Trang chủ Quản lý & Lãnh đạo Kế hoạch thăng tiến bản thân

Kế hoạch thăng tiến bản thân

0
1582

Ngay cả khi “thương tích” vẫn còn sẹo trên lưng sau những gì trải qua, bạn cũng sẽ tiếp tục hỏi mình: “Tôi cần phải làm gì để thăng tiến trong môi trường ngày càng cạnh tranh?”. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn thảo luận về những vấn đề rất quan trọng trong tổ chức mà bạn cần quan tâm trước khi bắt đầu chặng đường đi tìm sự thăng tiến cho chính mình. Nếu không chuẩn bị bản thân mình, tức là chuẩn bị một cách kĩ càng như là trước khi bước vào một cuộc đua lớn, thì cơ hội thăng tiến của bạn sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tại sao việc chuẩn bị lại quan trọng

Tất cả chúng ta đều biết là mình cần được chuẩn bị; nhưng “được chuẩn bị” có nghĩa là gì? Chúng ta có xu hướng định nghĩa một cách tương đối, rằng: “Tôi đã chuẩn bị tức là tôi luôn biết mình đang làm gì và đang đi đến đâu”. Khi bạn hỏi một ai đó đã phát biểu như vậy rằng kế hoạch của anh ta đâu thì bạn sẽ nhanh chóng nhận ra là trong hầu hết các trường hợp kế hoạch chuẩn bị là rất lộn xộn. Không có gì gọi là hoạch định, mục tiêu chưa rõ ràng và bạn cũng chẳng thấy một cái gì nói đến tiến độ.

Nếu bạn không chuẩn bị đến mức có thể viết kế hoạch ra trên giấy và được hỗ trợ bởi việc theo dõi một cách có hệ thống hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng thì cơ hội đạt mục tiêu của bạn sẽ giảm đi 80% hoặc hơn thế nữa. Cuối cùng mọi chuyện sẽ kết thúc với một đống lời nói chồng chéo lên nhau và rất nhiều những lý do cho những sai lầm. Một kế hoạch đúng nghĩa cần có những hành động và mục tiêu có thể đo lường được để biết mọi chuyện có đang xảy ra theo hoạch định hay không.

Bạn cần phải sẵn sàng định hướng bản thân sao cho có thể theo dõi được rằng bạn có đang ở trên lộ trình đúng hay không và có đang đi đúng hướng hay không. Việc thăng tiến bản thân là một quá trình phức tạp mà bạn phải làm việc với nó hằng ngày. Trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, không ai có thể nhớ trong đầu mình tất cả mọi thứ, cho nên họ phải lập kế hoạch đồng thời theo dõi một cách nghiêm túc quá trình tiến bộ của mình.

Dưới đây, xin tóm tắt những việc mà một cá nhân cần làm nhằm chuẩn bị bản thân cho việc thăng tiến của chính mình.

Bắt đầu với các mục tiêu

Mục tiêu là cái sẽ tạo ra nhiên liệu để đưa bạn đi trên con đường thăng tiến đã vạch ra. Thật không may, hầu hết mọi người lại chỉ đưa ra những mục tiêu chỉ tồn tại trên lời nói, vì chúng chẳng mất tiền mua, và như người ta vẫn nói, khi đó thì con đường đến với một kết cục dở đã được lót sẵn bằng những lần thất hứa. Cứ mỗi một lời hứa được hoàn thành thì tương ứng với nó cũng có cả triệu cái không bao giờ được hiện thực. Để tránh cái bẫy này, hãy suy nghĩ về phát biểu sau đây: “Tương lai hướng dẫn và thúc đẩy những việc làm ở hiện tại”. Bill Gates nhìn thấy tương lai trong một chương trình máy tính nhỏ bé có tên là DOS. IBM không thấy điều đó. Gates đã xây dựng những mục tiêu một cách có phương pháp để đưa ông ấy đến chỗ mà ông ấy muốn tới, và bạn có thể hoàn toàn chắc chắn rằng ông ấy vẫn tiếp tục con đường đó vào ngày hôm nay.

Cũng là không may mắn, vì mục tiêu vẫn thường bị nhầm lẫn với mục đích. Trong ví dụ về người bán hàng trên đây, mong muốn trở thành phó chủ tịch công ty là một mục đích chứ chưa phải là mục tiêu. Mục tiêu là những việc bạn cần làm để đạt đến mục đích. Nếu bạn không có những mục tiêu được định nghĩa chính xác và rõ ràng, bạn sẽ không bao giờ đến được đích. Bạn sẽ giống là một con tàu không có bánh lái trôi trên biển khơi chứ không phải là đang hướng đến một nơi đến đã định trước.

