Ngày còn trai chưa vợ, ba tôi từng có một mối tình. Nghe bảo đắm say da diết lắm, nhưng nửa đường dang dở. Người ấy là cô Năm Tươi. Cô Năm xinh gái, phổng phao, con nhà gia thế. Ba thì nghèo, lại mồ côi nên nhà cô Năm chê, cấm cửa. Ông Xã Bảy (cha cô Năm) năm lần bảy lượt vác hèo mây rượt ba chạy trối chết mỗi bận thấy ba lấp ló cổng nhà.
Thời “áo mặc không qua khỏi đầu”, thương ba cách mấy rồi cô Năm cũng không dám cãi lệnh mẹ cha. Tự ái, mặc cảm khiến ba thua buồn cũng đánh bài lơ. Rồi ba lấy mẹ, chúng tôi lần lượt chào đời. Chuyện xưa dần lắng xuống. Vậy nhưng không hiểu sao cô Năm vẫn ở vậy, không lấy chồng. Nghe nhiều đám dạm hỏi nhưng đám nào cô cũng không ưng. Cha mẹ thúc ép, mắng mỏ thì cô khóc, đòi sống đòi chết. Vậy là thua luôn. Cha cô Năm qua đời, mẹ cô buồn lâm bạo bệnh. Ngày mẹ cô sắp mất, ba qua thăm, mẹ cô cầm tay ba khóc: hồi đó biết nó vầy, bác đâu ngăn cấm tụi bây!
Ba bốn mặt con rồi mẹ vẫn ngầm ghen với cô Năm. Có lần chuyện tầm phơ, anh Hai tôi thắc mắc, sao cô Năm Tươi nhà giàu đẹp gái mà ở vậy đến giờ không lấy chồng? Mẹ liếc xéo ba, ỡm ờ: Bã ở chờ… ba mày á chớ sao? Ba cau mặt, quát: Cái bà này.
Khoảnh ruộng bốn sào ba sạ vụ đông xuân gặp mưa, hư hết trơn. Mẹ kình dữ, bảo ba làm ăn không coi trước coi sau, nhè trúng đợt mưa đem sạ. Ba giảng hòa, thôi, bà đừng kình nữa, để tui lo. Nói cho mẹ yên tâm chứ là ba ỷ lại có chị Tư, chớ ba lo gì được! Chị Tư làm lụng cấy hái giỏi giang không kém cạnh mẹ. Một ba, một chị Tư, thêm tôi nữa là ba người có trách nhiệm lo đi vá dặm lúa. Chị Tư nhìn “đội hình”, ngán ngẩm: trời ạ, con Út với ông ba đi… nói dóc thì ngon chớ cấy hái gì!
Quần quật đã hai ngày trời, cố tách, nhổ tỉa những cụm lúa dày đem trưng cấy dặm những chỗ hư chỉ còn đất trống trơn; hết sức hết hơi mà cũng chỉ mới xong hơn nửa đám. Chị Tư hối ba sang các ruộng bên tìm hỏi xin mạ. Ba ậm ừ, miễn cưỡng lên bờ, đi muốn giáp vòng cánh đồng rốt cuộc lại về tay không. Chị Tư bực, quát tháo rân, lệnh cho tôi lên bờ thay ba đi… xin mạ. Không đi sợ chị Tư đánh, mà đi thì biết xin đâu đây trời? Cái khó ló cái khôn, may quá, tôi vừa nhác thấy bóng cô Năm Tươi. Ruộng cô Năm gần ruộng nhà tôi và cô cũng đang lui hui vá dặm. “Cô Năm ơi cô Năm”, vừa bì bõm lội tôi vừa gọi cô Năm, mếu máo như sắp khóc. “Gì vậy Út? Sao khóc, nói cô nghe?”, “Chị Tư biểu đi xin mạ mà con hông biết xin”. Hiểu rồi, cô Năm cười. “Về biểu thêm con Tư qua ruộng cô mà nhổ, cô phụ cho”.
Tôi hớn hở quệt mắt cười toe, chạy về truyền đạt “ý chỉ” của cô Năm. Ruộng cô Năm không hư, lúa dày; hai chị em hì hục, có cô Năm phụ một tay, non buổi đã nhổ được đống mạ to. Ba không dám xuống nhổ, chỉ loanh quanh trên bờ chờ… chuyển mạ. Biết rồi, khổ lắm, tin ba xuống ruộng nhổ lúa cùng cô Năm mà truyền tới tai mẹ là ba “xong” ngay. Nhìn ba ngại ngùng lảng xa xa, mỗi bận gom mạ lại vội vàng đi như chạy, cô Năm cứ tủm tỉm, còn chị em tôi cũng bấm bụng cười thầm.
Chị Tư tôi làm lụng giỏi, nhưng có căn bệnh động kinh. Mỗi lần lên cơn chị lại lăn đùng ra, co cứng tay chân, miệng trào bọt mép. Rủi vô cùng rủi, hôm ấy chắc do chị ráng làm quá sức. Nửa buổi chiều, khi khoảnh ruộng trống chỉ còn độ phần tư thì chị Tư kêu mệt, bỏ nắm mạ loạng choạng vô bờ. Chưa đến nơi, chị đã ngã lăn ra, lên cơn co giật.
Đồng không mông quạnh, người đi làm về hết, chỉ còn thấy bóng cô Năm Tươi đang rửa cuốc xa xa. Chắc định về, nhưng nghe tiếng tôi gào khóc, cô Năm vội vã quăng cuốc chạy lại. Xốc chị Tư lên tay, cô Năm bồng chị chạy bươn vào xóm. Được cấp cứu kịp lúc, chị Tư qua cơn, dần tỉnh. Vừa ngồi dậy được, chị đã loạng choạng đứng lên, đòi ra… cấy dặm tiếp! Cô Năm trợn mắt: “Nghỉ cho khỏe rồi chiều về, không cấy hái gì nữa hết!”.
Nghe lời cô Năm, hai chị em đùm túm dắt về. Tối mẹ nghe chuyện, thở dài. Hôm sau ba ra thăm ruộng về, bảo: “Lạ chưa, ruộng mình ai cấy kín hết trơn?”. Chị em tôi bụm miệng, cười thầm. Còn ai vào đây nữa? Ba cũng biết thừa ra, nhưng làm bộ thôi.
Theo SGTimes