doanh nghiệp tư nhân mới thực sự là động lực của nền kinh tế. Chỉ khi đó, xã hội mới hân hoan chào đón và ngưỡng mộ người giàu.
Theo NCĐT