Mục tiêu cần phải được hoạch định một cách khoa học và dựa trên cơ sở hoàn cảnh thực tế, chứ không phải là cái đó được nghĩ ra một cách bất chợt, ngẫu hứng. Việc theo đuổi những mục tiêu có ý nghĩa là rất quan trọng trong quá trình thăng tiến, vì sự hiện thực thành công các mục tiêu đó chính là những thành quả quan trọng trên con đường đi đến mục đích cuối cùng của kế hoạch thăng tiến.

Tuân theo sứ mệnh của tổ chức

Các mục tiêu của tổ chức là những nhận thức được chia sẻ về dự định và các mục tiêu của tổ chức đó. Những mục tiêu đó có thể được nêu ra trong luật lệ, điều lệ, chính sách hay có thể in ra trên mặt sau của tấm namecard của nhân viên vẫn sử dụng. Chúng có thể được thể hiện qua những từ ngữ có ý nghĩa rất rộng và có thể được gọi là phát biểu về sứ mạng của tổ chức. Mục tiêu của tổ chức cho biết tại sao tổ chức đó tồn tại và nó đang muốn đạt được điều gì.

Đối với bạn, người mong muốn được thăng tiến bên trong tổ chức, thì việc thấu hiểu và hành động một cách có cam kết mạnh mẽ với sứ mệnh của tổ chức là một yêu cầu quan trọng. Nếu không được như vậy, bạn sẽ bị loại ra khỏi dòng chảy và biến mình thành kẻ ngoài cuộc bất cứ lúc nào.

Nỗ lực hết khả năng của mình

Bạn nghĩ như thế nào về phát biểu cho rằng con người có rất nhiều khả năng mà họ không dùng đến. Điều này có thể được ghi nhận dễ dàng ở người khác nhưng khá khó nhận ra ở bản thân bạn! Đối với hầu hết chúng ta, thật là không dễ dàng gì khi muốn tìm ra những khu vực khả năng chưa được khai thác. Và tất nhiên rằng, chúng ta biết là mình chưa làm việc đúng với năng lực của mình. Có bao giờ bạn nói với bản thân mình rằng, “Tôi biết các làm việc đó, vậy tại sao tôi lại không làm?”. Nếu đúng như thế thì bạn không phải là người duy nhất có ý nghĩ như vậy.

William James, nhà tâm lý học người Mỹ, nói rằng: “Con người chỉ dùng khoảng 10% năng lực của họ, cái thực ra là cao hơn rất nhiều”. Ngay cả nếu bạn là người trên trung bình và dùng nhiều hơn 10% năng lực của mình thì vẫn có một khoảng cách giữa năng lực thực sự của bạn và khả năng thể hiện trong công việc. Mặc dù đây là điều không dễ chấp nhận, nhưng nó là bước vĩ đại mà bạn cần phải làm. Nó sẽ giúp bạn tăng cơ hội thăng tiến và đảm bảo sự thành công một khi bạn đạt được mục đích.

Phát triển năng lực đầy đủ

Năng lực là một tổng hợp của tất cả tài năng bẩm sinh và kiến thức thu lượm được và những khuyến khích mà bạn có để thúc đẩy việc sử dụng một cách hiệu quả khối óc, cơ thể và tâm hồn bạn. Trong nhiều trường hợp, những gì xảy ra trong cuộc sống đã giới hạn năng lực bẩm sinh xuất sắc của cá nhân. Nếu tất cả mọi người đều muốn sử dụng năng lực của họ ở mức cao nhất, tại sao điều đó lại không xảy ra? Tại sao người nhân viên kinh doanh lại ngồi nhìn cái điện thoại 30 phút trước khi quyết định gọi cho khách hàng tiềm năng? Tại sao bạn lại vội vã hoàn thành thủ tục hoàn thuế vào những phút cuối của thời hạn trong khi bạn đã có mấy tháng trước đó để làm việc này? Tất cả những điều này xảy ra là vì hệ thống của con người là một hệ thống cảm tính. Những cảm xúc tích cực có xu hướng làm mạnh thêm dòng chảy của năng lực. Cảm xúc tiêu cực sẽ ngăn dòng chảy đó. Nếu bạn nhận thấy những lĩnh vực đang thực sự phát huy tốt của cuộc đời bạn thì nhiều khả năng đó là những lĩnh vực mà bạn đã phát triển được những cảm giác rất tích cực. Bạn đã áp dụng những cảm xuc tích cực vào công việc.

Suy nghĩ một cách tích cực

Trong quá trình thăng tiến bản thân, bạn sẽ phải đương đầu với áp lực và những hoàn cảnh dễ gây ra sự bức xúc. Bạn sẽ phải đương đầu với những hạn chót quá khắt khe, sự cạnh tranh mạnh mẽ và gặp phải những đồng nghiệp hay “đá hậu”, và bạn sẽ phải tiêu hóa nhiều thông tin hơn là não của bạn có thể xử lý. Những người hoạt bát hiểu rằng, cách tốt nhất để đứng được ở trên đỉnh của một đống đồ là giữ cho mọi thứ ở vào vị trí hợp lý của nó. Sẽ có những lúc bạn phải tự vỗ về mình để cố gắng hoàn thành công việc vì chẳng có ai khác làm thay. Cũng có lúc bạn sẽ phải tự đá vào mông mình vì đã gây ra những lỗi lầm ngốc nghếch. Chẳng có ai không có lúc thế này thế khác. Thật không may mắn là nhiều người trong chúng ta có xu hướng chết chìm trong thất bại một cách vô ý thức trong khi lại quá hân hoan với chiến thắng. Nếu bạn chỉ tập trung vào những gì tiêu cực và bỏ qua những điểm tích cực, bạn sẽ đáng giá sai về những gì đang xảy ra với mình. Khi điều đó xảy ra, bạn sẽ chịu rủi ro khi rơi vào vòng luẩn quẩn của cảm giác luôn thấy thiếu thốn. Nếu bạn cứ tự chôn mình trong thất bại và sai lầm, bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ khả năng của bản thân.

Kiên định với thứ tự ưu tiên của mình

Hãy đánh bóng viên đá chứ đừng cố thay đổi hình dạng của nó. Mọi người đều nhận được rất nhiều lời khuyên rằng hãy trở nên hiệu quả hơn, biết tổ chức hơn… Tuy nhiên, nếu bạn đưa tất cả mọi thứ đó vào trong kế hoạch của mình thì bạn sẽ trở nên cực kì thất vọng. Chúng sẽ làm bạn bị phân tán, mất tập trung vào việc hoàn chỉnh những thế mạnh khác của mình, tức là không chịu đánh bóng hòn đá!

Đừng đánh mất tầm nhìn bao quát của bạn

Có khi nào bạn vào nhà hàng và tìm cách gọi phục vụ nhưng không thể? Sau khi anh ta đem món bít-tết ra thì nhận ra là còn thiếu tương chấm. Và bạn muốn rượu được đem ra cùng đồ ăn chứ không phải là sau khi ăn xong. Có lẽ bạn đang gấp gáp và yêu cầu tính tiền. Điều làm cho tình huống trở nên khó chịu chính là người phục vụ đang ở gần bạn nhưng bạn không thể làm cho anh ta chú ý. Anh ta đã không sử dụng khả năng bao quát của mình. Anh ta không để cho ánh mắt của anh ta gặp ánh mắt của bạn, cái sẽ làm cho anh ta phải đáp ứng yêu cầu dịch vụ của bạn.

Nhiều người cũng thiểu năng như anh chàng phục vụ này. Họ cũng từ chối nói đến một vấn đề đang cần họ hỗ trợ. Bạn có bao giờ gặp một ông thầy đi trả lời một câu hỏi không ai hỏi không? Họ có xu hướng cung cấp những thông tin không ai cần thay vì phải đưa ra những thông tin mà người khác mong đợi. Họ cũng thiếu tầm nhìn bao quát.

Hãy chính trực

Chính trực là thứ ximăng cần thiết để đảm bảo cho việc thăng tiến của bạn. Theo từ điển, chính trực là sự phối hợp của sự hoàn chỉnh, mạnh mẽ và độc đáo. Một tòa nhà chọc trời cần những điều tương tự để đứng cao, và bạn cũng thế. Chính trực có nghĩa là không thỏa hiệp và luôn chọn cái đúng. Cái đúng ở đây nghĩa là gì? Nghĩa là luôn bám chặt vào quyết định đúng cho dù đó không phải là quyết định thường xảy ra.

Tại sao chính trực lại quan trọng đối với sự thăng tiến của bạn. Nếu một ai đó có trách nhiệm về sự thăng tiến của bạn nhận ra rằng bạn không chính trực, bạn có thể không được đề bạt. Nếu bạn đã được đề bạt và họ phát hiện ra rằng bạn không chính trực, bạn có thể bị đuổi việc. Khi bạn ở vào vị trí lãnh đạo lớn hơn, bạn sẽ phải ra những quyết định liên quan đến những rủi ro lớn hơn hiện nay. Tính chính trực của bạn trở thành một yếu tố quan trọng trong việc bạn đánh giá các tiêu chuẩn khi ra quyết định.

(còn tiếp)

David E. Rye, 1001 Ways to Get Promoted – Vũ Thái Hà lược dịch

[fblike layout="button_count" show_faces="true" action="like"][googleplusone size="small"]

0 BÌNH LUẬN